Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh lớp 5”, sẽ có ngay 55 triệu kết quả, trong vòng 0.56 giây.
Kết quả tìm kiếm cũng nói lên phần nào sức nóng của các cuộc thi “mang tầm quốc tế” đã và đang ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh Việt Nam.
Cho con tham gia các cuộc thi trên mạng là do bệnh thành tích của phụ huynh?
Người viết có người bạn thân mê học toán từ nhỏ, nhưng cuộc đời xô đẩy, anh ấy phải đi làm phụ hồ kiếm sống. Trong nhà anh, quý nhất, đắt tiền nhất là bộ máy vi tính để bàn.
Nhà có hai con trai, anh đã truyền được lòng yêu toán cho hai con, ngay từ nhỏ, các cháu đã tham gia các cuộc thi toán trên mạng.
Anh P. chia sẻ: “Con mình thi trực tuyến, cả hai cháu có hàng chục cái huy chương, thế nhưng ít người biết, chỉ đến khi cháu đầu đạt giải Nhì Toán quốc gia, phóng viên đài truyền hình tỉnh đến đưa tin, viết bài, thấy bộ sưu tập của cháu, lúc đó mọi người mới biết.
Mình yêu cầu các cháu không khoe khoang thành tích, lấy các cuộc thi trực tuyến để thử thách giới hạn bản thân, cũng như là cách rèn luyện thêm tiếng Anh.
Không phải cuộc thi nào mình cũng cho con tham gia, mình chọn các cuộc thi miễn phí, hạn chế người tham gia, số giải ít, thi bằng tiếng Anh, và đặc biệt, các con mình không hề đi luyện thi, hoàn toàn tự học”.
Cháu đầu của anh P. đã nhận học bổng toàn phần, hiện đang du học tại Nhật Bản, cháu thứ hai, nhận học bổng hơn 3 tỷ đồng, đang học tại Đại học VinUni.
Trái ngược với anh P., không ít người cho con tham gia thi trực tuyến các cuộc thi được gắn mác “quốc tế”, khi con đạt huy chương, khoe rầm rộ trên mạng xã hội, dù không biết giá trị của các tấm huy chương mang tầm quốc tế đến đâu.
Học sinh được gì khi tham gia sân chơi Đấu trường Toán học VioEdu? (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet.vn) |
Chị V. ở Hà Nội lại khác, chị cho cháu tham gia các cuộc thi là bởi: “Có các huy chương khi tham gia các cuộc thi toán trên mạng sẽ tăng khả năng đỗ vào lớp 6, những trường mình mong muốn, vì các trường này cộng thêm thành tích những học sinh đạt giải quốc tế.
Vì thế, cháu nhà mình, đứa nào cũng tham gia các cuộc thi toán trên mạng, để có thành tích bỏ vào hồ sơ cho đẹp”.
Nói phụ huynh cho con tham gia các cuộc thi trên mạng là do thói háo danh, bệnh thành tích của phụ huynh là cũng phải tùy vào từng người, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, có người cho con thi với mục đích tuyển sinh, cũng có người cho con thi vì giáo dục.
Có phải tất cả các cuộc thi toán trực tuyến trên mạng đều uy tín?
Chỉ cần vào Google, ta có thể thấy có rất nhiều cuộc thi toán trực tuyến dành cho học sinh: Kỳ thi Olympic Toán học châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS), Kỳ thi Olympic quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh (ASMO), Kỳ thi Toán học AMO, Kỳ thi Toán học SASMO, Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế (ITMC);
Kỳ thi Toán học quốc tế PhIMO, Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC), Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế (IMAS), Kỳ thi Olympic Toán tiếng Anh (SEAMO), Cuộc thi Toán quốc tế IMC, Olympic Toán học Úc (Australian Mathematics Competition - AMC); Toán học Hoa Kỳ (American Mathematics Competitions - AMC); …
Có phải tất cả các cuộc thi toán trực tuyến trên mạng đều uy tín? Câu trả lời là không.
Một số kỳ thi nhìn chung được đánh giá cao (xếp thứ tự ngẫu nhiên): Kỳ thi Toán học châu Á - Thái Bình Dương APMOPS, Kỳ thi Toán và Khoa học trẻ quốc tế IMSO, Olympic Toán học trẻ quốc tế ITMO, Kỳ thi Toán IMC của Quỹ Chiuchang, Kỳ thi AMC của Hội Toán học Hoa Kỳ, Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo...
Ở trong nước, kỳ thi VMTC, trước đây có kỳ thi MYTS của Hội Toán học Việt Nam được đánh giá phù hợp, chất lượng chuyên môn tốt.
Chỉ số ít kì thi trên mạng không thu phí, hạn chế số học sinh tham gia, còn lại mức phí dự thi dao động từ 200.000 - 550.000 đồng, có cuộc thi thu hút hàng chục ngàn học sinh các cấp. Tỷ lệ đạt giải, hoặc có huy chương ở một số kỳ thi có thể lên tới 60%.
Ở châu Á có một số ông bầu, mỗi năm tổ chức 5 đến 10 kỳ thi, đều gán cho những danh từ "quốc tế", "châu Á"... [1]
Phần thưởng cho các cuộc thi, chỉ có tấm huy chương Vàng, Bạc, Đồng, giá trị vật chất của tấm huy chương dao động khoảng vài chục nghìn đồng/cái. Nếu làm phép toán kinh tế, có thể nói, nhà tổ chức đã lãi rất lớn.
Không ít giáo viên cũng là “tuyên truyền viên” cho các cuộc thi, vận động học sinh mình tham gia thi, cùng với đó là mở lớp luyện thi. Vô hình trung, vì lợi ích của mình, thầy cô đã đem thiệt thòi đến cho học trò, phụ huynh, nếu cuộc thi không uy tín.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Đấu trường Toán học VioEdu tràn vào trường, lo lộ thông tin 20.000 học sinh”, đây là lời cảnh báo cho phụ huynh, học sinh khi tham gia thi trực tuyến trên mạng.
Ngoài thu lợi từ phí dự thi, thông tin của người tham gia cũng có thể trở thành “món hàng béo bở”, hệ lụy của nó khó mà đong đếm được trong ngày một ngày hai.
Vì thế, phụ huynh học sinh hãy tìm hiểu kĩ, tránh cho con tham gia các cuộc thi vô bổ, lợi bất cập hại, làm lợi cho người khác, gây áp lực không cần thiết cho con mình.
Cùng với đó, Bộ phải cấm tuyệt đối các địa phương có công văn giới thiệu, hay chỉ thị cho cơ sở giáo dục, vận động học sinh tham gia các cuộc thi trực tuyến, khi chưa xác định được chất lượng, uy tín.
Qua đây, người viết đề nghị Bộ Giáo dục, cần có cơ chế cấp phép, kiểm soát chất lượng các cuộc thi trực tuyến.
Các cuộc thi trực tuyến nếu có thu phí, cần phải nộp thuế, nếu trốn thuế, phải truy cứu trước pháp luật.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bung-no-cac-cuoc-thi-olympic-toan-quoc-te-hoc-sinh-viet-luyen-thi-toi-ngay-788964.html#inner-article
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.