Hơn 2.000 cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiểm tra ATTP

07/12/2023 07:33
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các đoàn kiểm tra của Đội Quản lý An toàn thực phẩm thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra an toàn thực phẩm tại hơn 2.000 cơ sở giáo dục.

Căn cứ vào kế hoạch liên tịch số 1746/KHLT-BQLATTP-SGDĐT được Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban) ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/7/2023, và kế hoạch số 1993/KH-BQLATTP ngày 23/8/2023 của Ban về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, các đoàn kiểm tra của Đội Quản lý An toàn thực phẩm trực thuộc Ban đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 2.316 bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại hơn 2.000 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, trong đó bao gồm 1.374 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 140 bếp ăn tập thể hợp đồng, căng tin tự tổ chức, 466 căng tin hợp đồng, 325 trường nhận suất ăn sẵn.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cũng kiểm tra 2 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.

Kết quả: Các đoàn kiểm tra đã ghi nhận đối với nội dung hồ sơ pháp lý thì hồ sơ pháp lý đã được các trường lưu trữ khá đầy đủ, sắp xếp ngăn nắp, dễ truy tìm.

Hầu hết các trường cân đối và sử dụng nguyên liệu, thực phẩm tươi trong ngày. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào đều có nguồn gốc rõ ràng, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thông qua hợp đồng, hóa đơn và năng lực của nhà cung cấp.

Theo ghi nhận có 1.220 cơ sở đạt chứng nhận “Chuỗi thực phẩm an toàn”, và 1.411 cơ sở đạt chứng nhận ISO22000, HACCP, VietGap và GlobalGap.

Thế nhưng, công tác kiểm thực ba bước và lưu mẫu ở một số trường vẫn còn chưa được hoàn chỉnh nội dung ghi chép theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: BQLATTP TPHCM)

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: BQLATTP TPHCM)

Đoàn kiểm tra cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để khắc phục những hạn chế này, nhằm đảm bảo tính đầy đủ của sổ ghi chép ba bước, tính pháp lý cho các mẫu lưu tại bếp ăn tập thể của nhà trường.

Đối với nguồn nhân lực phụ trách công tác an toàn thực phẩm tại các trường, các đoàn kiểm tra đánh giá người quản lý, người tham gia chế biến trực tiếp có nhận thức tốt về nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sử dụng, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Việc các trường bố trí cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra bếp ăn, cũng đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể tại trường.

Qua công tác kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận những khó khăn, hạn chế còn tồn tại như: Một số đơn vị cung cấp suất ăn cho các trường có nơi chế biến đặt tại các tỉnh lân cận, ngoài phạm vi quản lý của thành phố, dẫn đến việc kiểm tra và giám sát còn nhiều khó khăn; một số trường còn chưa tổ chức được căng tin, do đó thì học sinh vẫn sử dụng hàng rong trước cổng trường, khó kiểm soát về an toàn thực phẩm; công tác kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu nhập vào của các trường gặp nhiều khó khăn do có sử dụng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị các trường học tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm, các cơ sở cung cấp suất ăn cho các trường, khuyến khích các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học sử dụng nguyên liệu thực phẩm từ các nhà cung cấp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn”, Giấy chứng nhận ISO22000, HACCP, VietGap, hoặc là các tiêu chuẩn tương đương…nhằm đem đến cho các em học sinh những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, chất lượng và an toàn.

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra thực tế một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: BQLATTP TPHCM)

Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra thực tế một cơ sở giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: BQLATTP TPHCM)

Cũng liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các suất ăn của học sinh tại trường học, bắt đầu từ tháng 11/2023, các trường học trên địa bàn Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh phải gửi hình ảnh suất ăn của học sinh hàng ngày về Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức, phòng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tạo một đường link để hàng ngày, hiệu trưởng gửi hình ảnh suất ăn cho phụ huynh, rồi cũng gửi đồng thời về cho Phòng Giáo dục.

Phòng sẽ cử một chuyên viên phụ trách vấn đề này, còn trưởng phòng sẽ phụ trách chung.

Cũng theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trước đây thì việc hình ảnh suất ăn của học sinh sẽ gửi qua nhóm Zalo, nhưng nay sẽ thực hiện như vậy, để nếu có vấn đề gì xảy ra thì sẽ có minh chứng để đối sánh.

Do đặc thù là một địa bàn có nhiều trường học, nên ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho hay, đây chính là sự phối hợp giữa phụ huynh, các cơ quan chuyên môn cùng tham gia để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh.

Việt Dũng