Trước ý kiến cho rằng, nguyên nhân các dự án đường cao tốc ở Việt Nam đang có giá đầu tư cao hơn các nước lân cận, thậm chí cả Mỹ là xuất phát từ sự “thất thoát tiền”, theo TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT - Trường Đại học GTVT đó là sự thật. Nhưng theo quan điểm của TS Hùng, không thể vì lý do thất thoát này mà dừng đầu tư cho ngành giao thông.
Theo ông Hùng, câu chuyện thất thoát này chẳng khác gì một cơ thể người đang bị ốm. "Đã bị ốm thì vừa phải cho uống thuốc bổ, vừa phải uống thuốc chữa bệnh. Do đó, muốn ngành GTVT phát triển thì vẫn phải đầu tư, muốn chống thất thoát thì phải chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng, chống thất thoát hiệu quả thì phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Điều đầu tiên là đảm bảo mức lương đủ sống cho công chức. Đủ sống ở đây được hiểu là không những đủ trang trải cuộc sống hàng ngày mà còn là sống thoải mái, đầy đủ.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT khẳng định, đề án của Bộ GTVT không khớp với Quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ. |
Thứ hai là các Bộ, ngành ở nước ta nói chung, ngành giao thông nói riêng, hệ thống kỹ thuật chưa cao, quản lý chi tiêu mua sắm còn nhiều lỗ hổng. Một trong những cách để minh bạch hóa khoản chi tiêu của các Bộ, ngành là công khai cho công luận biết những khoản chi tiêu của mình giống như cách công khai của Bộ GTVT trong thời gian qua. Tôi cho rằng, hiện nay cách làm này là một nét ứng xử mới cần học tập, phát huy của các cơ quan công quyền ở Việt Nam", ông Hùng nói.
"Hiện nay, khi triển khai các đề án đều rất “âm thầm”, chi tiêu bao nhiêu, làm được những việc gì, hiệu quả ra sao đều không công bố. Do đó, việc giám sát của nhân dân rất khó. Không phải một mình Bộ GTVT di dời trụ sở, các bộ Tài chính, Công an cũng di dời trụ sở, tại sao dân mình không hỏi họ chi bao nhiêu tiền, làm được những việc gì cho nền kinh tế, hay làm giảm được bao nhiêu phần trăm những vụ án có tổ chức?…Tôi tin rằng, nếu như họ công khai những con số trên, thì những chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, Ngô Đăng Doanh sẽ có những phân tích sâu hơn nữa", ông Hùng viện dẫn.
Thứ ba, theo ông Hùng, căn cứ vào tình hình chung thì việc chống tham nhũng ở nước ta chưa thực sự kiên quyết. "Tôi nghĩ, cần phải có những mức án cao cho tội tham nhũng, thậm chí phải tử hình trong những trường hợp đặc biệt. Đồng thời phải điểm mặt, chỉ tên những tội phạm là quan chức bị phát hiện tham nhũng thì tính dăn đe mới cao. Điều rất quan trọng nữa là cơ quan chống tham nhũng nên là cơ quan hoạt động độc lập và có quyền lực thực sự thì mới mong công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả cao", ông Hùng đề xuất.
Đề án khác Quy hoạch là bình thường Về ý kiến Đề án mới của Bộ GTVT không khớp so với Quy hoạch GTVT chung của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý và Quy hoạch GTVT, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, việc đưa ra những đề án để phát triển ngành GTVT là trách nhiệm của Bộ GTVT với tư cách đơn vị quản lý nhà nước về GTVT. "Việc công khai các khoản chi cho đề án mà Bộ GTVT vẫn làm trong thời gian gần đây là điều đáng hoan nghênh", ông Hùng nói.
Ông Hùng đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ khi khẳng định, dự kiến đầu tư đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng trọng tải xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015 mà Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa phê duyệt không khớp với dự kiến mà Thủ tướng đã phê duyệt trong quy GTVT chung. Tuy nhiên, theo ông Hùng đó là chuyện hết sức bình thường.
TS Khuất Việt Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Quy hoạch GTVT: Đề án khác Quy hoạch là chuyện bình thường. |
TS Hùng nói thêm, do năng lực dự báo của Việt Nam nhìn chung còn yếu, thiết nghĩ việc đưa ra những chính sách, những quy hoạch nên đưa một các tổng quát, thể hiện tầm nhìn xa, chiến lược. Còn các con số cụ thể, chi tiết nên là việc của người đưa ra đề án".
Cụ thể, theo Quy hoạch chung, dự kiến ngành GTVT đầu tư phát triển tổng trọng tải đội tàu biển đến năm 2015 lên 8,5 đến 9 triệu tấn. Tuy nhiên, đề án mà Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa phê duyệt chỉ rõ dự kiến đầu tư đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có tổng trọng tải xấp xỉ 15 triệu tấn vào năm 2015.
PGS.TS Thụ phân tích, điều này cho thấy con số dự kiến đầu tư của Bộ gấp gần 2 lần Quy hoạch chung. Hơn nữa, cũng mới chỉ nhắc tới chuyện đầu tư cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mà chưa thấy nhắc tới các đơn vị khác.