Không ép giáo viên thi giáo viên dạy giỏi sao lại ấn chỉ tiêu?

12/11/2017 07:44
Sông Mã
(GDVN) - Các nhà quản lý đang dùng đủ mọi biện pháp để buộc thầy cô phải đăng kí dự thi giáo viên dạy giỏi trong khi bản thân họ không có nhu cầu.

LTS: Phản ánh thực tế một số trường học bắt ép thầy côthi giáo viên giỏi, tác giả Sông Mã tiết lộ lý do sâu xa của thực trạng này.

Đồng thời, cô cũng nêu ra hậu quả tác động tiêu cực đến học sinh và giáo viên như thế nào.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm nào cũng thế, cứ vào thời điểm này trong năm, các trường học trong cả nước lại gấp rút chuẩn bị Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Hội thi chưa xong, từng trường lại lên danh sách giáo viên đi thi Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Nếu nói theo tinh thần của Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên… thì không được ép buộc giáo viên đi thi để lấy thành tích cho đơn vị.

Hình minh họa, nguồn: internet.
Hình minh họa, nguồn: internet.

Giáo viên hoàn toàn tự nguyện khi họ cảm thấy có nhu cầu.

Thế nhưng trong thực tế, ít có địa phương thực hiện đúng tinh thần của Thông tư trên.

Các nhà quản lý đang dùng đủ mọi biện pháp để buộc thầy cô phải đăng kí dự thi trong khi bản thân họ không có nhu cầu.

Ép chỉ tiêu xuống từng trường

Để chuẩn bị cho Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi tôi công tác đã ra thông báo về các trường, ngoài quy định của hội thi, nội dung thi, thời gian tổ chức, còn có chỉ tiêu quy định số lượng giáo viên của các trường sẽ tham gia.

Nhận chỉ tiêu, Ban giám hiệu trường học gấp rút chọn người, lên danh sách.

Khổ nỗi, hầu như giáo viên nào cũng chẳng mấy hào hứng với những hội thi như thế này, phần vì áp lực, mệt mỏi cho bản thân, phần bỏ bê lớp tội cho học trò.

Nếu giáo viên tình nguyện và háo hức đi, nhà trường sẽ có cơ hội sàng lọc để tìm ra ứng viên tài năng nhất.

Không ép giáo viên thi giáo viên dạy giỏi sao lại ấn chỉ tiêu? ảnh 2

Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá

Thế nhưng ai cũng trốn tránh, người lấy lý do sức khỏe không tốt, người bận việc gia đình, người nói rằng mình chưa đủ năng lực...

Sau một thời gian dùng đủ mọi cách từ động viên, khích lệ, năn nỉ đến hăm dọa, cảnh báo… số người tình nguyện cũng chẳng có nhiều hơn.

Thế là, ai đồng ý đi thi cũng được “lùa” vào hết.

Giáo viên nhiều trường trách Ban giám hiệu dùng quyền ép buộc, làm thế là nhà trường đang vi phạm quy định của Bộ.

Một vị hiệu trưởng giãi bày:

Phòng đưa chỉ tiêu về trường mình phải đủ 13 giáo viên tham gia đợt thi này vì sang năm trường mình lên chuẩn.

Thầy cô nghĩ xem, mọi tiêu chuẩn đều đủ hết nhưng nhà trường không đạt được ít nhất 30% giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên trường mình cũng không được công nhận chuẩn quốc gia, há như thế thì chẳng thiệt thòi lắm sao?

Trường khác lại có lý do giữ chuẩn:

Năm tới trường mình được công nhận lại trường chuẩn quốc gia nên năm nay phòng cho chỉ tiêu đi thi 9 người, các thầy cô đừng nên từ chối”.

Có hiệu trưởng muốn tạo động lực cho giáo viên đăng kí dự thi bằng cách bật mí rằng:

Để trường đạt chỉ tiêu, ban giám khảo chấm cũng nương tay hơn nên thầy cô nào đi thi lần này cũng có nhiều lợi thế, khả năng đỗ chắc chắn cao hơn”.

Có hiệu trưởng bức xúc:

Trường thì bé tẹo chỉ chỉ hơn 15 giáo viên mà đưa chỉ tiêu đi thi tới 5 người không biết sẽ lấy đâu ra số ấy?

Giáo viên lơ là dạy, học sinh chểnh mảng học

Giáo viên phần lớn đều ngán ngẩm những cuộc thi kiểu này vì có nhiều lý do.

Thứ nhất, chuẩn bị cho Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường vừa xong lại tất tả lo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Trong khi đó, cách thức tổ chức, nội dung thi cứ y chang nhau. Nào là nộp sáng kiến kinh nghiệm, bài thi năng lực, dạy 2 tiết minh họa…

Để có kiến thức đi thi, thầy cô phải căng mình chuẩn bị trước cả hàng tháng trời.

Không ép giáo viên thi giáo viên dạy giỏi sao lại ấn chỉ tiêu? ảnh 3

Chuyện chỉ tiêu và bệnh thành tích trong ngành giáo dục

Đêm nào cũng thức khuya dậy sớm học bài (để thi phần năng lực).

Những câu hỏi thường chẳng ăn nhập với kinh nghiệm giảng dạy và sự hiểu biết thực tế của thầy cô.

Bởi thế, việc giáo viên phải ngồi “tụng” đến thuộc lòng từng ngày tháng ra đời, hay ngày có hiệu lực của một số thông tư, công văn đã làm giáo viên chán ngán.

Ngoài việc thức khuya học bài còn dậy sớm hoàn thành giáo án, các phương án lên lớp, xử lý tình huống khác với khi mình dạy trên lớp…

Những tiết dạy trong hội thi chủ yếu mang tính trình diễn nên sự chuẩn bị công phu hơn nhiều những tiết học khác.

Có giáo viên đi dạy dự thi mà chở cả xe đồ dùng dạy học đến trường.

Thứ hai, giáo viên lo thi sẽ sao nhãng, bỏ bê lớp chủ nhiệm hàng tháng trời.

Dù thầy cô tới lớp nhưng vì lo bài vở cho mình cũng chẳng còn nhiều tâm trí dành cho trò.

Chưa kể đến những lúc xin đi dự giờ, những khi dạy thử cho đồng nghiệp góp ý… học sinh đều phải tự quản.

Bởi thế sẽ rất tội cho học sinh. Không có sự chăm sóc đầu tư của thầy cô, lực học của các em xuống dốc, thương nhất là những học sinh vốn có lực học yếu kém lại càng tụt dốc thê thảm.

Riêng trường học nơi hội thi diễn ra, học sinh còn vất vả hơn nhiều.

Dù quy định không được “gà bài”, không được dạy trước nhưng nhiều giáo viên vẫn nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.

Thôi thì có bài học mà học sinh được học đi học lại đến vài lần, ngày dự giờ vẫn phải tỏ ra ngây ngô chưa biết gì cho đến khi được thầy cô đặt câu hỏi.

Xét cho cùng, một số giáo viên mệt mỏi tham gia các hội thi nhưng họ cũng hưởng lợi từ những hội thi như thế.

Vì có người may mắn đậu lại một bước lên sếp.

Chỉ có học sinh mới là người chịu nhiều thiệt thòi nhiều nhất. 

Trong giai đoạn này, giáo dục đang đặt ra mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì hoạt động dạy và học ở các trường vẫn đang diễn ra theo lối mòn cũ, mang đậm tính hình thức và nặng về ngụy tạo thành tích thi đua.

Tài liệu tham khảo:

https://news.zing.vn/bo-giao-duc-khong-ep-thi-giao-vien-gioi-lay-thanh-tich-post633015.html

Sông Mã