Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số giáo viên thắc mắc về các quyết định tuyển dụng và bố trí công tác đối với viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo của Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) năm học 2021-2022.
Theo phản ánh, ngày 9/8/2021, Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom đã ban hành quyết định tuyển dụng và bố trí công tác giáo viên cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện năm 2021 với các giáo viên được tuyển dụng viên chức. Theo các giáo viên cho biết, có tổng số hơn 100 người được tuyển dụng viên chức.
Mặc dù trong quyết định ghi rõ căn cứ theo Nghị định 115/2020 và Thông tư số 02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bố trí xếp lương, hạng, mã số của 3 cấp học nói trên, kể cả nhân viên y tế, nhưng quyết định về việc tuyển dụng và bố trí công tác đối với viên chức đều xếp toàn bộ giáo viên hưởng lương bậc 1, hệ số 2,1 (đối với mầm non), 2.34 (đối với tiểu học và trung học cơ sở), hưởng 85% của hệ số lương 2,34 cùng với đó là chế độ tập sự 12 tháng.
Một quyết định tuyển dụng và bố trí công tác của giáo viên được tuyển đợt này. Ảnh: Hữu Đức |
Nội dung phản ánh cho rằng, quyết định này của Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom đã “cào bằng” tất cả giáo viên đều hưởng lương bậc thấp nhất, hưởng 85% và tập sự 12 tháng.
Vị độc giả này nêu, nhiều người trúng tuyển đã công tác trong ngành giáo dục từ 6 đến 10 năm cả trường công và trường tư; có nhiều giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; có hợp đồng lao động, được đóng Bảo hiểm xã hội, kèm quyết định lương của trường cũ… nhưng không được Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trảng Bom xem xét thấu đáo, hợp tình, hợp lý, gây ra rất nhiều tâm tư, băn khoăn cho giáo viên.
Mặc dù, khi ra thông báo tuyển dụng, trong văn bản có đề cập đến bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, quyết định lương trường cũ để xem xét xếp lương khi trúng tuyển.
Trước các phản ánh của độc giả là giáo viên mới được tuyển dụng viên chức của huyện Trảng Bom, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với các cơ quan chức năng của huyện để làm rõ.
Ngày 26/8, giải thích về quyết định mà giáo viên cho rằng bất hợp lý này, ông Đỗ Văn Sáng - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Trảng Bom - cho biết, do lúc thi đầu vào, các trường hợp giáo viên dự tuyển không cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh quá trình công tác một cách đầy đủ nên Phòng Nội vụ chỉ căn cứ vào hồ sơ đó để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định tuyển dụng, và tất nhiên quyết định đó sẽ tính theo bậc lương thấp nhất giống như giáo sinh vừa mới ra trường.
“Trường hợp này xảy ra nhiều lắm. Một phần là do quy định tuyển dụng không có chế độ ưu tiên hay cộng điểm đối với ứng cử viên là giáo viên đã có thời gian đứng lớp nên hồ sơ không yêu cầu các loại hồ sơ minh chứng quá trình công tác, từ đó các em dự tuyển cũng không nộp”, lãnh đạo Phòng Nội vụ phân tích thêm.
Để giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho những trường hợp nêu trên, Trưởng phòng Nội vụ huyện Trảng Bom cho rằng, các trường hợp đã từng đi dạy, có hợp đồng lao động và đã đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm thì khẩn trương cung cấp hồ sơ cho kế toán nhà trường tổng hợp gửi cho Phòng Nội vụ.
Sau đó, Phòng Nội vụ sẽ có trách nhiệm tham mưu ngay cho Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định mức lương để được hưởng 100% mức lương theo quy định hiện hành, không phải tập sự 12 tháng, đồng thời xem xét nâng bậc lương tùy theo số năm đóng bảo hiểm xã hội.
“Phòng Nội vụ huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ giáo viên hết mình vì rõ ràng đây là quyền lợi của viên chức giáo viên theo quy định. Dù có chậm nhưng các thầy cô mới được tuyển dụng đợt này có thể an tâm do vẫn được truy lĩnh, không ảnh hưởng gì đến thu nhập cả”, ông Sáng khẳng định.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Ngọc Quế - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trảng Bom cho hay, đa phần các quyết định tuyển dụng giáo viên năm nay đều áp dụng mức lương ban đầu và phải tập sự 12 tháng.
Bà Quế nói rằng, Phòng Giáo dục và Đào tạo Trảng Bom đã phân tích rất rõ với số giáo viên mới được tuyển dụng rằng, ngay bây giờ hãy cầm quyết định tuyển dụng làm cơ sở về trường nhận nhiệm vụ.
Trường đó sẽ có trách nhiệm làm thang bảng lương mới cho giáo viên mới, đảm bảo theo đúng quy định, nếu có đủ hồ sơ chứng minh số năm đóng bảo hiểm xã hội thì được xem xét thang bậc lương phù hợp, hưởng 85% lương, không phải tập sự…
“Điều này khiến số giáo viên mới được tuyển vẫn còn lo lắng có lẽ vì sợ khi về trường vẫn tiếp tục ấn định mức lương theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện ban đầu, không điều chỉnh theo hồ sơ bổ sung”, bà Quế phán đoán.
Bà Quế cho biết thêm, bà vừa mới nhắc lại một lần nữa trong cuộc họp của ngành và đã yêu cầu số giáo viên mới được tuyển dụng khẩn trương cung cấp đầy đủ hồ sơ để làm thang bảng lương.
Theo kế hoạch, số giáo viên mới được tuyển sẽ được truy lĩnh lương tháng 8 vào thời điểm nhận lương tháng 9.
Về thang bậc lương sẽ áp dụng theo quyết định điều chỉnh lương trên cơ sở thực tế hồ sơ bổ sung của giáo viên.
Cuối cùng, bà Quế khẳng định không có chuyện giáo viên thâm niên 6 đến 10 năm, có bảo hiểm xã hội, đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, nộp hồ sơ đầy đủ mà vẫn phải tập sự và hưởng lương bậc thấp nhất.
Tại Khoản 5 Điều 21 quy định Chế độ tập sự của Nghị định 115/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nêu rõ:
Không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.