IOE kiếm tiền bằng cách nào và bảo mật thông tin của hàng triệu HS ra sao?

14/06/2023 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tham gia gói Học cùng IOE và Thi thử, người dùng phải chi tiền để nạp "GO" nhằm quy đổi sang số "GO" tương ứng của các gói. 

Trên website Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong bài: "Vinh danh top học sinh có điểm thi cao nhất cuộc thi IOE cấp trường năm học 2021-2022" viết: "IOE (Internet Olympiads of English) là cuộc thi được triển khai từ năm học 2010-2011 theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy mô rộng khắp cả nước với mục đích tạo sân chơi trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 và tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để học sinh học tập, giao lưu". [1]

Không biết vô tình hay hữu ý, thông tin liên quan đến Công ty Cổ phần VTC Truyền thông Trực tuyến (VTC Online) đơn vị trực tiếp triển khai cuộc thi này lại không hề được đề cập trong phần giới thiệu "gốc gác" cuộc thi. Thay vào đó, nhà trường chỉ nhắc đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Ảnh chụp màn hình bài viết.

Sau khi Tạp chí đăng tải bài viết: "Độc giả nêu kết quả 'lạ', BTC IOE nói thí sinh vi phạm nhưng không có biên bản", nhiều ý kiến độc giả, chuyên gia giáo dục mong muốn hiểu rõ hơn tính minh bạch của các kỳ thi này và điều gì khiến các công ty tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi trên mạng và được Sở, Phòng, các trường học giới thiệu đến học sinh rầm rộ như vậy?

Cùng với đó, là nỗi băn khoăn về việc bảo mật dữ liệu cá nhân của thí sinh tham gia các cuộc thi này đến đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, để chuẩn bị cho kỳ thi trên, bước đầu tiên các thí sinh phải thực hiện đó là đăng nhập tài khoản bằng những thông tin cá nhân, để tham dự cuộc thi.

1.500 đồng một tin nhắn xác thực tài khoản IOE

Được biết, từng có ý kiến phụ huynh thắc mắc về việc xác thực tài khoản phải mất phí. Theo đó, tại cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (Internet Olympiads of English - IOE), người dùng phải đăng ký tài khoản với tên đăng nhập, mật khẩu, xác thực mật khẩu và nhấn vào đăng ký.

Tiếp đó, người dùng phải điền thông tin cá nhân vào các ô trống như về tên cá nhân, ngày sinh, quê quán và cuối cùng là chọn 1 trong 4 loại tài khoản (học sinh - giáo viên - phụ huynh - Tài khoản quản lý (Phòng/Sở giáo dục).

Nếu người dùng tham gia các vòng tự luyện và thi trải nghiệm trên IOE không cần đăng ký xác thực tài khoản. Tuy nhiên, nếu người dùng muốn tham gia thi thử hay ôn luyện, các gói học của IOE, người dùng phải xác thực tài khoản.

Theo đó, người dùng sẽ nhắn cú pháp "GO" với mã ID tài khoản rồi gửi đến đầu số 8100 với chi phí 1.500 đồng. Tiếp đó, mã xác thực cùng với mật khẩu cấp 2 (dùng trong trường hợp quên mật khẩu hoặt thay đổi mật khẩu) sẽ được gửi đến điện thoại người dùng.

Mỗi số điện thoại được xác thực tối đa 5 tài khoản. Cùng với đó, để kiểm tra danh sách tài khoản liên kết với số điện thoại của người dùng soạn "GO" gửi đến 8100 với mức phí tương tự là 1.500 đồng.

Tương tự, trong trường hợp người dùng quên mật khẩu - mật khẩu cấp 2 - ID tài khoản, sẽ phải soạn các cú pháp tin nhắn để gửi đến đầu số 8100 với mức phí 1.500 đồng/tin nhắn.

Với những thao tác trên, người dùng có thể phải mất hàng chục nghìn đồng.

Trả lời câu hỏi về việc mất phí 1500 đồng/tin nhắn đăng ký xác thực tài khoản, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện IOE cho biết, đây là mức phí quy định của nhà mạng khi người dùng gửi tin nhắn đến tổng đài 8100.

"Đây là số tiền do nhà mạng thu, không liên quan đến đơn vị. Trước đây, trang web không yêu cầu học sinh cập nhật số điện thoại nhưng các em hay quên mật khẩu, sẽ không lấy lại được tài khoản. Trong khi đó, đơn vị không nắm được mật khẩu của người dùng. Vì vậy, người dùng phải có thông tin liên lạc để 'verify' từ bên tôi, thì hệ thống mới cấp lại đoạn mã bảo mật. Từ năm học vừa rồi, chúng tôi yêu cầu học sinh phải xác thực mật khẩu và sử dụng mật khẩu đó dùng đăng nhập tài khoản", vị này chia sẻ.

IOE kiếm từ đâu?

Cuộc thi này học sinh đăng ký thi thì miễn phí nhưng phàm đã là cuộc thi và muốn có giải, thường đều phải luyện và IOE cung cấp các gói thi thử và học cùng IOE có thu phí.

Để tham gia các gói học của IOE, người dùng phải nạp tiền quy đổi sang số GO để mua các gói dịch vụ. (Ảnh: cắt màn hình)

Để tham gia các gói học của IOE, người dùng phải nạp tiền quy đổi sang số GO để mua các gói dịch vụ. (Ảnh: cắt màn hình)

Theo đó, khi đã xong công đoạn xác thực tài khoản, thí sinh có thể đăng ký các gói ôn luyện mất phí bằng cách "Nạp GO" để quy đổi "GO" sang các gói học. Theo đó, 1 "GO" tương đương 1.000 đồng.

Theo thông tin đăng tải công khai trên IOE, gói ôn luyện Thi thử IOE là chương trình cung cấp kho dữ liệu gồm gần 300.000 bộ câu hỏi của tất cả các khối lớp 3-12, và liên tục được bổ sung nội dung hằng năm. Các câu hỏi được phân loại theo từng vòng thi tương đương với các vòng thi chính thức và được sử dụng để bốc ngẫu nhiên thành đề thi thử cho các em học sinh luyện tập thêm kiến thức, cũng như làm quen với cách thức thi chính thức.

Nội dung của Thi thử IOE bám sát chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp học sinh ôn tập tốt kiến thức đã học ở trên nhà trường. Ngoài các nội dung thi thử sẵn có, toàn bộ các đề thi chính thức của các năm học trước sẽ nằm trong kho dữ liệu đề thi thử của hệ thống. Chương trình Thi thử IOE hỗ trợ tối đa cho học sinh không chỉ làm quen với các đề thi, bài thi mà còn giúp học sinh rèn luyện thao tác máy tính nhanh và chuẩn xác.

Học sinh làm bài thi thử với số câu hỏi và thời gian tương đương như khi làm bài thi của vòng thi chính thức. Sau khi hoàn thành xong bài thi thử, học sinh sẽ xem được kết quả làm bài và xem được đáp án câu hỏi làm sai. Xếp hạng thi thử của học sinh sẽ được cập nhật trong vòng 24h.

Thi thử IOE là gói dịch vụ có thu phí, tất cả học sinh có nhu cầu sử dụng để ôn tập cần nạp GO và mua gói dịch vụ.[2]

Bên cạnh gói Thi thử trên, IOE còn bán gói Học cùng IOE. Đây là chương trình hệ thống hóa toàn bộ kiến thức cơ bản các khối lớp 3-12 theo hướng bám sát chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Điều kiện học sinh được tham gia: Đây là gói dịch vụ có thu phí, tất cả các học sinh có nhu cầu sử dụng cần nạp Go và mua gói dịch vụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ví dụ như một học sinh lớp 5, nếu muốn mua gói Thi thử dành cho lớp 5 (dùng trong 1 năm học) sẽ phải nạp 149 "GO" tương đương 149.000 đồng. Còn nếu mua gói Học cùng IOE (dùng trong 1 năm học) sẽ có giá 199 "GO" tương đương 199.000 đồng. Nếu mua combo cả hai gói ôn luyện trên sẽ được ưu tiên là 259 "GO" (259.000 đồng). Với hàng triệu tài khoản tham gia, chắc chắn các em đều mong muốn có giải thì việc tham gia thi thử, ôn luyện là điều dễ hiểu.

Hàng triệu tài khoản IOE được bảo mật ra sao?

Ngày 28/1/2011 (sau 3 tháng phát động cuộc thi) ban tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp toàn quốc thông báo cuộc thi đã đạt mức 1,5 triệu thành viên.

Theo giới thiệu tại trang chủ của IOE, từ năm học 2018-2019 đến nay, cuộc thi IOE đã có trên 35.000 trường học và hơn 6,3 triệu học sinh trên cả nước tham gia, nhận được sự hưởng ứng của 58/63 Tỉnh/Thành phố. [3]

Với số lượng học sinh tham gia như trên, câu hỏi về việc bảo mật dữ liệu thông tin của học sinh cũng là điều không ít phụ huynh quan tâm.

Thông tin về việc bảo mật hệ thống, đại diện phụ trách IOE cho biết, khi người dùng tạo tài khoản trên các cuộc thi trên mạng, họ sẽ phải cập nhật thông tin cá nhân và xác nhận thông tin đó. Ban tổ chức sẽ xác nhận và đảm bảo bảo mật thông tin đó.

"Về mặt kỹ thuật, bên tôi luôn đảm bảo về bảo mật thông tin. Ví như năm vừa qua, công ty tôi có tham gia hai giải thưởng về chuyển đổi số Việt Nam và chuyển đổi số giáo dục, đơn vị đã làm việc với những đơn vị bảo mật thông tin, để được thẩm tra lại về việc bảo mật thông tin của đơn vị. Kết quả, việc bảo mật của chúng tôi rất cao", vị này cho hay.

Đối với phản ánh của phụ huynh việc lỗi mạng, máy tính chấm sai kết quả tại nhiều cuộc thi trên mạng, trả lời về vấn đề này, đại diện chia sẻ, máy tính chấm sai kết quả vậy sẽ sai đồng loạt trên toàn hệ thống, nên không thể sai với một, hai người.

Về phản ánh của phụ huynh tại vòng thi cấp quốc gia IOE, ban tổ chức yêu cầu quay video giám sát suốt ca thi, điều này khiến nhiều phụ huynh thắc mắc về việc điện thoại hết dung lượng, thiết bị quay...

Trả lời câu hỏi trên, vị này cho biết, theo quy chế, ban tổ chức làm việc với các đơn vị giáo dục (nhà trường, Phòng, Sở) nên đơn vị chỉ giải thích cho các Hội đồng thi.

"Kể từ năm học 2017-2018, cuộc thi IOE là cuộc thi trên tinh thần tự nguyện của các đơn vị. Khi đơn vị đủ các điều kiện về trang thiết bị cơ sở vật chất, và đường truyền đáp ứng được yêu cầu thể lệ của cuộc thi thì đơn vị đăng ký tổ chức.

Các nhà trường giờ hầu hết đều có camera tại lớp học, bên cạnh đó các thầy cô sẽ phần mềm Zoom trên máy tính hoặc sử dụng điện thoại có dung lượng lớn để ghi lại hình ảnh phòng thi. Tuy nhiên, đây là việc của phòng thi, còn ban tổ chức chỉ nhận kết quả từ hội đồng thi", phụ trách cuộc thi IOE chia sẻ.

Đối với nội dung băn khoăn về việc liệu ban tổ chức có xem được hết video hay không, đại diện ban tổ chức cho hay, cuộc thi có vài trăm nghìn học sinh dự thi và vinh danh đối với các thí sinh thành tích cao nhất.

Với những thí sinh có thành tích cao nhất, ban tổ chức sẽ xem lại video ghi lại cuộc thi cũng như biên bản thi từ hội đồng thi, chứ không phải theo dõi hết tất cả video của các thí sinh.

Ví dụ trong Top 500 thí sinh có điểm cao nhất, ban tổ chức chỉ rà soát lại về video, biên bản thi nơi có 500 em dự thi.

"Ngoài biên bản hội đồng thi gửi về, chúng tôi còn làm việc trực tiếp với hội đồng thi nếu có vấn đề khúc mắc như khiếu nại, khiếu kiện...", vị này cho hay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tieuhocnguyendu-ntl.edu.vn/vinh-danh-top-hoc-sinh-co-diem-thi-cao-nhat-cuoc-thi-ioe-cap-truong-nam-hoc-2021-2022

[2] https://ioe.vn/huong-dan/faqdetails/91

[3]https://ioe.vn/chi-tiet-faq/huong-dan-tai-khoan/tham-gia-ioe-nhung-dieu-hoc-sinh-can-biet

Mạnh Đoàn