Tờ Rappler, Philippines ngày 3/5 đưa tin, cùng ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về Biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên. [1]
Cuộc điện đàm giữa Trung Nam Hải với Manacanang kéo dài khoảng 26 phút diễn ra chiều hôm qua.
Bản tin trên Tân Hoa Xã nói rằng, trong cuộc điện đàm này ông Tập Cận Bình đã nói về một kênh đối thoại và tham vấn lẫn nhau về Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo cũng "trao đổi ý kiến về bán đảo Triều Tiên". [2]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nói rằng, ông Duterte đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình trên bán đảo trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte điện đàm với ông Tập Cận Bình chiều qua, ảnh: Điện Manacanang / Rappler. |
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai 1/5, ông Duterte nói với báo giới:
"Cơ hội lớn nhất của chúng ta để có một số cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ có được thông qua sự can thiệp của Trung Quốc".
Chủ nhân Điện Manacanang cũng chia sẻ với người đứng đầu Trung Nam Hải về kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN vừa kết thúc hôm 29/4 tại Manila.
Cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Rodrigo Duterte diễn ra chỉ 4 ngày sau cuộc gọi điện giữa Nhà Trắng và Manacanang để ông Trump thảo luận với ông Duterte về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Philippines nói với báo giới trước lúc nói chuyện với ông Donald Trump rằng, ông sẽ đề nghị Tổng thống Mỹ "thể hiện sự kiềm chế" trên bán đảo Triều Tiên, bởi Đông Nam Á có thể gánh hậu quả vì nằm trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng. [1]
Sự thực dụng của Donald Trump
Điện đàm giữa ông Donald Trump với ông Rodrigo Duterte diễn ra vào tối khuya hôm thứ Bảy, 23 giờ, giờ Manila.
Trong cuộc gọi này, ông Trump được cho là đã ca ngợi chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Duterte: "Việc ngài đang làm rất đúng!" Tổng thống Philippines dẫn lời chủ nhân Nhà Trắng nói với mình qua điện thoại.
Ông chủ Điện Manacanang mô tả người đồng cấp Hoa Kỳ là "nhà tư tưởng sâu sắc", trái ngược hoàn toàn với những lời chỉ trích cay nghiệt nhằm vào cựu Tổng thống Barack Obama. [3]
Bình luận về cuộc điện đàm giữa Donald Trump với Rodrigo Duterte, nhà báo Josh Rogin của tờ The Washington Post ngày 3/5 cho biết:
Cộng đồng các chuyên gia về châu Á ở Washington đã thực sự bị sốc trước tuyên bố chính thức của Nhà Trắng về cuộc điện đàm hôm 29/4 giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Philippines.
Ông Donald Trump không chỉ mời ông Duterte tới Nhà Trắng, mà còn ca ngợi chính sách chống ma túy của Điện Manacanang vốn đang bị các tổ chức nhân quyền phương Tây chỉ trích.
Trung - Mỹ bắt tay ép Bình Nhưỡng và những phản ứng "lạ" từ Triều Tiên |
Cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus lẫn Thư ký báo chí Sean Spicer đều tuyên bố rằng, cuộc điện đàm này là cần thiết, vì Mỹ phải tranh thủ Philippines trong nỗ lực cô lập Bắc Triều Tiên.
Nhận định về cuộc gọi này, học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng:
"Đây là một động thái khôn ngoan để cố gắng tìm ra cách sửa chữa mối quan hệ với Manila. Thay vì đặt các lĩnh vực bất đồng lên trên, việc này cho phép làm mới lại mối liên hệ".
Tuy nhiên, cựu chuyên gia đàm phán về hạt nhân Triều Tiên Joel Wit lại cho rằng, thực sự không có liên hệ nào giữa những nỗ lực của Philippines và Mỹ để đối đầu với ông Kim Jong-un.
Không có bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của Manila trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên có bất kỳ ý nghĩa quan trọng nào. [4]
Cơ hội cho ông Rodirog Duterte và các nước nhỏ ven Biển Đông
Cá nhân người viết cho rằng, mặc dù Trung Nam Hải, Điện Manacanang và Nhà Trắng không tiết lộ cụ thể nội dung 2 cuộc điện đàm giữa lãnh đạo 2 siêu cường với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhưng điều này cũng nói lên nhiều vấn đề.
Thứ nhất, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi trọng vai trò của ASEAN trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng về đối ngoại, truyền thông để họ từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân.
Cả hai đều tranh thủ gây ảnh hưởng lên ông Rodrigo Duterte với tư cách Tổng thống nước Chủ tịch ASEAN năm 2017.
Và như vậy, ASEAN càng đoàn kết trong các vấn đề an ninh khu vực, tiếng nói của khối sẽ càng có trọng lượng.
Rõ ràng đây là một cơ hội tốt cho ông Rodrigo Duterte trong việc lôi kéo 2 siêu cường này để phục vụ cho những tính toán, tối đa hóa lợi ích cho Philippines trong quan hệ đối ngoại, khi quốc gia này giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017.
Ngoài ra, 2 cuộc điện đàm này diễn ra có lẽ ít nhiều chịu tác động bởi việc Ngoại trưởng Triều Tiên gửi thư cho Tổng thư ký ASEAN hôm 8/4.
Trung - Mỹ và phương án "thay" lãnh đạo Triều Tiên |
Trong thư này Bình Nhưỡng kêu gọi, các nước Đông Nam Á "có đánh giá công bằng", đưa các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn (mà theo Bình Nhưỡng là đe dọa an ninh Triều Tiên) ra các cuộc họp của ASEAN. [5]
Điều này cho thấy, không chỉ Mỹ - Trung coi trọng ASEAN, mà ngay cả Triều Tiên cũng đang đặt nhiều hy vọng vào một "tiếng nói công bằng" từ các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ hai, việc Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc điện đàm với Tổng thống Philippines về Triều Tiên, Biển Đông cho thấy tính thực dụng ngày càng rõ rệt trong quan hệ quốc tế và ông Rodrigo Duterte đã tận dụng tối đa cơ hội này.
Hòa bình và ổn định trên Biển Đông phụ thuộc chủ yếu vào cán cân lực lượng, chính sách và tham vọng, toan tính của 2 siêu cường Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát huy được vai trò chủ thể của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, kéo 2 siêu cường này ngồi vào bàn nói chuyện là đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Lựa chọn và quyết sách của ông Duterte đang góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn chiến tranh, không để xảy ra xung đột quân sự trên Biển Đông, bởi nếu xảy ra, phần thiệt thòi gần như sẽ thuộc về các nước nhỏ.
Thứ ba, người viết cho rằng luật pháp quốc tế sẽ luôn là nền tảng để những nhà lãnh đạo như Tổng thống Rodrigo Duterte hợp tác và đấu tranh với các siêu cường một cách khôn khéo.
Vì vậy, ngoài việc kêu gọi các bên kiềm chế, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nước Chủ tịch ASEAN và các thành viên của khối cũng nên cân nhắc kỹ lợi ích và vị thế bình đẳng của Triều Tiên trong đàm phán.
Bởi lẽ các siêu cường luôn luôn theo đuổi "tiêu chuẩn kép" trong quan hệ quốc tế, tức cái gì có lợi cho họ thì "đúng", cái gì bất lợi với họ thì "sai". Đó là cách họ vẫn tự giải thích luật pháp quốc tế theo ý mình.
Bất chấp các nguyên tắc bình đẳng giữa các thành viên Liên Hợp Quốc được ghi rõ trong Hiến chương, từ khi thành lập tổ chức này đến nay, các nước lớn vẫn tự cho mình cái quyền "bình đẳng nhưng ngồi mâm trên" so với các thành viên khác của Liên Hợp Quốc.
Mỹ - Trung - Nga muốn Triều Tiên bỏ vũ khí hạt nhân trước, ngồi vào bàn đàm phán sau, trong khi cả 3 siêu cường này đều sở hữu và có xu hướng gia cố kho vũ khí hạt nhân của họ.
Rõ ràng điều này là bất công, vô lý.
Nếu bỏ qua thực tế này, vì lợi ích nào đó trước mắt mà chấp nhận làm cánh tay nối dài cho vài con "cá lớn" để đe dọa một con "cá bé" thân cô thế cô, khi xử lý xong Bắc Triều Tiên thì sớm muộn rồi cũng sẽ đến lượt các nước nhỏ ở Đông Nam Á.
Vì vậy, thiết nghĩ để có thể hạ nhiệt căng thẳng và tạo môi trường cho các cuộc đàm phán, ASEAN nên kêu gọi Bình Nhưỡng cần hạn chế cuộc chiến dư luận bằng sử dụng những tuyên bố công kích, đe dọa đối phương, không thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa đạn đạo.
Đồng thời các nước Đông Nam Á, đặc biệt là nước Chủ tịch ASEAN nên kêu gọi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc hạn chế dùng sức ép quân sự - kinh tế thương mại, mà xem Bình Nhưỡng như một đối tác bình đẳng, tạo dựng lòng tin để có thể ngồi xuống nói chuyện.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.rappler.com/nation/168771-duterte-xi-jinping-phone-call
[2]http://news.xinhuanet.com/english/2017-05/03/c_136254224.htm
[3]http://www.rappler.com/nation/168379-trump-call-duterte-asean-summit
[5]http://www.kcna.kp/kcna.user.article.retrieveNewsViewInfoList.kcmsf#this