Hải Phòng: Giáo viên dạy minh họa môn tiếng Việt lớp 5 theo chương trình mới

12/10/2024 07:02
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chiều 11/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức chuyên đề dạy học môn tiếng Việt lớp 5 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2024-2025.

Tới dự chuyên đề có chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), bà Đỗ Thị Hòa - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; lãnh đạo quận Lê Chân, quận Kiến An cùng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 5 của 2 quận Kiến An và Lê Chân.

GDVN_chuyen-de-tieng-Viêt-2.jpg
Các đại biểu tặng hoa và chụp ảnh cùng 2 cô giáo thực hiện tiết dạy minh hoạ (Ảnh: LT)

Theo bà Đỗ Thị Hòa - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, năm học 2024- 2025 là năm thứ 5 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt cấp tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể; bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học ở tất cả các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe.

Để thực hiện thành công chương trình này, các trường tiểu học trên địa bàn quận Kiến An và Lê Chân tích cực đổi phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với học sinh, điều kiện cơ sở vật chất; kịp thời tháo gỡ những khó khăn về chuyên môn.

Qua các đợt bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn hè năm 2024 và chuyên đề cấp quận, giúp giáo viên các nhà trường biết cách sử dụng linh hoạt các kỹ thuật, phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp nhằm phát huy được các năng lực của học sinh; tạo điều kiện để học sinh trải nghiệm, rèn các kĩ năng: thu thập dữ liệu, xử lí thông tin, phân tích, kết nối, hợp tác và giải quyết vấn đề sáng tạo.

Các thầy cô chủ động, tích cực xây dựng hệ thống thiết bị số, thư viện số, đặc biệt, học sinh khối 4,5 trong nhà trường đều được cấp tài khoản để đưa các tư liệu lên hệ thống, chủ động khai thác học liệu để tìm tư liệu các bài học.

GDVN_chuyen-de-tieng-Viêt-3.jpg
Lãnh đạo quận Lê Chân và quận Kiến An chúc mừng 2 cô giáo lên lớp tiết dạy minh hoạ (Ảnh: LT)

Tại chuyên đề, các đại biểu được dự 2 tiết minh hoạ: Tiết 1 do cô và trò Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) lên lớp với hoạt động Nói và nghe (trong bài 16) "Cảnh đẹp thiên nhiên". Tiết 2 do cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) lên lớp Bài 17: Hoạt động Viết “Tìm hiểu cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách”.

Tiết thứ nhất, với Hoạt động Nói và nghe (trong bài 16) "Cảnh đẹp thiên nhiên", dưới sự dẫn dắt của cô giáo Nguyễn Việt Anh, học sinh lớp 5A5 cùng tìm hiểu và biết cách giới thiệu về một cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước Việt Nam theo trình tự 3 phần: Mở đầu, triển khai và kết thúc.

Giáo viên sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học: dạy học theo dự án; hoạt động nhóm, thuyết trình, trò chơi học tập… và tổ chức các hoạt động học tập phù hợp giúp các em rèn và bộc lộ các kỹ năng, nhất là kỹ năng nói, nghe, và nói nghe tương tác.

Qua các hoạt động, học sinh biết cách tìm kiếm cảnh đẹp thiên nhiên qua sách, truyện, internet, trải nghiệm thực tế; khai thác ngữ liệu từ thư viện, học liệu số, các trang web tin cậy về du lịch Việt Nam,… từ đó hình thành các kĩ năng cần thiết.

Đặc biệt, học sinh biết sử dụng kiến thức đã học giới thiệu với người nước ngoài về cảnh đẹp của quê hương, đất nước bằng ngôn ngữ Anh lưu loát, hấp dẫn.

Nội dung dạy học tích hợp liên môn; lồng ghép giáo dục An ninh quốc phòng, giáo dục địa phương, giáo dục kĩ năng công dân số, quyền con người, bảo vệ môi trường, giáo dục phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước,... được thể hiện rõ nét trong các hoạt động của bài.

GDVN_chuyen-de-tieng-Viêt-1.jpg
Cô trò Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ, quận Kiến An lên lớp tiết dạy minh hoạ (Ảnh: LT)

Tiết lên lớp thứ 2, Bài 17: Hoạt động Viết "Tìm hiểu cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách” do cô giáo Lê Huyền Thu lên lớp cùng học sinh lớp 5A7, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân).

Tiết dạy minh họa cho việc tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực tự học, khả năng vận dụng sáng tạo cho học sinh thông qua khai thác thư viện số, sử dụng học liệu số.

Giáo viên đã khai thác ngữ liệu từ thư viện số, sáng tạo ra các sản phẩm thiết bị dạy học số: Trò chơi tương tác “Tôi là ai”; Clip minh họa kết quả bài tập 1; ứng dụng phần mềm Beeclass.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, học sinh có thể khai thác thư viện số để tìm hiểu thông tin, làm bài tập trên thiết bị dạy học số do cô giáo tự thiết kế và cung cấp trên Hệ thống Đồ dùng, thiết bị dạy học số của trường.

GDVN_chuyen-de-tieng-Viêt-4.jpg
Cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Lê Chân trong tiết dạy minh hoạ (Ảnh: LT)

Tiến trình theo 2 bước: Xây dựng các hoạt động tự học ở nhà với học liệu số; Xây dựng các hoạt động tự học và hợp tác trên lớp với học liệu số.

Qua tiết dạy của hai cô giáo và các em học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ và Tiểu học Võ Thị Sáu cho thấy, giáo viên đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sử dụng phương tiện dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp giúp học sinh chủ động nắm vững kiến thức, hình thành phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho công dân thế kỷ mới.

LÃ TIẾN