Học viện Ngoại giao: Một số nội dung kê khai trong đề án chưa đầy đủ

14/06/2024 06:23
Như Ý
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Ngoại giao không cập nhật số sinh viên nhập học 2 năm gần nhất cũng như số liệu đầy đủ các phương thức xét tuyển. 

Học viện Ngoại giao tiền thân là Trường Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao được thành lập ngày 17/6/1959, được đổi tên thành Học viện Quan hệ Quốc tế (1992-2007) sau khi sáp nhập vào Viện Quan hệ Quốc tế; trở thành đơn vị cấp Tổng cục và đổi tên thành Học viện Ngoại giao từ năm 2008 đến nay.

GDVN_HVNG.jpg
Học viện Ngoại giao có địa chỉ tại số 69, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Vi Anh)

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của học viện là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội; nghiên cứu, dự thảo chiến lược phục vụ hoạch định chính sách; tiên phong đóng góp đắc lực cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam.

Hiện Đại sứ, Tiến sĩ Phạm Lan Dung giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Không kê khai thông tin số sinh viên nhập học

Ngày 12/04/2024, Học viện Ngoại giao đã công bố Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 trên trang thông tin điện tử của học viện.

Hiện Học viện Ngoại giao đang tuyển sinh 8 ngành bao gồm: Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Luật thương mại Quốc tế và Châu Á - Thái Bình Dương học (gồm 4 chuyên ngành: Hàn Quốc học, Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Trung Quốc học).

Đối sánh với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Ngoại giao có một số mục kê khai không đầy đủ theo quy định.

Cụ thể, tại mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

Ảnh màn hình 2024-06-12 lúc 13.55.29.png
Mẫu kê khai điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, đối chiếu với bảng kê khai điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất được kê khai trong đề án tuyển sinh cho thấy, Học viện Ngoại giao không kê số liệu về số sinh viên nhập học hai năm gần nhất.

Ảnh màn hình 2024-06-11 lúc 15.31.43.png
Học viện Ngoại giao không kê khai số sinh viên nhập học 2 năm gần nhất. (Ảnh chụp màn hình)

Đáng chú ý, nội dung này học viện chỉ kê khai số liệu của phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà không có số liệu của các phương thức xét tuyển khác.

Trong khi đó, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 ở phần các phương thức xét tuyển trong 2 năm gần nhất cũng nêu rõ học viện có tới 5 phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông; Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và phỏng vấn; Xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiều nội dung kê khai không rõ ràng, thiếu thông tin

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Ngoại giao, nhiều nội dung khác chưa được thống kê rõ ràng ở chương I - Thông tin chung. Trong đó, tại mục 7 - tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm đều trên 91%. Ngành Truyền thông quốc tế có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường cao nhất (96,23%). Ngành Luật quốc tế có tỷ lệ thấp nhất (91,23%).

Tuy nhiên, tại mục này, học viện không công khai đường link việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp theo quy định.

Ảnh màn hình 2024-06-13 lúc 06.57.58.png
Mẫu quy định tại Phụ lục III Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định cơ sở giáo dục đại học cần kê khai đường link công khai việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh màn hình 2024-06-12 lúc 23.35.14.png
Mục 7 Học viện Ngoại giao không kê khai đường link công khai việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự, trong mục 8, 9 và 10 của Đề án tuyển sinh năm 2024, học viện cũng không cập nhật: đường link công khai thông tin về tuyển sinh chính quy 2 năm gần nhất (mục 8); đường link công khai danh mục ngành được phép đào tạo (mục 9); đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng (mục 10).

Cũng tại chương I - Thông tin chung, học viện thiếu 4 đầu mục cũng như đường link công khai của các đầu mục gồm: mục 11 - đường link công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo; mục 12 - đường link công khai quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo; mục 13 - đường link công khai quy chế thi tuyển sinh; mục 14 - đường link công khai đề án tổ chức thi.

Ảnh màn hình 2024-06-13 lúc 06.59.11.png
Thông tư 08 yêu cầu công khai các đường link tại các mục từ mục 8 đến 14. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh màn hình 2024-06-13 lúc 07.00.21.png
Học viện Ngoại giao chỉ kê khai đến hết mục 10 và không công khai bất cứ đường link nào theo quy định. (Ảnh chụp màn hình)

Cuối Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Ngoại giao không đề cập đến thông tin của cán bộ kê khai gồm họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email như mẫu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định.

Ảnh màn hình 2024-06-13 lúc 07.05.18.png
Thông tư 08 quy định ở phần cán bộ kê khai cần có các thông tin: họ tên, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh màn hình 2024-06-12 lúc 11.48.15.png
Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Ngoại giao chỉ có chữ ký xác nhận của Chủ tịch hội đồng tuyển sinh mà không có thông tin cán bộ kê khai. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, tại chương II Tuyển sinh đào tạo chính quy, Phụ lục III của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Học viện Ngoại giao cũng không kê khai các nội dung điểm 1.12. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Được biết, năm 2024, Học viện Ngoại giao dự kiến tuyển sinh tất cả 2.300 chỉ tiêu (2200 chỉ tiêu hệ đại học chính quy; 100 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế), giảm 80 chỉ tiêu so với năm 2023. Học viện cũng bỏ 1 phương thức xét tuyển (xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và phỏng vấn) so với năm học trước.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;..."

Như Ý