Thứ Năm ngày 8/3 giờ Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bất ngờ quyết định chấp nhận đề nghị của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trong tháng Năm này.
Quyết định này đã dẫn đến những phản ứng khác nhau ngay trong chính nội các Nhà Trắng, cũng như đảng Cộng hòa và các chính khách Hoa Kỳ.
Các quan chức Nhà Trắng lúng túng trước quyết định bất ngờ của Tổng thống.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis giữ im lặng về cuộc đàm phán thượng đỉnh Mỹ - Triều. The Hill ngày 12/3 dẫn lời ông nói với báo giới:
"Tôi không muốn nói về Triều Tiên chút nào. Tôi sẽ để nó cho những người đang dẫn dắt các nỗ lực, bởi vì nó rất tinh tế khi bạn đặt mình vào vị trí ấy.
Khả năng của sự hiểu lầm vẫn còn rất cao, thậm chí cao hơn trước. Tôi chắc rằng Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp cho bạn những báo cáo rất tốt." [1]
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn tiếp tục công du châu Phi và không đưa ra bình luận gì thêm về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ảnh: Reuters / Straits Times. |
Ngoại trưởng Rex Tillerson thì vẫn đang công du châu Phi và không đưa ra bình luận gì thêm. Trước đó ông nói rằng, đàm phán với Triều Tiên là một chặng đường dài.
Quyết định gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un do Tổng thống Donald Trump tự đưa ra và sẽ mất vài tuần để thu xếp.
Trước khi ông Donald Trump để phái đoàn Hàn Quốc công bố tin này, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với truyền thông từ Djibouti:
"Đó là quyết định của Tổng thống Mỹ, tôi đã nói chuyện với ông ấy sáng sớm nay về quyết định đó, và chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất tốt.
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã sẵn sàng đàm phán, và ông sẵn lòng gặp Kim Jong-un khi điều kiện phù hợp.
Tôi nghĩ rằng trong phán đoán của Tổng thống, thời cơ đã đến rồi."
Ông Rex Tillerson cho biết thêm, Hoa Kỳ đã rất ngạc nhiên về cách thức ông Kim Jong-un "nghiêng về phía trước" khi tiếp phái đoàn Hàn Quốc.
Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho tới thời điểm Ngoại trưởng Mỹ nói chuyện với báo giới, cho thấy rằng ông Kim Jong-un không chỉ có nguyện vọng, mà còn thực sự mong muốn đàm phán với Mỹ. [2]
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thì tỏ ra hoài nghi về kết quả có thể đạt được trong cuộc đàm phán lịch sử này.
Đồng thời họ kêu gọi ông Donald Trump tăng những điều kiện tiên quyết đến khi nào Triều Tiên có bằng chứng "không thể đảo ngược" về thiện chí phi hạt nhân hóa bán đảo. [3]
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ảnh: Washington Examiner. |
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, đã nói với tờ báo Hà Lan Algemeem Dagblad:
"Nếu bạn muốn nói chuyện với Kim Jong-un về vũ khí hạt nhân, bạn cần những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm.
Bạn không thể làm ngoại giao mà không có nhà ngoại giao. Sự nguy hiểm (thiếu hụt các nhà ngoại giao am hiểu Bắc Triều Tiên trong nội các) không được chính phủ Trump công nhận."
Trước những băn khoăn, tranh cãi trong dư luận, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng cho biết quan điểm của ông về cách thức đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên.
Ông sẽ nhanh chóng ra về nếu không có gì khả thi, không có gì tiến triển, Donald Trump tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử hôm thứ Bảy 10/3 cho ứng viên đảng Cộng hòa Rick Saccone ở miền Tây Pennsylvania.
Tổng thống Donald Trump tin rằng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên muốn hòa bình, và thời cơ đã đến. Ông nói:
"Thời cơ đã đến. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi có thể nhanh chóng bỏ về hoặc chúng tôi có thể ngồi xuống và làm điều tốt nhất cho thế giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: The Indian Express. |
Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên sẽ rất thiện chí, tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thành công lớn. Chúng tôi đang có rất nhiều sự ủng hộ.
Họ cam kết sẽ không thử tên lửa trong lúc đàm phán, và họ đang tìm kiếm cơ hội để phi hạt nhân hóa. Vì vậy, đó là điều tuyệt vời."
Trước đó ông Donald Trump cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giáo cao quyết định của ông chủ Nhà Trắng đã chọn ngoại giao, chứ không phải "sự thay thế đáng lo ngại".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì rất nhiệt tình ủng hộ các cuộc đàm phán với Triều Tiên. [4]
Không những thế, Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp 300 triệu Yên để tài trợ cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế để thanh tra các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cam kết loại bỏ chúng. [5]
Ông Kim Jong-un và Donald Trump hiểu nhau hơn chúng ta tưởng? |
Người viết cho rằng, lo lắng Hoa Kỳ thiếu chuyên gia am hiểu Triều Tiên để đàm phán với Bình Nhưỡng là không có cơ sở.
Reuters đã liệt kê một danh sách các chuyên gia am hiểu rất sâu về Triều Tiên mà ông Donald Trump hoàn toàn có thể sử dụng. Và Tổng thống Mỹ sẽ là người trực tiếp đàm phán.
Trong khi ông Donald Trump cáo buộc ngược lại các nghị sĩ đảng Dân chủ "sử dụng thủ thuật" để ngăn cản ông bổ nhiệm các vị trí còn trống trong Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài.
Vấn đề ở đây là Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng các chuyên gia này như thế nào. Chắc chắn sẽ khác cách thức những người tiền nhiệm của ông đã từng sử dụng.
Tuyên bố tưởng như "bâng quơ" của ông ở Pennsylvania đã mang một thông điệp khá rõ đến Bình Nhưỡng, và một kết quả đột phá hoàn toàn có thể xảy ra, bởi những điều kiện bên trong lẫn bên ngoài đều thuận lợi chưa từng có.
Nói ngắn gọn như ông Donald Trump, là thời cơ đã tới.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://thehill.com/policy/defense/377842-pentagon-chief-mum-on-north-korea-ahead-of-possible-summit