The Jakarta Post ngày 21/3 đưa tin, chính phủ Indonesia sẽ gửi công hàm kháng nghị chính thức đến Trung Quốc về việc, tàu Cảnh sát biển nước này đã can thiệp thô bạo vào việc lực lượng chức năng Indonesia tuần tra xử lý tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna ngày Chủ Nhật 20/3.
Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti nói với báo giới, bộ này sẽ triệu kiến Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xie Feng vào ngày Thứ Hai 21/3 để yêu cầu một lời giải thích về hành vi của Cảnh sát biển Trung Quốc, và tại sao đường lưỡi bò lại "liếm" vào vùng đặc quyền kinh tế Natuna.
Sự ngạo mạn có hệ thống
Bà Susi Pudjiastuti cũng yêu cầu Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi chuẩn bị một công hàm phản đối chính thức gửi thẳng sang Bắc Kinh. Bà gọi đây là sự can thiệp "ngạo mạn" nhằm cản trở cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Indonesia.
Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia, bà Susi Pudjiastuti. Ảnh: Global Indonesian Voices. |
"Chính phủ Trung Quốc không nên cư xử theo cách đó, vì chính phủ một quốc gia không nên can thiệp để hỗ trợ cho các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được kiểm soát", bà Susi cho biết.
Sự việc bắt đầu lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy 19/3 khi các nhà chức trách Indonesia phát hiện một tàu cá Trung Quốc loại 200 tấn, số biển kiểm soát Kway Fey 10.078 xuất hiện ở vị trí 05 ° 05'866 "N / 109 ° 07'646" E, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia yêu sách ở phía Nam Biển Đông.
Lúc 3 giờ chiều cùng ngày, tàu tuần tra của Bộ Thủy sản Indonesia số hiệu KP Hiu 001 đã bắt giữ tàu cá này cùng 8 thuyền viên vì tội đánh cá trộm và hộ tống tàu cá này về cảng điều tra làm rõ.
Lúc 2 giờ sáng Chủ Nhật, trên đường hộ tống tàu cá Trung Quốc về Natuna, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có vũ trang đã tông vào tàu tuần tra Indonesia để giải vây cho tàu cá vi phạm.
Ngay sau đó một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khác có trang bị tốt hơn tàu kia đến hiện trường và ra lệnh cho tàu tuần tra của Indonesia phải thả tàu cá Trung Quốc trong vòng 30 phút để nó quay trở lại Biển Đông.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia cho biết, bà sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc giao tàu cá Kway Fey 10.078 cho chính phủ Indonesia để xử lý theo luật pháp nước này.
Tàu cá Trung Quốc ngày càng hung hãn, vơ vét bất chấp tất cả trên Biển Đông là vì có chính phủ nước này chống lưng. Ảnh: Sydney Morning Herald. |
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng lực lượng bán vũ trang can thiệp vào hoạt động kiểm ngư, thực thi pháp luật của Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế mà Jakarta yêu sách theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Ngày 26/3/2013, tàu tuần tra Trung Quốc Nanfeng RRC 310 đã cướp lại một tàu cá Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna.
Đánh cá trộm chỉ là cái cớ hiện thực hóa đường lưỡi bò bành trướng
Người viết cho rằng, việc chính phủ Trung Quốc dung túng và xúi giục một bộ phận ngư dân nước này tung hoành khắp Biển Đông để vơ vét, tranh cướp nguồn tài nguyên thủy hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng là âm mưu nham hiểm nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò bành trướng, vô lý và phi pháp.
Chính bằng thủ đoạn dùng tàu cá, đẩy ngư dân Trung Quốc ra đối mặt với lực lượng chức năng các nước sở tại rồi lấy cớ kéo tàu tuần tra cỡ lớn có vũ trang ra giằng co, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines trong cuộc khủng hoảng tháng 4/2012.
Sự việc hôm Chủ Nhật, Trung Quốc điều 2 tàu Cảnh sát biển có vũ trang tông vào tàu tuần tra Indonesia và ép tàu này phải thả tàu cá, ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm cho thấy, những ngư dân Trung Quốc này chỉ là con tốt Bắc Kinh "dí" trên bàn cờ Biển Đông, hòng giành sự thừa nhận đường lưỡi bò trên thực tế.
Bởi lẽ, nếu Indonesia không có những phản ứng kiên quyết, cứng rắn và hiệu quả như bà Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastusi nêu ra, Bắc Kinh sẽ coi như Jakarta mặc nhiên thừa nhận yêu sách đường lưỡi bò bành trướng ấy, mặc dù trên thực tế đường lưỡi bò đã "liếm" một vạt không nhỏ vùng đặc quyền kinh tế Indonesia yêu sách ở quần đảo Natuna trên bản đồ.
Đại tá Arif Badrudin, Tư lệnh Căn cứ hải quân Ranai trên đảo Ranai quần đảo Natuna nói với The Jakarta Post, nhiều tàu Trung Quốc thường xuyên đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Indonesia, nơi đường lưỡi bò Trung Quốc chồng lên. Chúng được canh gác, cảnh giới và bảo vệ cẩn mật của lực lượng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Về giải pháp, Bộ Thủy sản Indonesia cho hay cơ quan này sẽ điều tàu tuần tra lớn hơn tới Natuna để có thể chống lại bất kỳ hành vi đe dọa nào tương tự có thể xuất hiện trong tương lai từ tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Đã đến lúc Indonesia chung sức cùng khu vực và quốc tế chống lại đường lưỡi bò bành trướng
Lâu nay Indonesia vẫn nhấn mạnh, nước này không có yêu sách "chủ quyền" đối với khu vực quần đảo Trường Sa đang tồn tại một số tranh chấp, nhưng yêu cầu Bắc Kinh phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò và tại sao nó lại "gặm" một phần vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Indonesia yêu sách ở Natuna.
Chiến hạm Trung Quốc đã kéo đến thả neo, chào cờ tuyên bố "chủ quyền" ở bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chừng 80 km. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn bỏ ngoài tai những kêu gọi thiện chí này. Hành động của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có vũ trang với hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng kiểm ngư Indonesia ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là sự leo thang hung hãn, bất chấp luật pháp và dư luận.
Nó cho thấy tham vọng bành trướng Biển Đông bằng mọi giá, thực hiện hóa yêu sách đường lưỡi bò bằng mọi giá.
Những phản ứng của Indonesia thiết nghĩ hết sức hợp lý, hợp pháp, kịp thời trước thái độ ngạo mạn, chà đạp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc hành xử trên Biển Đông hiện nay.
Nhưng cá nhân người viết nhận thấy, nếu chỉ dựa vào việc "điều tàu to hơn" hay gửi công hàm phản đối, e rằng vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả tham vọng và hành vi bành trướng ấy của Bắc Kinh.
Bởi lẽ xét về thế và lực, không chỉ Indonesia mà các nước ASEAN gộp lại, lực lượng tuần tra trên biển cũng không bằng lực lượng khổng lồ của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả về tàu thuyền, trang bị và độ hung hãn, liều lĩnh, bất chấp tất cả.
Nhưng nếu Indonesia kết hợp các biện pháp này với việc đoàn kết cùng ASEAN, chủ động thúc đẩy ASEAN cùng lên án các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bành trướng, leo thang thô bạo trên Biển Đông, quân sự hóa Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò, đặc biệt là lên tiếng đề nghị Tòa Trọng tài Thường trực PCA bác bỏ đường lưỡi bò vô lý, phi pháp ấy, hiệu quả sẽ tăng đáng kể.
Malaysia: Chống quân sự hóa Biển Đông cần hành động tập thể |
Trung Quốc có thể bất chấp dư luận phản đối từ một vài quốc gia đơn lẻ, nhưng không thể không xem lại khi cả khu vực và quốc tế đều phản ứng.
Mặt khác theo người viết, dù Indonesia không có yêu sách nào ở Trường Sa, nhưng một khi để Trung Quốc quân sự hóa các điểm nước này chiếm đóng bất hợp pháp, thì an ninh quốc gia của Jakarta cũng không có gì đảm bảo.
Nguy cơ nhãn tiền chính là lực lượng Cảnh sát biển có vũ trang của Trung Quốc sẽ tha hồ tung hoành trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia yêu sách ở Natuna.
Bởi lẽ chúng có thể neo đậu, tiếp tế hậu cần kỹ thuật ở các đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa, chứ không phải chạy về mãi Hải Nam.
Đó là nguy cơ hiện hữu thực sự mà một mình Indonesia không thể đối phó.
Malaysia đã "tỉnh mộng" trước hành vi leo thang của Trung Quốc
Tang Siew Mun, thành viên cấp cao Viện Ishak ISEAS-Yusof ngày 21/3 bình luận trên The Malaysia Online, "đầy lùi" là một từ hiếm khi, nếu như không muốn nói là chưa bao giờ các nhà lãnh đạo Malaysia sử dụng khi nói đến các hành động leo thang ngày càng đáng sợ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã công khai nhắc đến điều này khi phát biểu trước báo giới tuần qua.
Ông Hunssein cho hay, nếu các báo cáo Bộ Quốc phòng Malaysia nhận được từ các nguồn khác nhau, liên quan đến việc xây dựng và vị trí lắp đặt vũ khí khí tài quân sự của Bắc Kinh ở Trường Sa là đúng sự thật, điều này sẽ buộc Malaysia phải có hành động đẩy lùi, chống lại (sự bành trướng của) Trung Quốc.
Tang Siew Mun cho rằng, đây là một sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của Kuala Lumpur trước hành vi leo thang, lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông.
Gạc Ma và bài học giữ nước |
Bởi cũng công Hussein, trong tháng 8/2013 khi được báo chí hỏi về việc Trung Quốc "tuần tra thường xuyên" quanh bãi cạn James, ông nói rằng Trung Quốc có thể tuần tra mỗi ngày nếu họ không có ý định đi đến chiến tranh.
Việc tàu Trung Quốc (quân sự, tuần tra, tàu cá) xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế mà Malaysia yêu sách ở Biển Đông là phổ biến chứ không phải ngoại lệ.
Tác động của những hành vi leo thang từ phía Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ còn đơn thuần giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao, pháp lý và an ninh. Các đảng phái chính trị và dư luận Malaysia ngày càng bức xúc trước vấn nạn này khiến Kuala Lumpur không thể nhắm mắt làm ngơ.
Tàu Trung Quốc đã tiến sát bờ biển Malaysia, đe dọa xua đuổi tàu cá Malaysia, chiếm mất nguồn sinh kế bao đời của ngư dân nước sở tại. Jamali Basri, Chủ tịch Hiệp hội ngư dân Miri than thở rằng, hậu quả của chính sách ngoại giao pháo hạm của Bắc Kinh sẽ là chỉ có tàu cá Trung Quốc mới được đánh cá ở Biển Đông.
Vì vậy, bằng cách sử dụng từ "đẩy lùi", các nhà lãnh đạo Malaysia đang truyền đi thông điệp rõ ràng và dứt khoát đến Bắc Kinh rằng, Malaysia sẽ giữ vững lập trường bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực (Trung Quốc tạo ra) tranh chấp.
Tháng 11 năm ngoái, Phó Thủ tướng Malaysia, Ahmad Zahid Hamidi lưu ý: "Một siêu cường trong khu vực đã lấn vào vùng biển Malaysia bằng cách xây dựng đường băng, cầu cảng và các cơ sở hạ tầng (quân sự) khác trên 3 đảo nhân tạo chỉ cách Sabah 155 km".