Đề nghị quý Báo cho biết hợp đồng giao kết từ xa với người tiêu dùng được pháp luật quy định như thế nào?
Nguyễn Minh Huệ
Việc giao kết hợp đồng từ xa với người tiêu dùng được quy định của thể tại Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
Khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin sau: a) Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có); b) Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; c) Chi phí giao hàng (nếu có); d) Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đ) Thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết; e) Chi phí sử dụng phương tiện thông tin liên lạc cho việc giao kết hợp đồng nếu chi phí này chưa được tính vào giá của hàng hóa, dịch vụ; g) Chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng của hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hợp đồng.
Trong trường hợp việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua điện thoại, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nói rõ ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin nêu trên thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.
Ảnh minh hoạ |
Người tiêu dùng, khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 17, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác. Trường hợp việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.
Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:
Điện thoại: 043.5569666; 0938.766.888
Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc
Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe