Thực tế, việc các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương có thể tận dụng được những lợi thế về nguồn lực, chuyên môn hóa và đáp ứng nhu cầu lao động cụ thể. Tuy nhiên, để khai thác tối đa các ưu điểm này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý để tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Nhiều ý kiến cho rằng để tạo sự đồng bộ, nhất quán trong hệ thống giáo dục đại học toàn quốc, dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh chất lượng đào tạo, kiểm định và đánh giá các trường trên cùng một tiêu chuẩn thì nên chuyển các trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội, đặc thù) về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chuyển các trường đại học công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có nhiều thuận lợi
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, chuyển các trường đại học đa ngành (trừ các trường khối công an, quân đội, đặc thù) về Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhìn nhận, hiện nay tự chủ đại học là xu thế chung. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo đòi hỏi phải tuân thủ những quy định chung, khung năng lực chung, khung chương trình chung… để đảm bảo chất lượng đầu ra. Do đó, chúng ta cần có một cơ quan quản lý thống nhất về giáo dục đào tạo, đó chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Dù một số trường đại học hiện nay trực thuộc các Bộ, ngành khác thì vẫn phải tuân thủ khung chung, quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính vì vậy, nếu đưa các trường này về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thuận lợi hơn, thống nhất hơn trong quản lý”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo thầy Cường, một cơ quản quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo phải chịu trách nhiệm đưa ra các tiêu chí, thang đánh giá. Các quy định sẽ áp dụng chung cho tất cả các trường dù đào tạo ngành, lĩnh vực nào, dù trực thuộc Bộ, ngành nào. Nếu chuyển các trường đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý, tránh sự chồng chéo, lãng phí về nguồn lực.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhìn nhận: “Hiện nay, các trường đại học có xu thế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu như ta nói cứ lĩnh vực chuyên môn nào là phải thuộc bộ, ngành đó quản lý, vậy một trường đại học đa ngành thì phải giao cho Bộ nào quản lý?
Việc trường đại học đa ngành trực thuộc Bộ, ngành ngày nay không còn phù hợp nữa. Bởi lẽ, dù cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhưng đã thực hiện tự chủ về chuyên môn rồi thì không cần giao cho các Bộ chủ quản về mặt chuyên môn nữa. Lúc này, cơ quan chủ quản đóng vai trò quản lý về chương trình, khung chương trình quốc gia, chất lượng đào tạo. Cho nên, một cơ quan quản lý thống nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp”.
Ngoài ra, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường đánh giá, nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ ngành, địa phương quản lý được hưởng khá nhiều lợi thế về mặt ưu đãi, quỹ đất, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, các trường đào tạo lĩnh vực gì cũng phải tự chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng đào tạo. Cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng thông qua việc đưa ra những khuôn khổ chung, mang tính chất bình đẳng, thống nhất đồng đều không ngoại trừ ngành, lĩnh vực nào.
Bên cạnh đó, các trường thuộc nhiều cơ quan khác nhau thường áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá khác nhau, gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và sự minh bạch. Do đó, khi chuyển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có nhiều ưu điểm, thuận lợi.
Thứ nhất, khi chuyển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường có điều kiện tốt hơn để thực hiện tự chủ về chuyên môn.
Thứ hai, đảm bảo tính thống nhất về chương trình đào tạo, khung năng lực quốc gia… Đồng thời áp dụng một khung tiêu chuẩn chung trong quản lý và kiểm định.
Thứ ba, có thể đánh giá, xếp hạng và phân loại các cơ sở giáo dục đại học một cách rõ nét. Đồng thời, tránh tình trạng nhiều trường đại học mở ra nhưng chất lượng không đảm bảo. Thậm chí, có nghịch lý, tại một số trường không được xã hội đánh giá cao lại có tỷ lệ sinh viên xuất sắc, giỏi cao hơn nhiều so với trường tốp đầu. Điều này tạo ra sự không thống nhất trong kiểm soát chất lượng.
Thứ tư, khi các trường đại học đa ngành chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp tăng cường tính liên kết, liên thông, liên ngành. Hơn nữa, hệ thống giáo dục đồng bộ giúp các trường đại học dễ dàng đạt được các chuẩn mực quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức nước ngoài.
Thứ năm, các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không bị ràng buộc bởi các cơ quan quản lý trực tiếp khác. Tránh tình trạng “nhiều cấp quản lý”, giúp trường linh hoạt trong ra quyết định và điều hành.
Chẳng hạn, có những trường hợp, khi làm đề án phê duyệt phải xin ý kiến và chờ phê duyệt của nhiều cấp quản lý gây chồng chéo, tốn kém thời gian. Nếu chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tất cả các khâu tập trung ở một đầu mối sẽ tiết giảm về thủ tục hành chính.
“Đặc biệt, hiện nay với chủ trương “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” thì tôi cho rằng, tập trung về Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn phù hợp”, thầy Cường bày tỏ.
Thứ sáu, chuyển các trường đại học đa ngành về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các nguồn lực sẽ được thực hiện tập trung hơn.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường dẫn chứng, chẳng hạn, cùng về kiểm tra, đánh giá, dù các trường trực thuộc Bộ, ngành khác thì về chương trình đào tạo vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá. Trong khi đó, Bộ chủ quản (quản lý trực tiếp) vẫn phải tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở giáo dục đại học. Rõ ràng, như vậy sẽ dẫn đến chuyện tiêu tốn nhiều nguồn lực cho khâu này.
Do đó, khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ cần một đơn vị đầu mối thực hiện công tác trên, vừa giảm chi phí quản lý nhà nước, vừa giảm chi phí tuân thủ của các cơ sở giáo dục.
Hơn thế nữa, theo thầy Cường, khi cùng một đầu mối về thanh, kiểm tra sẽ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, từ đó tạo ra được một chuẩn chính xác trong việc đánh giá, phân loại các cơ sở giáo dục đại học.
Đảm bảo hoạt động tinh gọn, hiệu quả
Phương án chuyển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là hợp lý nhất trong dài hạn để đảm bảo sự thống nhất và quyền tự chủ. Tuy nhiên, cần cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để tận dụng nguồn lực và chuyên môn, đồng thời đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục và xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhìn nhận: “Việc mà chúng ta gọi là phối hợp liên ngành ở đây thực chất là cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo dù trực thuộc Bộ, ban ngành nào cũng đều chịu sự quản lý, cho nên không thể nói khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải phối hợp nhiều hơn.
Tôi ví dụ, đối với những trường có tính chất đặc thù khác, chẳng hạn như các trường đào tạo khối ngành sức khỏe thì có liên quan đến hai yếu tố đặc thù.
Thứ nhất, nội dung chương trình đào tạo của trình độ của bác sĩ đòi hỏi có tính chất đặc thù riêng của ngành y tế nhưng không phải vì thế mà do Bộ Y tế quản lý. Bộ Y tế đưa ra những yêu cầu đối với nguồn nhân lực của ngành y tế và dĩ nhiên khung chương trình đào tạo của các trường đại học phải đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên, quản lý chương trình đào tạo đó vẫn thuộc quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên cơ sở yêu cầu năng lực của Bộ Y tế.
Thứ hai, khối ngành đào tạo lĩnh vực sức khỏe thường liên quan đến các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý. Bởi thế, hoạt động khám, chữa bệnh liên quan đến Bộ Y tế nhưng hoạt động đào tạo phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”.
Mặc dù việc chuyển các trường đại học đa ngành (trừ các trường khối công an, quân đội, đặc thù) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm thuận lợi, tuy nhiên, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Bộ cũng cần có sự tính toán kỹ càng để nâng cao quyền tự chủ thực sự của các trường, từ đó đảm bảo hoạt động tinh gọn, hiệu quả.
Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII; nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, hệ thống giáo dục đại học ở nước ta chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý. Bên cạnh có nhiều bộ, ngành chủ quản, thực tế, việc quản lý các trường đại học đào tạo cùng nhóm ngành cũng bị chồng chéo.
Ông Nguyễn Bá Thuyền dẫn ví dụ, cùng đào tạo lĩnh vực Luật nhưng Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc Bộ Tư pháp, trong khi Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tương tự, khối Sư phạm Kỹ thuật có ba trường trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định); ba trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng).
“Tôi cho rằng, việc thống nhất đưa các trường đại học đa ngành trong hệ thống công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào thì phải tính toán làm sao để hoạt động quản lý hiệu quả hơn, tập trung đầu mối thống nhất trong chỉ đạo điều hành”, ông Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thuyền, khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học có thể được giao quyền tự chủ nhiều hơn, không còn tình trạng nhiều cấp quản lý như trước đây.
Ngoài ra, theo ông Thuyền, đối với các nhóm ngành chuyên môn thì vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ của các Bộ thuộc lĩnh vực đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước.
Nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ: "Sự thống nhất trong quản lý là điều quan trọng. Nếu chúng ta có thể đồng bộ được hệ thống giáo dục đại học thì công tác kiểm định, đánh giá, phân loại các trường cũng được thực hiện một cách nhất quán. Mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả hoạt động của trường đại học, nâng cao chất lượng, từ đó có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho đất nước. Tôi ủng hộ phương án chuyển các trường đại học đa ngành (trừ các trường thuộc khối công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo”.