Phát biểu tại nghị trường Quốc hội cách đây ít phút, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền ủng hộ quyền chuyển đổi giới tính và nêu thí dụ: “Tôi gặp ba người. Một người là doanh nhân bảo rằng, em là doanh nhân, giải quyết được 100 lao động, mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước 2 tỷ đồng, thế mà các bác, các anh các chị lại phân biệt đối xử với em.
Một người là bác sĩ bảo rằng, tôi là bác sĩ chữa bệnh cho bao nhiêu người, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn được tặng Huân chương lao động hạng 3. Thế tại sao lại phân biệt đối xử với tôi. Tôi cũng là con người cơ mà?
Một anh ca sĩ thì nói rằng, em hát rất hay, mọi người ca ngợi cả, thế mà bây giờ các bác lại không công nhận chuyển đổi giới tính cho em”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Theo Đại biểu Thuyền, nên cho phép chuyển đổi giới tính công khai, còn quy định như dự thảo luật hiện nay thì sẽ dẫn tới khuyến khích chuyển đổi chui”.
“Chuyển đổi giới tính nói là làm theo luật. Nhưng khi đã chuyển rồi thì đương nhiên cho đăng ký lại (tên và tên đệm – pv). Luật không cấm thì họ có quyền làm, họ làm xong thì vẫn được công nhận, mà lại là làm chui. Thế thì tại sao lại không công nhận? Theo tôi là phải công nhận, cho phép chuyển đổi giới tính”, ông Thuyền nói.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cũng cho rằng, chuyển giới tính là nhu cầu chính đáng, đi kèm với đó là sự thay đổi về tên gọi và tên đệm cho phù hợp với giới tính.
Đại biểu Phạm Xuân Thường cũng nêu ra sự mâu thuẫn, khi luật không cho phép chuyển đổi giới tính, nhưng lại nói rằng khi đã chuyển đổi thì công nhận.
“Tôi đồng tình với quan điểm của Đại biểu Thuyền, hiện nay việc này đang tồn tại trong xã hội chúng ta và cả các quốc gia khác trên thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta không thừa nhận? Tôi cho rằng nếu đã quy định vào luật thì nên thừa nhận để có hướng dẫn, điều chỉnh, còn nếu không thì bỏ ra khỏi luật rồi xây dựng văn bản khác để quy định về vấn đề này”.
Đại biểu Nguyễn Thúy Anh thì cho biết, cần phải có những quy định điều kiện cụ thể đối với người chuyển đổi giới tính.
“Ở một số quốc gia quy định chuyển đổi giới tính được điều chỉnh bởi các luật y sinh học. Còn Bộ luật dân sự và luật hộ tịch thì quy định về điều kiện nhà nước cho phép người chuyển đổi giới tính thay đổi tên và các nghĩa vụ liên quan. Một người chuyển đổi giới tính sẽ phải trải qua khoảng 30 cuộc phẫu thuật khác nhau, phải tiêm hóc môn giới tính, do đó sức khỏe của họ bị ảnh hưởng rất nhiều, tuổi thọ ngắn.
Tôi nói như vậy không phải là để phản đối chuyển đổi giới tính, mà là mong muốn có quy định cụ thể hơn. Thí dụ ở một số quốc gia họ quy định, người chuyển đổi giới tính phải từ 18 tuổi trở lên, chưa lấy vợ hoặc chồng, cam kết giữ giới tính đó đến khi chết…”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và 3 mối lo cho tương lai đất nước |
Tại điều 37 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) luật quy định về Chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.
Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định:
“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.