Hội thảo khoa học quốc tế Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và đào tạo giáo viên (Innovation in Learning Instruction and Teacher Education) được tổ chức hai năm/lần với mục đích tạo cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế và phổ biến các kết quả nghiên cứu; nâng cao năng lực nghiên cứu, bồi dưỡng đội ngũ phục vụ đổi mới chương trình đào tạo theo chiến lược phát triển của ngành.
Hội thảo lần thứ nhất phối hợp cùng Đại học Southern Cross (Australia) được tổ chức năm 2019 với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia và Chương trình ETEP, đã thu hút hơn 250 học giả trong nước và quốc tế từ 10 quốc gia như Australia, Đức, Hoa Kì, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Pháp...
Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế Đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo giáo viên lần thứ nhất (The 1st International Conference: Innovation in Learning Instruction and Teacher Education – ILITE) được tổ chức vào tháng 12/2019, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với nhiều trường Đại học quốc tế tiếp tục tổ chức hội thảo lần thứ hai với chủ đề: Đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của giáo dục trong bối cảnh biến động.
Ngày 11-12/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo giáo viên lần 2. |
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội chia sẻ các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về sự phát triển bền vững của giáo dục; đổi mới sáng tạo trong mô hình và quản trị nhà trường cũng như nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá các môn học (ở tất cả các cấp học); đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng với những biến đổi của tình hình quốc tế và trong nước, đặc biệt là bối cảnh đại dịch toàn cầu và cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0.
Trên cơ sở này, Hội thảo đề xuất những giải pháp kịp thời phục vụ thực tiễn hoạch định chính sách cũng như hoạt động dạy học, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định của nền giáo dục; góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. |
Các bài viết gửi tham gia hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề dự kiến như sau:
– Chiến lược giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hoá: xu hướng, cách tiếp cận và kinh nghiệm quốc tế
– Sự phát triển bền vững của giáo dục trong bối cảnh đại dịch: cơ hội, thách thức và tìm kiếm các giải pháp cho công tác dạy học và đào tạo giáo viên (ở tất cả các cấp học);
– Xu hướng, cơ hội, thách thức và giải pháp cho đổi mới giáo dục trong kỉ nguyên số: nội dung, phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại; năng lực của học sinh và giáo viên; kỹ năng chuyển đổi và năng lực số; giáo dục thông minh, trường học thông minh, sư phạm thông minh.
– Nhà trường hiện đại và mục tiêu đào tạo Công dân toàn cầu: xây dựng chương trình nhà trường nhằm phát triển năng lực học sinh; sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội; tính quốc tế, liên văn hoá và liên ngành trong giảng dạy; xây dựng trường học vì sự phát triển bền vững (Education for Sustainable development)
– Giáo dục STEAM (Science, Technology, Engineering, Arts, and Maths)
– Giáo dục hoà nhập và giáo dục cho người khuyết tật
– Quản lý giáo dục và chính sách phát triển đội ngũ giáo viên
Hội thảo đã thu hút nhiều học giả đến từ Anh, Canada, Mỹ, Đức, Úc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế.