Khác với học sinh tiểu học và cấp trung học phổ thông, học sinh cấp trung học cơ sở hiện nay có nhiều địa phương tổ chức thi học sinh giỏi từ lớp 6 cho đến lớp 9. Trong đó, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 đang được các nhà trường rất xem trọng và học sinh phải trải qua quá trình tuyển lựa rồi ôn tập rất vất vả.
Sau nhiều tháng trời, thậm chí suốt cả cấp học ôn tập thì đến năm lớp 9, các em thực sự bước vào kỳ thi học sinh giỏi cuối cấp huyện và cấp tỉnh.
Ròng rã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm ôn tập nhưng gần như học sinh chẳng được ưu tiên cái gì khi tuyển sinh 10. Một số nơi còn để xảy ra tình trạng chưa thực sự khách quan, dẫn đến nhiều thị phi sau mỗi kỳ thi học sinh giỏi.
Những em tham gia ôn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở rất áp lực nhưng chưa được quan tâm đúng mức (Ảnh minh họa: tienphong.vn) |
Nhiều học sinh trường kỳ ôn thi học sinh giỏi
Nếu như trước đây, học sinh lớp 9 tham gia thi học sinh giỏi nếu đạt từ giải Ba cấp tỉnh trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên vào kỳ thi tuyển sinh 10.
Thế nhưng, kể từ năm 2018 cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn bỏ điểm ưu tiên đối với những em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh khi tham gia thi tuyển sinh 10 nên về cơ bản học sinh dù đạt giải cũng không còn được hưởng quyền lợi như trước đây.
Thực tế tại các địa phương cho thấy, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở đang tiêu tốn nhiều sức lực của giáo viên và học sinh nhất trong các phong trào bởi nó vô cùng áp lực.
Nếu như giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi hiện nay chỉ dạy thực hành có 1 tiết và báo cáo cải tiến vài chục phút là xong. Viết một sáng kiến kinh nghiệm cũng chỉ trong vòng vài ba ngày.
Nhưng, khi tham gia ôn thi giáo viên giỏi, giáo viên phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian trong một quãng thời gian dài ròng rã. Cũng chính vì thế mà học sinh- thành phần quan trọng nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cũng gặp rất nhiều áp lực khi tham gia ôn thi với thầy cô giáo.
Nhiều nơi, cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi học sinh giỏi hoặc “giao lưu” học sinh giỏi từ lớp 6 và tất nhiên là nhà trường cũng phải cho học sinh tham gia, ôn tập từ lớp 6.
Trải qua lớp 6, lớp 7, lớp 8 học sinh phải đầu tư rất nhiều công sức cho môn mà mình đã đăng ký và được giáo viên chọn lựa vào đội tuyển. Ngoài giờ học sinh khóa, những em này phải vào trường ôn trái buổi với thầy cô một số buổi/ tuần và phải làm rất nhiều bài tập, rất nhiều đề thi khác nhau.
Lên đến lớp 9- lớp quyết định của cấp trung học cơ sở nên áp lực học tập càng nặng nề hơn. Vì mục tiêu cao nhất của những em học sinh lớp 9 là thi đậu vào một trường Trung học phổ thông mà mình yêu thích.
Trong khi, kỳ thi tuyển sinh 10 của các địa phương hiện nay ít nhất là 3 môn thi, nhiều địa phương thêm môn thứ tư hoặc môn tổ hợp nên học sinh lớp 9 phải quay cuồng trong guồng máy học chính, học thêm nhằm đủ kiến thức để thi vào lớp 10.
Đối với những em thi học sinh giỏi tất nhiên cũng phải học như những bạn trong lớp nhưng còn thêm nhiệm vụ cao cả là nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi của nhà trường nên áp lực học tập của những em này còn lớn hơn rất nhiều lần các em khác.
Nhìn chung, cả học chính khóa, học thêm, ôn thi học sinh giỏi thì các em ở khu vực đô thị- nơi có tỉ lệ chọi tuyển sinh 1- cao gần như chỉ có mặt ở nhà những khi ăn, ngủ. Nhiều em, ngoài học chính khóa còn tham gia ôn thi học sinh giỏi, học thêm 2-3 ca khác nhau/ngày.
Thế nhưng, khi các em tham gia thi học sinh giỏi, khả năng rớt là rất cao. Bởi, khi tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện (quận), đa phần các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ lấy tỉ lệ đậu khoảng 20-30% số lượng học sinh tham dự kỳ thi.
Sau đó, Phòng chọn một số em có điểm cao nhất môn thi đó tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Những em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh lại tiếp tục ôn thi thêm một thời gian nữa.
Khi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh được tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thường lấy tối đa là 30% số lượng thí sinh đạt giải.
Vì thế, những em tham gia thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở dù là cấp huyện hay cấp tỉnh sẽ có ít nhất từ 70 % thí sinh dự thi sẽ rớt. Chỉ có tối đa 30 % học sinh dự thi có được niềm vui sau khi tham dự kỳ thi.
Những em rớt sẽ buồn dai dẳng và chịu áp lực rất lớn về tâm lý. Nhiều em ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi tuyển sinh 10 vì quá trình ôn thi học sinh giỏi các em đã đầu tư quá nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho môn mình dự thi nên các môn thi tuyển sinh 10 khác bị xao nhãng.
Những em đậu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì được tặng một cái giấy khen và phần thưởng là mấy trăm ngàn đồng từ cấp đứng ra tổ chức. Ngoài ra, các em không còn được ưu ái gì trong quá trình học tập, thi cử sau này.
Những học sinh là vậy, còn những thầy cô ôn thi học sinh giỏi của rất nhiều địa phương hiện nay gần như chẳng có chế độ gì, hoặc một cái giấy khen động viên tinh thần.
Cấp huyện, hay cấp tỉnh tổ chức thì cũng chỉ khen thưởng học trò, còn giáo viên vẫn đứng bên lề kỳ thi này.
Nếu như nhà trường quan tâm thì tính cho vài chục tiết trên định mức giảng dạy hoặc khen thưởng cho vài trăm ngàn đồng nếu có học sinh đạt giải. Ngược lại, chủ yếu là động viên tinh thần.
Thiệt thòi đối với học sinh giỏi cấp trung học cơ sở
Trái ngược với với học sinh lớp 9 khi tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải chẳng được ưu tiên gì, học sinh lớp 12 khi tham gia thi học sinh giỏi được rất nhiều ưu tiên khác nhau.
Nếu các em đạt học sinh giỏi văn hóa cấp Quốc gia hoặc cấp tỉnh từ giải Ba trở lên đều được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Nhiều em được tuyển thẳng vào các trường đại học, học viện.
Cũng chính vì thế, nhiều phụ huynh cấp trung học cơ sở ngày nay rất ngại khi biết tin con nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi của nhà trường bởi mất rất nhiều thời gian nhưng quyền lợi thì không tương xứng.
Hơn nữa, nếu không may bị rớt còn ảnh hưởng đến tinh thần khi tham gia kỳ thi tuyển sinh 10 mà khả năng rớt thường rất cao bởi tính cạnh tranh rất lớn.
Thiết nghĩ, việc Bộ chủ trương bỏ cộng điểm ưu tiên cho học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh từ giải Ba trở lên là thiệt thòi rất nhiều cho học sinh cấp trung học cơ sở trong những năm gần đây. Nếu không, thì bỏ luôn kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 như đối với cấp tiểu học.
Bởi lẽ, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh lớp 9 hay lớp 12 cũng đều do Sở giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức nhưng học sinh lớp 12 thì được cộng điểm ưu tiên còn học sinh lớp 9 thì lại không được quan tâm đúng mức- cho dù các em đều là học sinh cuối cấp, đều phải trải qua một kỳ thi quan trọng để chuyển cấp học.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.