Hội nghị Đối thoại giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc

15/04/2021 17:31
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc về thực hiện chính sách bảo hiểm.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, chiều 15/4, tại tỉnh Đồng Nai, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc về thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Đây là lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách với các doanh nghiệp FDI.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Cùng dự hội nghị, về phía Việt Nam có: Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai; ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có: Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); ông Lee Jae Guk - Tùy viên lao động và việc làm, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Đặc biệt, Hội nghị đối thoại đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đại diện lãnh đạo, quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác Bảo hiểm xã hội của hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại cụm tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa bàn có nguồn vốn FDI cao so với bình quân chung của cả nước, trong đó Hàn Quốc là một trong các quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đây cũng là khối doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị đối thoại lần này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức nhằm cung cấp các thông tin, trao đổi, giải đáp các vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, từ đó góp phần củng cố và nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp FDI nói chung, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Đây cũng là hoạt động nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2022.

Hội nghị được tổ chức thành công sẽ góp phần tăng cường vị thế của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Doanh nghiệp FDI đóng góp hiệu quả cho công tác thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế

Trong những năm qua, doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội.

Riêng đối với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước là 26.066 đơn vị chiếm 6,8% so với tổng số doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội là hơn 4,7 triệu người, bằng 43,1% so với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội thuộc khối doanh nghiệp; tổng số tiền thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối doanh nghiệp; mức lương bình quân tham gia Bảo hiểm xã hội là hơn 5,7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6,9% so với mức bình quân chung của khối doanh nghiệp.

Đến tháng 3/2021, tổng số doanh nghiệp FDI tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 26.987 đơn vị, tăng 3,53% so với năm 2019 với tổng số người tham gia là 4.979.354 người, tăng 5,9% so với năm 2019; mức lương bình quân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2019.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số phiên bản tiếng Hàn.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số phiên bản tiếng Hàn.

Tính riêng khối doanh nghiệp Hàn Quốc, tại Việt Nam đang có 4.559 doanh nghiệp với số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội là 1,31 triệu người (trong đó có 1,29 triệu người Việt Nam và trên 12.000 người nước ngoài) với số thu Bảo hiểm xã hội chiếm gần 25% tổng thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo ra lượng công việc lớn đối với lao động Việt Nam, vì vậy việc đảm bảo an sinh xã hội tại khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng.

Không những góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động mà còn góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả và lợi nhuận, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, là động lực để doanh nghiệp thực hiện ngày càng cao các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế về điều kiện lao động, hỗ trợ cộng đồng…, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước một cách bền vững.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Đồng hành vì sự hài lòng của người lao động và doanh nghiệp

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như doanh nghiệp, đồng thời thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI, trong những năm qua, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản, hướng tới đảm bảo ngày một tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội của người tham gia, minh chứng rõ nét thể hiện trong những nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Việc làm và Luật An toàn vệ sinh lao động.

Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Trên tinh thần đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động đưa ra các một loạt các giải pháp cụ thể như: Triển khai hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách; triển khai Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam phiên bản tiếng Anh; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; tích cực vận động, có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội…

Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của Ngành; đẩy mạnh tích hợp các dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã có 15 dịch vụ công của Ngành và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Các dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp như: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra; đảm bảo chi trả kịp thời, đẩy đủ chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia;…

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu nộp, chi trả điện tử và ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động (ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số) nhằm mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đây có thể coi là bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, với mong muốn giới thiệu và lan tỏa hiệu quả của sản phẩm số này tới các doanh nghiệp Hàn Quốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra mắt ứng dụng VssID phiên bản tiếng Hàn nhằm giúp các doanh nghiệp và người lao động Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID, từ đó tạo sự lan tỏa rộng khắp đến các cấp quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cùng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam có quy định MLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đây là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

Để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, Việt Nam và Hàn Quốc đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ hai nước và trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng sẽ ký kết Thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động mỗi nước.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội làm việc với các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để sớm hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần thỏa thuận cấp cao của Chính phủ hai nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, để chuẩn bị cho sự kiện có ý nghĩa nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đặc biệt, tại hội nghị này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận những thông tin về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; sẵn sàng giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thủ tục hành chính theo thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đồng thời cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cả người lao động tại doanh nghiệp FDI và người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng mong muốn, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng trong việc triển khai thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đến cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, nhiều hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã được tổ chức đã kịp thời đưa ra những kiến nghị, đóng góp của doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Có thể khẳng định, đối thoại là một trong những phương thức tăng cường sự gắn bó giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; đồng thời giúp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với các doanh nghiệp một cách trực diện, hiệu quả nhất.

Sự kiện này còn thể hiện quyết tâm của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc đồng hành với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp FDI nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thu Giang