Sự việc thầy giáo Đặng Văn Quế, giáo viên dạy Ngữ văn của trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 (Sóc Trăng) bị học trò làm đơn kiến nghị với Ban giám hiệu nhà trường đổi giáo viên vì học trò thấy không được an toàn.
Lý do mà các em đưa ra là thầy giáo đánh học trò trong giờ học khiến cho các em cảm thấy không an toàn khi học với thầy. Tại sao giáo viên dạy môn Ngữ văn mà lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế này cơ chứ?
Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3- nơi xảy ra sự việc trò kiến nghị đổi thầy (Ảnh: Báo Công an Nhân dân) |
Cho dù thực tế là môn Văn hiện nay có một bộ phận học sinh không thích học nhưng giáo viên dạy Văn vẫn thường được học trò yêu quý. Bởi vì thầy cô dạy Văn thường rất hiểu tâm lý của học trò và những lời giảng cũng dễ đi vào lòng học trò của mình.
Thông thường thì những thầy cô dạy Văn rất nhạy cảm với các tình huống trên lớp, nhạy cảm với sự thay đổi về thái độ của học trò. Chỉ cần đứng giảng, nhìn thấy học trò thờ ơ với lời giảng của mình cũng đã phải phân vân rồi.
Đằng này, thầy lại đi đánh học trò nhiều lần mà đánh học trò thời nay dù biện minh như thế nào cũng sai. Đánh một em đã không được, đánh nhiều em trong một lớp học càng thể hiện sự bất lực của người thầy.
Khi học sinh cảm thấy…không an toàn
Điều bất ngờ là trong đơn gửi cho Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) thì 43 học sinh của lớp 8A4 đã đã cùng ký tên (chỉ trừ 3 em vắng học). Điều này cho thấy học sinh đã có sự chuẩn bị rất kỹ về việc viết đơn của mình.
Làm sao mà cả một lớp học lại cùng ký tên vào đơn đề nghị đổi thầy dạy Văn? Một lớp học mà không có một học trò nào đứng về phía thầy giáo là điều chát đắng vô cùng và đó là thất bại thê thảm của người thầy.
Trong đơn gửi nhà trường, học sinh lớp 8A4 đã trình bày: “Lớp 8A4 của chúng em, môn Ngữ văn, nhiều bạn bị thầy đánh. Chúng em cảm thấy không được an toàn khi đi học nên muốn được bảo đảm an toàn vì rất nhiều bạn nữ bị thầy đánh mông”.
Thầy giáo thừa nhận đánh học sinh nữ…vào mông
Ngày nay, thầy giáo đánh học trò nam đã không phù hợp, đằng này đánh vào mông của học trò nữ lại càng phản cảm.
Bởi, phần lớn những giáo viên nam không bao giờ có những hành động đánh vào các em nữ bởi có rất nhiều vấn đề nhạy cảm mà giáo viên nam cần phải tránh. Trong khi, thầy Đặng Văn Quế đã thừa nhận dùng tay đánh vào mông của 4 học sinh nữ!
Nguyên nhân mà thầy Đặng Văn Quế đánh học trò là do các em này không thuộc bài và nói chuyện trong lớp. Thầy Quế biện minh cho việc làm của mình rằng: “Tôi đánh các em xuất phát tình yêu thương như dạy bảo con cháu trong nhà, dù biết hiện nay không cho phép. Tôi đã gặp phụ huynh, và họ cũng đồng ý cách dạy này”.
Vẫn biết, trong quá trình giáo viên đứng lớp sẽ luôn gặp rất nhiều những tình huống không mong muốn như chuyện học sinh không chú ý học bài, học sinh nói chuyện, học sinh không thuộc bài cũ…Rơi vào những trường hợp như vậy, nêu thầy cô không giữ được bình tình sẽ có những hành động thiếu kiềm chế
Tuy nhiên, thầy cô cũng nên hiểu rằng đây lại là học sinh lớp 8- lứa tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên đôi lúc có phần ngang ngạnh, chống đối thầy cô, khiến cho thầy cô nóng giận trong quá trình đứng lớp.
Dù khó khăn, thậm chí nóng giận nhưng người thầy cần tìm hướng giải quyết tích cực bởi thầy cô đã được đào tạo, được học về tâm lý lứa tuổi và có kinh nghiệm trong quá trình đứng lớp.
Buông một lời không phù hợp với những học sinh chưa ngoan, chưa tích cực trong học tập không chỉ một mình em đó nghe; đánh một em vì một lý do nào đó không chỉ một mình em đó đau.
Bởi, cả lớp học sẽ nghe, sẽ thấy, sẽ chứng kiến. Học trò có thể sợ thầy nhưng các em sẽ đánh giá thầy và có thể sẽ chống đối thầy. Trường hợp học sinh lớp 8A4 của trường An Thạnh 3 là ví dụ điển hình.
Thầy cô cần kiềm chế cảm xúc nóng nảy khi đứng lớp
Bạo lực học đường gia tăng bắt đầu từ những giáo viên thế này! |
Dạy học trò thời nay không đơn thuần là thầy nói, trò nghe bởi có những lời thầy nói mà trò không nghe, không thực hiện.
Vì thế, điều quan trọng của mỗi người thầy khi đứng lớp là phải làm cho học trò thích mình, thích môn học thì việc dạy học sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Tuổi thầy cô đã trưởng thành, tuổi học trò đang lớn nên sự chênh lệch về tuổi tác là khá lớn. Vậy nên có những điều thầy cô phải linh hoạt trong giảng dạy và quản lý lớp, đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn lên các em học trò.
Học trò đòi đổi thầy, không chỉ đơn giản là chuyện học sinh không thích học với người thầy đó mà điều này cho thấy đó là sự phản kháng khi các em cảm thấy bất an.
Song, điều này cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với những thầy cô giáo mà lâu nay vẫn có tư tưởng “yêu cho roi cho vọt” phải nhanh chóng thay đổi bởi nó đã không còn phù hợp trong nhà trường hiện nay.
Dùng bạo lực dạy học trò không phải lúc nào cũng thành công trong giáo dục và đương nhiên cũng không mấy phụ huynh lại đồng tình với việc thầy cô giáo dục con em mình bằng bạo lực trong giờ học.
Thầy cô dạy học trò bằng tình yêu thương sẽ nhận được sự kính trọng của học trò và tất nhiên không bao giờ rơi vào hoàn cảnh cả lớp mình dạy lại cùng ký vào đơn để đổi thầy.
Buồn và đau lắm bởi người thầy ấy lại là thầy giáo dạy Văn!
Tài liệu tham khảo:
//vnexpress.net/giao-duc/hoc-sinh-gui-don-xin-doi-giao-vien-vi-bi-danh-3989981.html?