Đó là đánh giá của các chuyên gia về mô hình “Robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn (RBC)” của hai em: Nguyễn Đức Thành và Lê Phong Vũ (học sinh của Trường Trung học phổ thông Uông Bí, Quảng Ninh).
Mô hình này vừa qua đã xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 4 năm 2018.
Theo em Nguyễn Đức Thành, qua các bài học lịch sử, em biết rằng số lượng bom mìn mà chiến tranh để lại ở Việt Nam còn rất lớn.
Mặc dù robot dò mìn trên thế giới đã được chế tạo từ lâu nhưng xét trên đặc tính địa hình, khí hậu của Việt Nam thì không dễ thích nghi. Mặt khác, giá thành của các robot này rất đắt.
Mô hình robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn của học sinh Trường Trung học phổ thông Uông Bí, Quảng Ninh (Ảnh: Nguyễn Hoa) |
Trong khi đó, số lượng bom mìn, vật nổ chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở nhiều nơi, là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống, trật tự an toàn xã hội nếu không may tác động phải.
Để đảm bảo an toàn cho công việc này cần thiết phải có sự hỗ trợ của một hệ thống hoàn toàn tự động, vì vậy, các bạn học sinh này đã quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài “Robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn (RBC).
Trong quá trình thực hiện mô hình, các em đã có cơ hội được tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, khoa học, kỹ thuật, công nghệ một cách hiệu quả, đồng thời vận dụng kiến thức liên mô giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.
Các em đã nghiên cứu các tài liệu về thực trạng công tác khắc phục bom mìn, vật nổ của Việt Nam; lịch sử nghiên cứu robot dò mìn trên thế giới và Việt Nam.
Đồng thời nghiên cứu cấu tạo robot, tài liệu về định vị dò mìn (RBC), mạch điều khiển, mã CODE, mô đun điều khiển động cơ...
Mô hình robot tự hành của Nguyễn Đức Thành và Lê Phong Vũ đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh năm 2018 (Ảnh: Nguyễn Hoa) |
Đặc biệt là các em đã được tham vấn từ những chuyên gia của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh, Khoa hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân Sự) để xin ý kiến về kỹ thuật thiết kế robot, quy trình, công nghệ dò tìm bom mìn, vật nổ; công nghệ tích hợp trên robot; kỹ thuật dò tìm bom mìn trên thực tế...
Theo các chuyên gia, về chức năng tự hành, người sử dụng dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh để điều khiển robot đi theo quỹ đạo do mình tự tạo với hệ thống tự hành theo google map.
Đồng thời, điều khiển bằng giọng nói qua điện thoại để robot có thể quay trái, quay phải, tiến và lùi. Robot sử dụng từ trường để phát hiện bom mìn.
Khi phát hiện được bom mìn, hệ thống cảnh báo phát tín hiệu về điện thoại bằng cách hiển thị chữ lên màn hình điện thoại hoặc thông báo bằng giọng nói “nghi ngờ có bom”.
Học sinh Việt Nam xếp hạng 12/161 tại cuộc thi Robotics toàn cầu |
Cùng với đó, hệ thống camera VR 3D xoay 180 độ thu lại toàn bộ hình ảnh xung quanh trong quá trình di chuyển và làm nhiệm vụ.
Robot định vị bom mìn bằng các dấu chấm đỏ hiện lên google map, đánh dấu vị trí có bom mìn khi phát hiện.
Với phương pháp phát hiện bom mìn bằng từ trường giúp cho robot có độ nhạy dò tìm cao.
Nhờ vậy, robot có thể dò tìm các loại bom mìn vỏ nhựa có kíp bằng kim loại hoặc vỏ kim loại; dò tìm được độ sâu 90cm.
Robot tích hợp nhiều chương trình dò tìm kết hợp giữa âm thanh và độ nhạy dò nên có thể dò tìm ở nhiều chế độ.
Đặc biệt là độ nhạy máy được điều chỉnh bằng chiết áp, giúp giảm thiểu nguy cơ gây nổ các loại mìn nhạy cảm với từ trường, đảm bảo an toàn cho người dò tìm.
Robot này có thể thay thế sức lao động của con người, nhất là hạn chế thương vong cho những người thực hiện nhiệm vụ và nhân dân nơi có bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Sản phẩm này chỉ có trọng lượng 2kg, nhỏ gọn, nên rất phù hợp với những địa hình phức tạp.
Chia sẻ với chúng tôi, hai em Đức Thành và Phong Vũ cho biết: “Chúng em mong muốn sản phẩm này sẽ góp một phần nhỏ bé trí tuệ, sức lực của mình vào công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Do đó, chúng em mong muốn các cơ quan, ban, ngành chức năng của tỉnh, địa phương khác trong cả nước có sự hỗ trợ cải tiến thêm chức năng của robot để áp dụng sản phẩm vào thực tế”.