Phóng viên báo giáo dục Việt Nam đã có dịp trao đổi với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn về việc khởi tố thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm người đã từng ngồi ở vị trí cao nhất trong phiên tòa xét xử ông Chấn cách đây 10 năm.
Sau khi được minh oan trở về nhà, cuộc sống gia đình ông Chấn vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Điều mà ông Chấn mong muốn nhất hiện nay là sớm nhận được tiền bồi thường để trả nợ, đưa vợ đi chữa bệnh và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Ông Chấn cho rằng: “Khởi tố một mình thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm là không công bằng. Bởi lẽ, khi tuyên án thì phải được sự đồng ý của cả HĐXX, mình ông Chiêm không thể tự ý tuyên án chung thân cho tôi được.” Nhắc lại phiên tòa xét xử cách đây 10 năm, ông Chấn nói tiếp: “Tôi vẫn không thể quên được phiên xét xử của tòa phúc thẩm TAND tối cao, khi vị chủ tọa hùng hồn tuyên bản án giết người mà không xem xét các bằng chứng gỡ tội, giọng nói dứt khoát của ông chủ tọa khiến cả nhà tôi đau đớn.”
Trao đổi với ông Thân Ngọc Hoạt là anh “đồng hao” với ông Chấn, ông Hoạt nói thêm: “ Người đứng đầu sẽ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, tòa án đã chỉ căn cứ vào hồ sơ điều tra để tuyên án “đanh thép” khiến ông Chấn phải vào vòng lao lý. Tại phiên tòa bị cáo đã kêu oan và có nhiều đơn từ của gia đình, bà con làng xóm chứng minh cho ông Chấn vô tội. Lẽ ra vì thế, ông Chiêm và HĐXX lẽ ra phải đề nghị tạm dừng phiên tòa để xem xét lại.”
Ngay từ phiên sơ thẩm, người dân trong làng đã không thể tin ông Chấn là một người hiền lành như vậy lại đi giết người. Chưa kể, luật sư Nguyễn Đức Biền bào chữa cho ông Chấn tại phiên tòa là luật sư do tòa chỉ định, luật sư Biền mới tiếp nhận hồ sơ vụ án chiều hôm trước thì sáng hôm sau phiên tòa đã diễn ra.
Luật sư Nguyễn Đức Biền rất công minh nói rằng: “Hồ sơ thiếu khách quan, chưa có tính thuyết phục, nội dung có nhiều vấn đề như: dấu vân tay, vết chân được canh phòng cẩn mật, có mẫu vân tay trong khu vực bảng điện, cánh cửa, gối tại sao lại không xác định là của ai?” Xem xét lại theo như kết quả điều tra thì vết chân bên phải, trái 23,5 và 23,2 kết luận là gần đúng thì chưa chính xác hoàn toàn nên không thể kết luận ngay là của ông Chấn được”.
Khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm - chấm hết hay chỉ mới bắt đầu?
(GDVN) - Chủ tọa phiên tòa không thể ép các thẩm phán làm theo ý mình, vì vậy không thể nói hai thẩm phán còn lại là vô can trong bản án oan của ông Chấn.
Ngay sau phiên sơ thẩm, gia đình ông Chấn đã đi sưu tập chứng cứ xác minh thời gian xảy ra vụ án ông không có mặt ở đó, hy vọng đến phiên phúc thẩm vụ án sẽ được xem xét lại nhưng chính ông Phạm Tuấn Chiêm lại là người thực hiện không đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Kết quả là bản án đã được “dàn dựng” bởi các nhà đạo diễn tài ba khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải thi hành án oan suốt 10 năm.
Hiện nay ông Chấn sau khi về nhà tư tưởng vẫn chưa ổn định, thỉnh thoảng vẫn còn bị hoảng loạn, nhất là khi gặp công an do thời gian điều tra ông Chấn bị “bức cung”.
Liên quan đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ngoài cựu thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đến nay đã có 2 người bị khởi tố bị can để điều tra làm rõ đó là ông Trần Nhật Luật (nguyên Thượng tá, Phó trưởng công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) về hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.