Sáng 16/10, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề cấp thành phố “Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trung học cơ sở trong môn tiếng Anh lớp 8 thông qua hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và tái chế”.
Tới dự và chỉ đạo chuyên đề có ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; đại diện Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo); ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân; cùng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại chuyên đề, ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”.
Chính vì vậy, Hải Phòng đã xác định rõ tầm quan trọng của môn tiếng Anh. Những năm qua, việc dạy và học ngoại ngữ tại thành phố Cảng đã trở thành phong trào sôi nổi, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh của học sinh Hải Phòng đã vươn lên tốp đầu toàn quốc.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cần được quan tâm.
Nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: hệ thống các chủ đề, chủ điểm gắn với cuộc sống thực tiễn như: cộng đồng, di sản văn hoá, môi trường, thế giới, tầm nhìn tương lai… nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
“Chuyên đề của Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền hôm nay lấy chủ đề môi trường là rất thực tiễn - vấn đề được xã hội quan tâm hàng đầu, nhất là Hải Phòng vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.
Do đó, tôi mong muốn sau chuyên đề, các cán bộ quản lý, thầy cô giáo dạy tiếng Anh của các trường sẽ rút ra những kinh nghiệm về xác định nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy môn tiếng Anh, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo định hướng của chương trình mới”, ông Phạm Quốc Hiệu nói.
Theo cô giáo Cao Hồng Chín – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền, thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chủ động và linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực, chuyển giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, sát yêu cầu, khai thác tốt các tư liệu dạy học trên các kênh khác nhau, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ.. tạo nên các tiết học sôi nổi, hào hứng, có tính hợp tác cao trong quá trình hoạt động nhóm ở các môn học nói chung và bộ môn tiếng Anh nói riêng.
Dạy - học tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu, là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới.
Vì vậy, hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức và thông tin đa dạng từ các nguồn toàn cầu. Học tiếng Anh thông qua sự kết hợp cùng các hoạt động ngoại khóa, gia tăng tính tương tác là một phương pháp hiệu quả giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng.
Với cấp trung học cơ sở, môn tiếng Anh có những mục tiêu chủ yếu cần được thực hiện. Cụ thể, môn tiếng Anh góp phần hình thành và phát triển năng lực ngoại ngữ học cho học sinh; giúp học sinh có những kiến thức về ngôn ngữ, rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết
Ứng dụng kiến thức trong các giờ học vào thực tế cuộc sống, đặc biệt là các tiết dạy học dự án đã thể hiện rõ nhất sự đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những tiết dạy nếu được khai thác tốt sẽ mang đến cho học sinh những kiến thức thực tế hữu ích, giúp cho giờ học ngôn ngữ không còn là lý thuyết khô khan mà trở nên sinh động, hứng thú cho học sinh.
Trên thực tế, cuộc sống của con người đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những thảm hoạ thiên tai…Với Việt Nam, gần đây nhất là cơn bão số 3 – YAGI đã gây hậu quả nặng nề, ước tính thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng cho thành phố Hải Phòng của chúng ta.
Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, rác thải nhựa tràn lan chưa được xử lý đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra những thảm hoạ môi trường, thiên tai…mà con người đang phải đối mặt.
Với mong muốn học sinh Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền không những học giỏi tiếng Anh để trở thành những công dân toàn cầu mà các em cần phải có nhận thức, trách nhiệm, hành động đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng tới cuộc sống xanh, văn minh… nhà trường đã xây dựng Tiết dạy Dự án: bài 7 - sách Tiếng Anh lớp 8 - bộ sách Global Success (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) với chủ đề “Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh trung học cơ sở thông qua các hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và tái chế”.
Đây là tiết học liên môn, học sinh được trải nghiệm kiến thức các môn học Nghệ thuật, Công nghệ, Tin học, Giáo dục công dân…
Tiết học minh hoạ tại chuyên đề hôm nay do cô giáo Trần Quỳnh Chi (giáo viên môn tiếng Anh) và học sinh lớp 8 của trường thực hiện, là kết quả mà giáo viên đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm học sinh ở các giờ học trước.
Trong quá trình thực hiện dự án, học sinh phải sử dụng những kiến thức, hiểu biết thực tiễn, gắn liền với cuộc sống hàng ngày, gắn trách nhiệm của bản thân với cộng đồng để xây dựng báo cáo với nội dung và hình thức phong phú, đặc biệt là hoạt động của câu lạc bộ tái chế đã lan toả đến học sinh toàn trường.
Ở tiết học này, giáo viên chú trọng đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh bằng các phần mềm công nghệ, để học sinh được đánh giá lẫn nhau… nhanh hơn, chính xác hơn, và tất cả học sinh đều có cơ hội được tham gia; kết quả đánh giá được thể hiện rõ ràng, minh bạch.
Sau tiết dạy minh hoạ, các đại biểu đánh giá cao chủ đề của tiết dạy. Đồng thời góp ý nhiều chi tiết để tiết dạy hoàn thiện hơn.