Khi nào Bộ chuyển CĐ Công nghiệp thực phẩm, CĐ Công Thương Phú Thọ về UBND tỉnh?

05/06/2024 10:30
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-ĐBQH Hà Ánh Phượng quan tâm đến thời điểm chuyển giao Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Sáng ngày 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.

050620240855-z5508499548027_2875620293fdc60f097a333aa12ffdc6.jpg
Phiên chất vấn sáng ngày 5/6. Ảnh: quochoi.vn.

Thời điểm chuyển giao Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ quan tâm đến thời điểm chuyển giao Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng nêu rõ, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng.

“Để làm được điều này, Bộ Công Thương đã có phương án sắp xếp các cơ sở dạy nghề trực tiếp thuộc Bộ Công Thương trong phạm vi toàn quốc.

Đối với tỉnh Phú Thọ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/BCSĐ ngày 17/7/2020 về chủ trương chuyển giao 2 trường cao đẳng là Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ cho Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm, việc triển khai vẫn chưa được tiến hành” - nữ đại biểu cho biết.

Phượng.jpg
Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khi nào thực hiện việc chuyển giao 2 trường cao đẳng này cho Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện.

050620240807-z5508415308132_e0eee2afdd6a5a79aafdad5a2844ffe7.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Ánh Phượng về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, vì sao 2 trường cao đẳng ở Phú Thọ đã có thỏa thuận 2 bên mà chưa bàn giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin: “Cho đến giờ này, Bộ Công Thương cũng chưa hề thay đổi quan điểm là bàn giao 2 trường cao đẳng này cho địa phương. Bởi lẽ, nếu địa phương làm tốt hơn, thì tại sao Bộ Công Thương phải giữ?

Nhưng có điều, liên quan đến câu chuyện tài sản công, sắp xếp hệ thống sự nghiệp công lập, hiện nay mới đang triển khai, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tôi cũng cam kết sẽ thúc đẩy quá trình này, sớm ngày nào, sẽ bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ sớm ngày đó”.

Nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Mẫn.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực công thương. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỉ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động động công thương, hoạt động thương mại điện tử; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, các doanh nghiệp hóa, vốn đầu tư hệ thống nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hiệu quả khai thác các hiệp định FTA chưa được như kỳ vọng, tỉ lệ cơ giới hóa một số khâu sản xuất nông nghiệp còn thấp, hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí còn hạn chế.

Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng, nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân, cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử. Thực hiện phân cấp phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử...

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, phát triển xuất khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương mại thường xuyên cập nhật về quy định danh sách của các thị trường ngoài nước, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả Hiệp định thương mại tự do FTA tại các địa phương...

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông lâm sản. Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.

Huệ Phương