Tham dự lễ khai mạc Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch Olympic Vật lý châu Á Leong Chuan Kwek; đại diện một số ban, ngành cùng 188 thí sinh, 50 lãnh đạo đoàn và 29 quan sát viên đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.
APhO 2018 diễn ra từ ngày 6/5 đến ngày 13/5.
Olympic Vật lý châu Á là kỳ thi Vật lý dành cho học sinh Trung học phổ thông dưới 20 tuổi của tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức thường niên từ năm 2000.
Việt Nam đã tham dự Olympic Vật lý châu Á từ những năm đầu của cuộc thi và luôn được đánh giá cao so với các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Với bài phát biểu khai mạc bằng tiếng Anh tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - ông Phùng Xuân Nhạ cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế như:
Olympic Vật lý châu Á (năm 2004), Olympic Toán học quốc tế (năm 2007), Olympic Vật lý quốc tế (năm 2008), Olympic Hóa học quốc tế (năm 2014) và gần đây nhất là Olympic Sinh học quốc tế (năm 2016).
Các kỳ thi Olympic này đã để lại ấn tượng sâu đậm, tình cảm yêu mến trong lòng các vị đại biểu, các thầy cô giáo, các em học sinh trên khắp năm châu về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hiến, hiếu học và mến khách.
Lễ khai mạc Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) chính thức diễn ra ngày 6/5, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh) |
Năm nay, sau 14 năm, Việt Nam tiếp tục vinh dự trở thành nước chủ nhà của Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19. Đây là minh chứng sinh động cho sự ghi nhận và tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định khoa học cơ bản nói chung, khoa học Vật lý nói riêng, có vai trò đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Chính phủ Việt Nam đã và sẽ quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho sự phát triển của khoa học Vật lý tại Việt Nam thời gian tới.
Năm 2018, Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á |
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, phương pháp giáo dục STEM sẽ có một vị trí rất quan trọng và đây là cơ hội tốt để tiếp tục phát triển việc giảng dạy, nghiên cứu Vật lý ngay từ bậc phổ thông.
Với vai trò là nước chủ nhà của Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc mừng các thí sinh tham gia kỳ thi lần này, những thành viên của cộng đồng khoa học trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết để phát triển khoa học Vật lý cho dân tộc mình và cho toàn nhân loại trong tương lai gần.
Bộ trưởng cũng hy vọng các hoạt động giao lưu giữa các học sinh, sinh viên, giữa các thầy cô giáo giảng dạy, nghiên cứu Vật lý từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ tại kỳ thi lần này ở Việt Nam.
Ông Leong Chuan Kwek - Chủ tịch Olympic Vật lý châu Á - chia sẻ các thí sinh là những người đã được quốc gia của mình lựa chọn và bồi dưỡng đặc biệt để tham dự kỳ thi này.
Hơn nữa, các em cũng chính là những đại sứ của quê hương mình. Trong những ngày tham gia kỳ thi, bên cạnh kỳ thi chính, các thí sinh cũng nên giao lưu và kết bạn với càng nhiều thí sinh càng tốt để học hỏi không chỉ về Vật lý, mà còn về văn hóa, ước mơ và nguyện vọng của bạn bè quốc tế.
Tham gia kỳ thi lần này, đoàn Việt Nam có 8 thí sinh. Trước đó, tại Olympic Vật lý châu Á lần thứ 18, Việt Nam là một trong bảy quốc gia, vùng lãnh thổ có thí sinh đoạt huy chương Vàng, trong đó 7/8 thí sinh của đoàn đoạt giải thưởng (một Huy chương Vàng, ba Huy chương Bạc và ba Bằng khen tương đương giải Khuyến Khích)