Không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế phải bị xử lý về mặt Đảng, nhà nước
Tại cuộc họp báo định kỳ tháng 6/2017, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Đến ngày 19/6, trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, 2016 và 5 tháng đầu 2017, với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 28.230 người.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ. Ảnh: HỒNG MINH. |
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ: "Đến nay vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ 2015-2021 và từng năm.
Tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (86,22%), chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.
Một số Bộ ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên
chế chưa đúng theo trình tự quy định.
Đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản", ông Thành thông tin.
Về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh:
"Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế.
Nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, nhà nước", Thứ trưởng Thăng kiên quyết.
Nghiên cứu toàn diện việc bỏ "biên chế" viên chức
Liên quan tới một số kiến nghị đề xuất nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo hướng thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với viên chức như ngành giáo dục, y tế, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, đây là vấn đề mới, cần được nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện.
Bỏ biên chế giáo viên, cần thi tuyển công khai với chức danh Hiệu trưởng. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
"Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2017.
Sau khi có kết luận của Hội nghị Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp", ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ thông tin.