Ngày 9/12, Hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 37 (ASSA 37) với chủ đề “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội” đã được tổ chức trọng thể với sự tham gia của 23 tổ chức thành viên ASSA tại 23 điểm cầu.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Hiệp hội tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành theo hình thức trực tuyến.
Trong khuôn khổ các sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng sự kiện ASSA 37. |
Tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Campuchia có: ông Haji Omar Bin Mohd. Dali - Tổng Giám đốc Quỹ Tín thác người lao động Brunei, Chủ tịch ASSA; Chủ tịch Hội Ông Ouk Samvithyea - Tổng Giám đốc Quỹ An sinh xã hội Quốc gia Campuchia, Phó Chủ tịch ASSA; và Lãnh đạo các tổ chức thành viên ASSA tại các điểm cầu khác nhau trong khu vực.
Tại điểm cầu Việt Nam, Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.
Hội nghị ASSA 37 được tổ chức trực tuyến tại 23 điểm cầu của các nước thành viên. |
Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành liên quan; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Việc Hội nghị ASSA 37 được tổ chức đồng thời với nhiều sự kiện lớn của ASEAN đúng vào năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Hiệp hội cũng như sự chủ động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức các chuỗi hoạt động chào mừng năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Chương trình Hội nghị bao gồm Phiên họp toàn thể; Phiên họp Ban Chấp hành ASSA và Phiên họp Ban Thư ký ASSA.
Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu chào mừng Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Haji Omar Bin Mohd. Dali - Tổng Giám đốc Quỹ Tín thác cho người lao động Brunei, Chủ tịch Hiệp hội ASSA cho rằng, dù không tổ chức trực tiếp, nhưng việc tổ chức Hội nghị này là cần thiết để các tổ chức thành viên duy trì mối hợp tác chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ về những vấn đề an sinh gặp phải trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng cường các cơ hội hợp tác trước những thách thức chưa từng có như hiện nay.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2020, trong bối cảnh cả thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo các nước ASEAN đã hợp tác ứng phó và vượt qua thách thức bằng những hành động, cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam chủ trì tổ chức thành công vào tháng 11 vừa qua.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, ở cấp độ quốc gia, trong lộ trình hướng tới chính phủ số ở Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công cho người dân với bước đột phá mới, điển hình là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" vào ngày 16/11/2020, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Thế Mạnh thay mặt ASSA trao giải thưởng cho hạng mục "Tiếp tục cải tiến cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam" |
Đây là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di dộng dành cho cá nhân, giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin về quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ công về an sinh xã hội tại Việt Nam theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, lấy người dân làm trung tâm phục vụ theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025 về "một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm” mà Chính phủ Việt Nam và Lãnh đạo Cấp cao các nước ASEAN cam kết thực hiện.
Nhấn mạnh những thành tựu Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, từ thực tiễn hiệu quả công tác đảm bảo ASXH cho người dân Việt Nam và với tâm thế là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASSA, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn ý kiến các tổ chức thành viên ASSA về các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia và bảo vệ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đồng thời đề nghị “các tổ chức thành viên ASSA tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ tới trong nỗ lực và quyết tâm chung hướng tới xây dựng một cộng đồng an sinh xã hội ASEAN đồng thuận và phát triển, vì lợi ích của người dân, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao Giải thưởng của Chủ tịch ASSA cho những thành viên có những thành tích, kết quả nổi bật.
Giải thưởng ASSA được khởi xướng từ năm 2015, nhằm ghi nhận những thành công của các tổ chức thành viên; mỗi tổ chức có thể đăng ký một thực tiễn hiệu quả nhất và được trao giải theo mỗi hạng mục của Giải thưởng ASSA với 8 hạng mục: Đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi; Dịch vụ khách hàng; Truyền thông chiến lược; Công nghệ thông tin; Bao phủ bảo hiểm; Quản lý tài chính; Quản trị.
Tại Phiên họp toàn thể của ASSA 37, thay mặt Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận Giải thưởng của Chủ tịch ASSA về hạng mục “Tiếp tục cải tiến” với nội dung “Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, với những giải pháp đồng bộ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc.
Số người tham gia tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người vận động được của 11 năm trước đó.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 570.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 263.000 người so với năm 2018.
Tính đến hết tháng 11/2020, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên toàn quốc là 970.000 người; ước tính đến hết năm 2020, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đạt con số khoảng 1,1 triệu người tham gia.
Tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả, với 6 chủ đề: Mở rộng diện bao phủ và hoạt động của NSSF (Quỹ An sinh xã hội Campuchia); Thực hiện Bảo hiểm y tế cho người lao động khu vực phi chính thức (Cơ quan Bảo hiểm y tế Philippines); Truyền thông hiệu quả (Cơ quan An sinh xã hội Thái Lan); Sự chuyển đổi phúc lợi an sinh xã hội cho người lao động nhập cư (Cơ quan An sinh xã hội Philippines); Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo An sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Ban Thu-Sổ thẻ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam); Lao động trong nền kinh tế GIG qua các nhà cung cấp dựa trên nền tảng mới (Quỹ Phòng xa Trung ương Malaysia).
Chia sẻ về những giải pháp và kết quả đạt được trong việc đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịnh COVID-19, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, cũng như các nước trên thế giới, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội tại Việt Nam, dẫn đến nguy cơ: các doanh nghiệp tăng nợ Bảo hiểm xã hội do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn; lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giảm do bị mất việc làm; khó khăn trong việc mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Dự đoán trước những khó khăn này, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất sớm trong việc công bố dịch; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân; đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch COVID-19 tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Do đó, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước nhưng quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Kết quả, 11 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có 1.006.728 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019); quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả chi phí khám chữa bệnh cho hơn 151 triệu lượt người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (bằng 90% so với cùng kì của năm 2019); 1.676 đơn vị, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tương ứng với số tiền là 630 tỷ đồng…
Buổi chiều, tại các điểm cầu trực tuyến, các đại biểu tiếp tục họp Phiên toàn thể với chủ đề "Mở rộng bao phủ an sinh xã hội" với tham luận của đại diện Hiệp hội An sinh xã hội Quốc tế (ISSA) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Tiếp đó sẽ diễn ra Phiên họp Ban Chấp hành ASSA, Ban Thư ký ASSA và Lễ bế mạc hội nghị.