Trong lần gặp chúng tôi, đạo diễn Ha-ru Xa-ki-xư (Haru Sakisu) của Đài Truyền hình NHK Nhật Bản-vị đạo diễn đã làm bộ phim “Cuộc tìm kiếm người lính trẻ Việt Nam” (được chiếu trên VTV1 ngày 22/12/2015 nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam) - đã chia sẻ rằng:
“Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam quá may mắn vì giải phóng được miền Nam, thống nhất được đất nước sau 30 năm chia cắt”.
Ha-ru Xa-ki-xư kể, có lần ông gặp một đồng nghiệp người Đức, người này đã làm phóng viên ở nhiều vùng là điểm “nóng”, điểm “nhạy cảm” trên thế giới như: Bán đảo Triều Tiên, Xy-ri...
Qua góc nhìn của người phóng viên này thì ở những đất nước, dân tộc bị chia cắt, người dân luôn có những nỗi bất hạnh kéo dài dù kinh tế có phát triển.
“Có những thứ bị mất đi rất khó có thể lấy lại. Đất nước mà bị chia cắt thì các gia đình cũng sẽ bị chia cắt, sẽ có khổ đau, chia ly.
Sự giàu có về kinh tế cũng không thể bù đắp được những tổn thương về tinh thần” - ông Ha-ru Xa-ki-xư nói.
Vị đạo diễn người Nhật Bản đã thể hiện góc nhìn khách quan của một người nước ngoài đối với giá trị và ý nghĩa không gì có thể so sánh được của ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 đối với nước ta.
Nhưng cái ngày hạnh phúc ấy không đến nhờ sự may mắn của số phận.
Để có ngày ấy, cả dân tộc ta đã ra trận, đổ bao xương máu trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai trong suốt 30 năm.
Cũng vì có ngày toàn thắng ấy mà hôm nay chúng ta mới được sống trong hòa bình, trong một giang sơn thống nhất, với cuộc sống ngày một đủ đầy, no ấm hơn.
Lịch sử dân tộc sẽ mãi ghi công lao của một thế hệ người Việt Nam trí tuệ, đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bất khuất-những phẩm chất Việt Nam.
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Không chỉ có các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa... mà cả nhân loại tiến bộ đều có cái nhìn khách quan về giá trị, ý nghĩa lớn lao của ngày chiến thắng 30/4.
Ấy vậy mà ngày hôm nay vẫn có những kẻ mang danh là người Việt Nam như linh mục Đặng Hữu Nam-kẻ ở thế hệ sau được may mắn sống trong hòa bình, hạnh phúc nhờ công ơn xương máu của thế hệ cha ông đi trước, mà lại táng tận lương tâm, buông những lời lẽ vô ơn, vô văn hóa, phỉ báng ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam và kích động một số giáo dân nhẹ dạ cùng thực hiện hành động sai trái.
Xúc phạm đến ngày 30/4/1975 là xúc phạm đến khát vọng, danh dự và nhân phẩm của dân tộc Việt Nam, là xúc phạm đến xương máu, xúc phạm sự hy sinh thầm lặng của hàng triệu người Việt Nam cho ngày toàn thắng.
Để hiểu được niềm hạnh phúc to lớn của dân tộc có được từ sau chiến thắng 30/4/1975, ta hãy thử nhìn lại xem, trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì đất nước ta như thế nào?
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta thật đau đớn khi bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17.
Ở miền Bắc, nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở miền Nam, đất nước ta bị giày xéo bởi đế giày của thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.
Cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước theo điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ đã không bao giờ được thực hiện bởi mưu đồ thâm hiểm của đế quốc Mỹ và tay sai muốn chia cắt Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước ta ở miền Bắc đã nhiều lần bày tỏ thiện chí.
Người dân miền Nam buộc phải sống dưới ách thống trị của chính quyền ngụy Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Nhân dân miền Nam đã nổi dậy để chống lại ách thống trị ấy, để cùng với nhân dân cả nước thống nhất nước nhà.
Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975?(GDVN) - Đây là nét độc đáo đặc sắc của lịch sử cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam. |
Thời ấy, cuộc sống của người dân miền Nam bị kìm kẹp, tù túng, ngột ngạt, đau khổ trong những “khu trù mật”, “ấp chiến lược” do Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn tạo ra.
Chính quyền ngụy Ngô Đình Diệm sử dụng những hình phạt tàn ác của thời trung cổ là chặt đầu bằng máy chém, lê máy chém đi khắp miền Nam để tàn sát đồng bào, những người mà chúng cho là cộng sản.
Chính quyền ngụy Sài Gòn còn đàn áp Phật giáo, cấm treo cờ Phật giáo dịp lễ Phật đản, đến mức hòa thượng Thích Quảng Đức đã phải tự thiêu để phản đối và kéo theo phong trào biểu tình phản đối của nhân dân khắp miền Nam.
Không ai có thể quên tiếng kêu khóc của những phụ nữ hiền lành, trẻ em vô tội bị lính Mỹ thảm sát ở miền Nam, trong đó điển hình là vụ thảm sát tại thôn Mỹ Lai (thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)...
Không chỉ tàn sát dân thường ở miền Nam, quân đội Mỹ thời ấy còn leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ném bom hòng hủy diệt các thành phố, xí nghiệp, làng mạc, gây ra tang thương, mất mát, rải hàng chục triệu lít chất độc da cam để lại di chứng đến tận ngày nay cho đất nước và con người Việt Nam...
Liệu dân tộc ta có thể hưởng hòa bình, hưởng cuộc sống yên vui trước dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ?
Những bức ảnh chiến tranh do các phóng viên các nước phương Tây, trong đó có chính phóng viên của Mỹ chụp là những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai:
Một người cha bế xác một em bé nhìn lên một chiếc xe trở đầy lính ngụy với vẻ mặt đầy ai oán; một bà mẹ ôm mấy con nhỏ bơi qua sông để trốn bom Mỹ;
Bé gái 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc với thân thể cháy sém, không còn quần áo, chạy trốn bom na-pan trên con đường ở Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8/6/1972... đã trở thành những hình ảnh ám ảnh người dân Mỹ về tội ác do giới cầm quyền của họ gây nên và đã tạo thành những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh trên khắp nước Mỹ.
Một xã hội miền Nam Việt Nam trước giải phóng như vậy có phải là xã hội có tự do, dân chủ, có vì con người, có hạnh phúc hay không?
Còn tiềm lực kinh tế miền Nam lúc bấy giờ ra sao?
Trong cuốn "Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005), Giáo sư Trần Văn Thọ cho biết, tính chung giai đoạn 1955-1975, kinh tế tại miền Nam chỉ phát triển trung bình 3,9%/năm (bình quân đầu người tăng 0,8%/năm), trong khi cũng giai đoạn ấy, kinh tế tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa phát triển bình quân 6%/năm (GDP đầu người tăng khoảng 3%/năm) (1).
Trước giải phóng, các ngành sản xuất của miền Nam rất yếu kém. Công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng từ 8% đến 10% GDP, thậm chí có những năm giảm chỉ còn 6%. Nông-lâm-ngư nghiệp luôn chiếm tỷ trọng khoảng 30% GDP.
Còn tỷ trọng của khu vực dịch vụ là khoảng 45% đến 60%.
Công nghiệp miền Nam đến hơn 90% là công nghiệp nhẹ được hình thành và phát triển gắn với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.
Các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, chỉ khoảng 1% cơ sở có quy mô từ 10 công nhân trở lên, còn 99% là dưới 10 công nhân.
Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài về trang thiết bị thay thế và nguyên liệu, có giai đoạn, 100% nguyên liệu phải nhập khẩu.
Vì thế, có giai đoạn, chính quyền đã bỏ chính sách nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất mà hướng thẳng tới việc nhập hàng tiêu dùng. (2)
Ngân sách của chính quyền Việt Nam cộng hòa luôn ở trong tình trạng thâm hụt mà nguyên nhân chính là các khoản chi cho quân sự luôn lớn hơn chi cho dân sự.
Mức thâm hụt ngân sách thường ở mức 30% đến 40%, trong đó cao nhất là năm 1965 với 41%. Lạm phát giai đoạn 1965-1970 thường hơn 30%, cao nhất là năm 1966 lên tới 61%.
Trong cơ cấu chi ngân sách, chi tiêu quân sự luôn chiếm tỷ trọng lớn, cao nhất là 66% (vào năm 1968 và năm 1969). Chi tiêu dân sự có tới 80% là chi trả lương cho đội ngũ công chức trong chính phủ.
Vì thế, phần đầu tư cho phát triển ở mức rất thấp và gần như không có bất cứ khoản nào cho an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo. (3)
Trả lời phỏng vấn đài BBC, chuyên gia kinh tế là một Việt kiều Mỹ-ông Bùi Kiến Thành đánh giá, kinh tế dưới chế độ Sài Gòn là "nền kinh tế phát triển ảo", "không vững chắc", "không dựa vào cơ sở kinh tế mà chỉ dựa vào chiến tranh là chính".
Không những thế, ông Bùi Kiến Thành nhận định đây là nền kinh tế "chưa trong sáng", "bị nhũng nhiễu bởi nhóm lợi ích"-những cụm từ chỉ tình trạng tham nhũng tràn lan của chính quyền Việt Nam cộng hòa. (4)
Như vậy có thể thấy, thứ kinh tế của chính quyền ngụy Sài Gòn là thứ kinh tế lệ thuộc hoàn toàn vào hàng trợ cấp của Mỹ, thứ kinh tế phục vụ chiến tranh.
Nó chỉ tạo ra sự phồn hoa giả tạo ở Sài Gòn, một lối sống tiêu dùng xa hoa, hưởng thụ của giới quan chức nhờ hàng nhập khẩu từ Mỹ, còn người nghèo thì bị bỏ mặc.
Sài Gòn được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông” bởi thời bấy giờ các nước trong khu vực đều còn nghèo.
Một xã hội mà nền kinh tế yếu kém, lệ thuộc vào ngoại bang; một xã hội mà người dân không được hưởng những quyền cơ bản về tín ngưỡng;
Một xã hội mà con người không có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (cụm từ trích "Tuyên ngôn Độc lập" của Hoa Kỳ năm 1776) như xã hội miền Nam Việt Nam trước giải phóng thì liệu có thể tiếp tục tồn tại?
Ai dám bảo rằng, chính thể ngụy Sài Gòn-là tay sai của đế quốc, đưa quân đội nước ngoài vào giày xéo đất nước mình, giết hại đồng bào mình là một chính thể tốt đẹp?
Thế còn cuộc sống trên đất nước ta ngày nay thì sao? Chúng ta đã dần hàn gắn vết thương chiến tranh, từ nền kinh tế của một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, lên mức của một quốc gia thu nhập trung bình; đời sống của người dân đã ngày càng tốt hơn trước.
Có một thực tế là trong một số cuộc thăm dò quốc tế về chỉ số hạnh phúc, Việt Nam luôn xếp thứ hạng cao.
Ví dụ như năm 2016 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, cao nhất châu Á trong Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index, viết tắt HPI) do Tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố.
Chỉ số hành tinh hạnh phúc dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính New Economics Foundation điều tra, nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và những hành vi tác động đến môi trường.
Nó có thể xem là chỉ số nói lên cuộc sống thoải mái của con người trong xã hội và tự nhiên, vượt ngoài cả các yếu tố vật chất.
Ngày nay, từ các chính trị gia, các trí thức, học giả, các cựu quân nhân Mỹ đều nhận ra sai lầm của việc phát động cuộc chiến tranh Việt Nam, nhận ra những cơ hội hòa bình từ thiện chí của Việt Nam đã bị phía Mỹ cố tình bỏ lỡ.
Dưới sức ép của dư luận quốc tế, với những tiếng nói của lương tri, lương tâm, những người đã gây đau khổ cho nhân dân Việt Nam đã nhận ra tội lỗi của mình và tìm cách để hỗ trợ hàn gắn phần nào vết thương chiến tranh.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ động khép lại quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, với những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, với hợp tác về kinh tế rất hiệu quả, những dự án phát triển...
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào thời gian tới.
Đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng mời Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm sang thăm Việt Nam, dự Hội nghị Cấp cao APEC trong năm 2017 này.
Không ai có thể đảo ngược được quá khứ. Và cũng không ai có thể bóp méo, xuyên tạc được sự thật lịch sử.
Thành quả hòa bình, thống nhất và hạnh phúc ngày hôm nay là thành quả của cả dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, có thể khẳng định ngày 30/4/1975 là ngày hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, là ngày mở ra kỷ nguyên hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
(1) Trần Văn Thọ: Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.34.
(2) Xây dựng và phát triển công nghiệp, thương mại sau ngày giải phóng miền Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
(3) Đặng Phong: Kinh tế miền Nam thời kỳ 1955-1975, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.369,370,371,381.
(4) Học gì từ chính sách kinh tế của Việt Nam cộng hòa, BBC tiếng Việt, ngày 25/4/2015.