Khảo sát chọn nghề, có trường đến 45% học sinh chọn nhóm ngành kinh doanh

05/03/2022 06:40
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường THPT ở Hải Phòng luôn chú trọng hướng nghiệp thông qua việc khảo sát nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, tổ chức toạ đàm với diễn giả,...

Ngày 16/2/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Văn bản số 333 của về việc đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Thực hiện chỉ đạo, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án, giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch bệnh để sớm đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung nhằm đảm bảo kế hoạch, tiến độ và chất lượng đào tạo.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại và khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch và tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh ngay từ đầu năm, trong đó quan tâm tới đối tượng là bộ đội xuất ngũ, học sinh trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp theo quy định, nâng cao nhận thức của xã hội, học sinh các trường phổ thông về giáo dục nghề nghiệp, định hướng cho học sinh có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy do dịch Covid-19, các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hải Phòng vẫn duy trì, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Trong 3 năm trung học phổ thông, các trường luôn đồng hành hướng nghiệp cùng học sinh và phụ huynh (Ảnh: Phạm Linh)

Trong 3 năm trung học phổ thông, các trường luôn đồng hành hướng nghiệp cùng học sinh và phụ huynh (Ảnh: Phạm Linh)

Mỗi nhà trường đều có các mô hình, phương thức tổ chức hướng nghiệp riêng để học sinh biết được thế mạnh học tập và bản thân phù hợp với ngành nghề nào.

Đặc biệt, công tác định hướng nghề nghiệp được các nhà trường chú trọng triển khai xuyên suốt 3 năm học trung học phổ thông.

Ghi nhận tại Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng), ngay từ đầu năm học tiến hành cho học sinh lớp 10 đăng kí mục tiêu, định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp trung học phổ thông để nhà trường định hướng học sinh chọn ban phù hợp (A, A1, D).

Nhà trường cũng tổ chức khảo sát nắm thông tin xu hướng nghề nghiệp của học sinh ngay từ đầu mỗi năm học.

Theo số liệu do nhà trường khảo sát, trong số 10 nhóm ngành, 45,0 % học sinh lựa chọn các nhóm ngành kinh doanh, tiếp đó là 15,6% học sinh chọn các nhóm ngành công nghệ - thông tin.

Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của học sinh phần lớn do yếu tố tương thích với đặc điểm cá nhân (do trường có ngành đạo tạo phù hợp, sở thích cá nhân,…) và các yếu tố đáp ứng sự mong đợi (Cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, cơ hội thu nhập cao, cơ hội có vị trí, địa vị cao trong xã hội,…).

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn lắng nghe diễn giả chia sẻ về những ngành nghề trở thành xu hướng trong tương lai (Ảnh: XT)

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn lắng nghe diễn giả chia sẻ về những ngành nghề trở thành xu hướng trong tương lai (Ảnh: XT)

Thầy Phạm Huy Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Nguyên Hãn cho biết: Dựa trên số liệu khảo sát và nhu cầu của học sinh, nhà trường sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm khai thác.

Sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh và tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông.

Nổi bật trong đó có: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp hàng năm; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân như Nhà giáo nhân dân, Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh nguyên là phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm, trưởng tiểu ban lao động của Việt Nam trong ASEAN năm 2019...

Nhà trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, tìm kiếm thông tin về thị trường lao động.

Còn tại Trường Trung học phổ thông An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng), nhà trường thực hiện việc hướng nghiệp theo mô hình xuyên suốt 3 năm phổ thông.

Trường Trung học phổ thông An Dương xây dựng mô hình hướng nghiệp xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12 (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Trung học phổ thông An Dương xây dựng mô hình hướng nghiệp xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12 (Ảnh: Phạm Linh)

Ban giám hiệu nhà trường cũng tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp để phụ huynh, học sinh nắm bắt thông tin về xu hướng nhân lực xã hội và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực.

Đối với học sinh lớp 10 và lớp 11, phụ huynh và học sinh sẽ được lắng nghe những chia sẻ về “Cách dạy dạy con thành tài”, “Cách chọn nghề” (dựa theo đam mê của con, điều kiện gia đình, dự báo nhân lực xã hội).

Riêng đối với lớp 12, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kĩ năng sống cho học sinh, hàng năm, trường đều tổ chức chương trình “Hướng nghiệp – đồng hành cùng con chọn nghề” theo mô hình hội trại.

Tại chương trình, mỗi trại sẽ quảng bá về 3 trường đại học và cung cấp đầy đủ thông tin cho học sinh về địa điểm trường, ngành nghề đào tạo, tổ hợp thi tương ứng và công bố số điểm tuyển sinh trong 3 năm gần nhất.

Tại các trại cũng có các diễn giả của trường đại học hoặc cựu học sinh của nhà trường đang học tại trường đó.

Việc mời cựu học sinh sẽ mang đến cảm giác gần gũi và trở thành tấm gương, động lực để học sinh phấn đấu học tập nhiều hơn.

Học sinh các khối lớp 10, 11 của nhà trường cũng tham gia dựng trại, trang trí hội trại và có điều kiện tiếp cận với thông tin về các trường đại học.

Phạm Linh