South China Morning Post, Hồng Kông ngày 16/6 đưa tin, chỉ mới tháng Mười năm ngoái đây thôi, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố "tách" Philippines khỏi đồng minh hiệp ước Hoa Kỳ sau nhiều tháng chỉ trích chua cay.
Từ Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte tuyên bố với báo giới:
"Hoa Kỳ đã mất, ngay bây giờ!
Tôi đã sắp xếp lại chính mình trong dòng chảy tư tưởng của ngài (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?).
Và có lẽ tôi cũng sẽ tới Nga để gặp (Tổng thống Vladimir) Putin và nói với ông ấy rằng, có 3 nước chúng ta chống lại cả thế giới.
Trung Quốc - Philippines và Nga. Đó là cách duy nhất.".
Chỉ mới tháng trước, ông Rodrigo Duterte còn tuyên bố một cách khắt khe rằng, các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đóng tại Mindanao phải rời khỏi đây.
Manila sẽ xem xét lại chính sách cho phép các lực lượng Mỹ tham gia chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở phía nam hòn đảo này.
Nhưng bước sang tháng Sáu, sau 3 tuần xung đột vũ trang giữa các lực lượng chính phủ và khủng bố Hồi giáo cực đoan tại thành phố Marawi ở Mindanao, tuần này chính phủ ông Rodirgo Duterte buộc phải thừa nhận các lực lượng Hoa Kỳ đã giúp lính Philippines giải phóng con tin từ tay khủng bố đang chiếm đóng Marawi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Minda Nation. |
Sự thừa nhận của chính phủ Philippines bắt đầu sau nhiều lần im lặng và né tránh những câu hỏi về vai trò của quân đội Hoa Kỳ, cho đến khi không còn lựa chọn nào khác khi tin tức lan ra từ phía Mỹ.
Emma Nagy, người phụ trách báo chí truyền thông của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã nói với tờ This Week in Asia:
"Theo yêu cầu của chính phủ Philippines, các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ đang hỗ trợ lực lượng vũ trang Philippines trong các hoạt động liên tục tại Marawi, thông qua trợ giúp chỉ huy các lực lượng vũ trang.".
Hoa Kỳ cho biết họ đã cung cấp các thiết bị quân sự ngay cho lực lượng Philippines.
Trước khi nổ ra vụ Marawi, Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhiều lần dọa sẽ giảm mua vũ khí Mỹ, tăng mua vũ khí Nga và Trung Quốc.
Tháng trước, ông Rodrigo Duterte đã phải cắt ngắn thời gian chuyến công du Moscow để về nước xử lý cuộc khủng hoảng Marawi và tuyên bố:
Một trong những yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Philippines với ông Putin sẽ là vũ khí Nga cho Mindanao.
Chuyến đi Nga của ông diễn ra chỉ 1 tuần sau chuyến công du lần 2 đến Trung Quốc, trong đó ông vay 500 triệu USD từ Trung Quốc để mua vũ khí Trung Quốc.
"Nuốt lời" rõ ràng không phải là phong cách của ông Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines đã phải nghỉ phép ít hôm và không xuất hiện trên truyền thông kể từ khi buộc phải thừa nhận vai trò của Mỹ vào Chủ nhật tuần trước. [2]
Điều này dẫn đến những nghi vấn về sức khỏe của Tổng thống.
Tại sao ông Duterte "lộ tin" ông Tập Cận Bình cảnh báo chiến tranh ở Biển Đông? |
Jaime Naval, Trợ lý giáo sư Đại học Philippines Diliman bình luận:
"Ông ấy phải nuốt niềm tự hào của mình. Bây giờ ông nói mình không yêu cầu người Mỹ giúp đỡ, mà chỉ huy quân đội đã làm việc này.
Tôi cảm thấy rất khó tin rằng một quyết định quan trọng như thế lại được đưa ra bởi cấp dưới, đặc biệt là sau những phát biểu chống Mỹ của Tổng thống.". [3]
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng Sáu năm ngoái, người hùng Philippines đã cố gắng xây dựng cây cầu hữu nghị với Trung Quốc, bằng cách tạm gác sang một bên các tranh chấp ở Biển Đông và tìm cách giảm bớt phụ thuộc chiến lược vào nước Mỹ.
Việc bác bỏ sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, gồm giảm số lượng và phạm vi các cuộc tập trận chung, tuần tra chung với Hoa Kỳ, đã trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại "độc lập" của Tổng thống Rodrigo Duterte.
("Độc lập" trong dấu ngoặc kép là cách dùng của South China Morning Post).
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển Philippines nhận xét:
"Sự kiện Marawi đã phơi bày những lời hùng biện của ông Rodrigo Duterte, cũng như sự thiếu hiểu biết của ông về cách các lực lượng vũ trang hoạt động như thế nào.
Đặc biệt là bản chất các mối liên kết giữa quân đội Mỹ và các lực lượng vũ trang Philippines. Người ta hy vọng ông ấy sẽ học được một bài học quan trọng từ đây.".
Nhiều thập kỷ làm việc cùng nhau có nghĩa là quân đội 2 nước đã phát triển đồng bộ hóa ở mức cao về kỹ chiến thuật, tổ chức và khả năng tương tác, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Chính sự hợp tác lâu năm đã tạo nên mức độ thoải mái và quen thuộc hiếm thấy giữa 2 lực lượng quân sự khác nhau.
Tuần này, Tổng thống Rodrigo Duterte giải thích lý do tại sao quân đội đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ tại Marawi chứ không phải ông nhờ:
"Hầu như các sĩ quan Philippines đều sang Mỹ để nghiên cứu, học tập các vấn đề quân sự.
Đó là lý do tại sao họ có mối quan hệ thân thiết với nhau. Tôi không thể phủ nhận điều đó.".
Tướng Gary Mueco, một chỉ huy lực lượng chống khủng bố tại Marawi cũng phải rơi nước mắt trước tội ác những kẻ khủng bố gây ra với dân chúng địa phương. Ảnh: ABS CBN. |
Cho dù quân đội có "vượt mặt" ông trong việc mời Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố, nhưng sự kiện Marawi đã cho ra một "kết luận lại" về tính ưu việt của Mỹ trong kiến trúc quốc phòng của Manila và sự "bột phát" của Tổng thống đối với việc gia nhập lực lượng Trung Quốc.
Trong chuyện này, không phải Trung Quốc đang "nín thở" theo dõi.
Giáo sư Zha Daojiong từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Đại học Bắc Kinh bình luận:
"Trung Quốc không hề có ảo tưởng rằng Manila sẽ lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington.
Tuy nhiên ngôn ngữ đầy màu sắc của ông Rodrigo Duterte chỉ cho thấy ông muốn quan hệ giữa nước mình với Hoa Kỳ 'ngắn hơn dây rốn'.".
Trên thực tế sự kiện Marawi có thể có lợi một chút cho Trung Quốc.
Vài ngày trước khi tuyên bố thiết quân luật tại Mindanao sau cuộc bao vây Marawi, truyền thông Philippines bị chi phối bởi tuyên bố của ông Rodrigo Duterte:
Trung Quốc rất khó để phản ứng với phát biểu này của ông Rodrigo Duterte.
Thừa nhận sẽ làm cho công chúng Philippines tức giận, mà phủ nhận thì sẽ ngụ ý rằng ông Rodrigo Duterte nói dối.
Vì vậy ngay cả khi muốn công khai, tất cả những gì Trung Quốc có thể làm là im lặng, với hy vọng có một "cơn bão" sẽ thổi bay nó.
"Cơn bão" đó chính là sự kiện Marawi.
Nhưng quan sát ở tầm chiến lược, Giáo sư Jay Batongbacal cho rằng:
Philippines và Việt Nam trước cạm bẫy "gác tranh chấp, cùng khai thác" |
"Vai trò tích cực của Hoa Kỳ tại Marawi cũng làm giảm kỳ vọng của Bắc Kinh về việc biến Philippines trở thành "bạn bè tốt vĩnh viễn" mới của họ.".
Về chiến lược "xoay trục qua Trung Quốc" của Tổng thống Rodrigo Duterte, Naval đồng ý với Batongbacal rằng, không bao giờ điều này trở thành sự thật.
Tất cả chỉ là sự bốc đồng.
Ngay cả khi thực sự có hoạt động sắp xếp lại dần dần, Trung Quốc cũng không mong đợi, bởi sự phục sinh của Mỹ trong cơ cấu quyền lực Philippines để thay đổi hoàn toàn xu hướng đó.
Zha Daojiong thì nhận định:
"Hoa Kỳ có nguy cơ bị hạ thấp trong mắt Philippines và rộng hơn là trong khu vực, nếu Washington muốn Manila chống lại Bắc Kinh từ điểm này, xem như một khoản "hoàn vốn" cho vai trò của Mỹ ở Marawi.
Đó sẽ là một hình thức khác của bắt cóc con tin.". [1]
Cá nhân người viết cho rằng, Trung - Mỹ tranh giành ảnh hưởng trên Biển Đông và với các nước ASEAN, đặc biệt là 4 thành viên có yêu sách ở Biển Đông là sự thật.
Vì muốn tranh giành ảnh hưởng, nên cả Washington và Bắc Kinh đều tìm cách kéo Manila về phía mình.
Trong thế kẹt ấy, việc Tổng thống Rodrigo Duterte phải tìm cách "gỡ" quốc gia mình khỏi nanh vuốt siêu cường, là điều dễ hiểu.
Người tiền nhiệm Benigno Aquino III đã hoàn thành sứ mệnh với thắng lợi vẻ vang của Phán quyết Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông.
Mặt trái của thắng lợi này chính là sự xuống dốc không phanh trong quan hệ với Trung Quốc.
Philippines thì không thể một mình đương đầu với nước lớn phương Bắc.
Qua vụ mất quyền kiểm soát Scarborough năm 2012, Manila cũng hiểu được rằng:
Người Mỹ không thể hy sinh xương máu của họ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Philippines yêu sách ở Biển Đông.
Cái Philippines cũng như các nước nhỏ khác ven Biển Đông có thể làm lúc này, đó là giữ nguyên hiện trạng, cho dù nó đã bị thay đổi không nhỏ bởi sự bành trướng từ Trung Quốc, đặc biệt là đảo hóa và quân sự hóa 7 cấu trúc ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Muốn làm được điều đó, không có cách nào khác ngoài việc kéo Trung Quốc lại, chứ không phải đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu.
Ông Rodrigo Duterte đã phải gánh trọng trách "nói khác đi, làm khác đi" so với người tiền nhiệm.
Trong "quan hệ tay ba" này, cả Washington, Bắc Kinh và Manila đều không lạ gì ý đồ của nhau, bất chấp những hùng biện nhiều khi rất khó nghe từ ông chủ Điện Manacanang.
Tuyên bố "bỏ Mỹ" không đồng nghĩa với việc 2 đồng minh hiệp ước này "nói lời chia tay.
Bắc Kinh cũng không ảo tưởng vào điều này, nhưng nó có lợi cho họ hơn là Philippines quay trở lại thành một tiền đồn quân sự của Mỹ ở Biển Đông.
Tư duy mới của tân chính phủ Hoa Kỳ cũng không còn dựa vào những tiền đồn hao người tốn của như thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Donald Trump đang tìm cách thúc đẩy các nước đồng minh lẫn đối tác "tự chịu trách nhiệm với an ninh của mình và chi trả nhiều hơn cho nó".
Nói cách khác, Mỹ đang giữ vai trò điều phối bàn cờ chiến lược, thay vì làm tất.
Philippines hiện có nhiều vấn đề đối nội phải tập trung giải quyết để giữ hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh.
Bất cứ một sự leo thang căng thẳng nào về đối ngoại lúc này đều sẽ làm gia tăng thiệt hại cho chính Philippines.
Vì thế cá nhân người viết cho rằng, có thể hiểu tại sao Tổng thống Rodrigo Duterte nói và làm không giống ai, mà dân Philippines lại bầu ông ấy.
Và cá nhân người viết cho rằng, thực tế Philippines không tồn tại một chính sách "xoay trục sang Trung Quốc".
Điện Manacanang, Trung Nam Hải và Nhà Trắng đều hiểu rõ điều này.
Tài liệu tham khảo: