Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là triển khai chương trình đầu tư kiên cố hoá trường học, xoá phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%.
Tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ còn khiêm tốn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, do địa hình phức tạp bị chia cắt bởi nhiều dãy núi và sông suối, hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tỉnh Tuyên Quang phải duy trì nhiều trường và điểm trường lẻ nhiều hơn so với các địa phương khác.
Việc đầu tư xây dựng cho hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh cũng tốn kém nhiều hơn, vì phải san đồi, bạt núi, xây cầu qua sông, qua suối liên tiếp, mới đảm bảo được việc đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông thuận tiện.
Thêm vào đó, kinh phí cân đối bố trí cho đầu tư công chưa thể đáp ứng so với nhu cầu, dẫn tới, việc đầu tư xây dựng cho các lĩnh vực phải san sẻ ra để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng từng lĩnh vực. Do vậy, lĩnh vực giáo dục chưa đủ nguồn lực để có thể đạt được tỉ lệ 100% kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ giáo viên.
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 480 trường mầm non, phổ thông công lập và phải duy trì 1.193 điểm trường lẻ.
Để thực hiện đầu tư xây dựng có trọng điểm, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp của tỉnh, đồng thời gắn với thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh tuyên Quang, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…, Sở đã phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện 01 đề án và 01 kế hoạch về sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
Đến thời điểm hiện tại (2024) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 456 trường mầm non, phổ thông công lập (giảm 29 trường công lập so với năm 2016); duy trì 687 điểm trường lẻ (giảm 506 điểm trường lẻ so với năm 2016).
Cụ thể, mầm non có 152 trường; tiểu học có 121 trường; trung học cơ sở có 109 trường; tiểu học và trung học cơ sở có 39 trường; trung học phổ thông có 35 trường. Toàn tỉnh có 687 điểm trường lẻ, trong đó: mầm non (434), tiểu học (250), trung học cơ sở (3).
Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang nhận định, việc sắp xếp tinh gọn lại hệ thống trường, lớp học là giải pháp cơ bản giúp cho việc kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ được tập trung, thuận lợi hơn, phù hợp cả về nguồn lực đầu tư, việc tinh giản biên chế, việc tập trung học sinh để nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học.
Vị Giám đốc Sở cho biết, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để đầu tư xây dựng mới, xây dựng bổ sung các khối công trình cho các trường học.
Mặc dù các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, trong đó có Tuyên Quang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ nguồn lực vốn ngân sách Trung ương cùng với nguồn lực đầu tư được cân đối từ ngân sách địa phương, thế nhưng nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế. Theo đó, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ vẫn còn khiêm tốn, cụ thể:
Tổng số phòng học hiện có của Tuyên Quang là 7.531 trong đó phòng kiên cố chiếm 66,4%; phòng bán kiên cố chiếm 27%; phòng mượn, tạm chiếm 6,6 %.
Tổng số phòng học bộ môn, đa chức năng hiện có 1.149 phòng, trong đó phòng kiên cố chiếm 72,6%; phòng bán kiên cố chiếm 22,5%; phòng tạm chiếm 4,9 %.
Tổng số nhà công vụ giáo viên hiện có 630 phòng, trong đó loại kiên cố chiếm 19,2%; loại bán kiên cố chiếm 71,1%; loại tạm chiếm 9,7%.
Còn tại Bắc Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 761 cơ sở giáo dục gồm: 252 trường mầm non (231 trường công lập và 21 trường tư thục); 220 trường tiểu học; 209 trường trung học cơ sở; 22 trường tiểu học - trung học cơ sở; 49 trường trung học phổ thông (trong đó 37 trường công lập, 12 trường tư thục), 08 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ - tin học tỉnh.
Tổng diện tích đất các trường công lập và tư thục là 695,258 ha, trong đó có 957 điểm trường đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 248 điểm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm tỉ lệ 20,58%). Có 14.946 phòng học, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 96,4%; 4.093 phòng học bộ môn; 149 nhà đa năng; 4.449 phòng hành chính quản trị; 2.931 phòng hỗ trợ học tập; 2.805 phòng phụ trợ; 742 phòng phục vụ sinh hoạt.
Tương tự những khó khăn chung của các tỉnh miền núi, các trường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đầy trăn trở trước nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ.
Thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho hay: “Trong năm qua, nhà trường đã tập trung tu sửa cơ sở vật chất, thực hiện tốt chủ trương kiên cố hóa trường lớp học, để vừa mang lại môi trường học tập tốt hơn cho học sinh vừa nâng cao chất lượng dạy và học. Nhà trường luôn cố gắng tạo cảnh quan sạch đẹp, với diện tích toàn trường là 12.925m2, có 16 phòng học đảm bảo diện tích, 6 phòng học chức năng (các phòng thực hành máy tính, phòng học bộ môn và nhà đa năng); trang thiết bị dạy học được đầu tư tương đối đầy đủ và hiện đại; cải tạo khuôn viên trường học hòa hợp thiên nhiên.
Nhờ được địa phương luôn quan tâm, ưu tiên, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện, nên cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng kiên cố, khang trang, đảm bảo cảnh quan sư phạm; đặc biệt góp phần quan trọng trong việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đây cũng là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng giáo dục trên địa tỉnh miền núi khó khăn như Bắc Kạn”.
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Hưng, thời gian qua, nguồn kinh phí để Tuyên Quang thực hiện việc kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ chủ yếu đến từ nguồn lực chính là ngân sách Trung ương được lồng ghép từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới); và nguồn từ nguồn ngân sách địa phương của tỉnh, của huyện.
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường huy động xã hội hoá giáo dục. Tuyên Quang đã thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục vào việc kiên cố hoá trường lớp, nhà công vụ thông qua việc tích cực kêu gọi sự hảo tâm, đóng góp của nhân dân, của các cá nhân, tổ chức; tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập - đây là một giải pháp căn cơ để vừa thực hiện được việc xã hội hoá giáo dục, vừa giải quyết được vấn đề cần tinh giản biên chế trong bộ máy giáo dục công lập.
Kết quả đạt được từ việc xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh là có 5 trường ngoài công lập, 53 cơ sở mầm non dân lập, và tất cả các cơ sở tư thục này đều có phòng học, phòng chức năng kiên cố hóa đảm bảo an toàn”.
Vị Giám đốc Sở cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa kiên cố hóa hoàn toàn các trường lớp, nhà công vụ kéo theo sự ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng dạy và học. Thực tế tại tỉnh Tuyên Quang, các phòng học, phòng thực hành, phòng chức năng,.. được xây dựng từ rất lâu, đang là phòng bán kiên cố, phòng tạm, hiện nhiều phòng đã xuống cấp cần phải phá bỏ trong thời gian tới, nếu không được xây dựng bổ sung sẽ dẫn tới thiếu hụt so với nhu cầu.
Đa số các phòng này có diện tích khá chật chội, không có đủ không gian để bố trí hệ thống bàn, tủ, thiết bị thực hành làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Bên cạnh đó, nhà công vụ giáo viên ở những nơi vùng sâu, vùng xa còn thiếu, hoặc xuống cấp gây ra khó khăn trong sinh hoạt và chưa tạo được sự ổn định chỗ ăn, ở cho thầy cô để yên tâm công tác.
Song, điều kiện kinh tế - xã hội tại tỉnh Tuyên Quang còn hạn chế, ngân sách chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu đầu tư xây dựng tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư thiếu đồng bộ do quy hoạch xây dựng chưa được quan tâm sâu sắc
Thạc sĩ Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, Sở đã triển khai và huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh.
“Xác định nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất trường học và xây dựng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp hàng năm và từng giai đoạn.
Ưu tiên nhất việc bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, thu hút đầu tư phát triển các trường mầm non, phổ thông tư thục trên địa bàn, giảm áp lực cho công lập; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất một số huyện có khó khăn về nguồn thu ngân sách trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất lớn” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang thông tin.
Với công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ tại Bắc Giang đạt 96,4% (cao hơn 14,2% so với trung bình cả nước); tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non đạt 94,4% (cao hơn 39,2% so với trung bình cả nước), tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc phổ thông 94,4% (cao hơn 36% so với trung bình cả nước).
Dưới đây là một số số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang cung cấp (năm học 2023-2024):
Tuy nhiên, để thực hiện đề án kiên cố hóa hoàn toàn trường lớp và nhà công vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng đứng trước những khó khăn như:
Sự gia tăng dân số kéo theo tăng quy mô học sinh trên địa bàn tỉnh. Tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, phổ thông có nhiều thay đổi, tiêu chí đạt chuẩn cao hơn so với quy định cũ. Việc mở rộng diện tích khó khăn do Thông tư số 01/2017/TT-BTNMT ngày 09/02/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có các quy định khác nhau về diện tích đất dành cho xây dựng cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng các trường học chưa được quan tâm sâu sắc dẫn đến nhiều trường, điểm trường đầu tư thiếu đồng bộ (nhiều trường, điểm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở diện tích nhỏ, không đủ diện tích đất để xây dựng phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, sân tập thể thao riêng biệt cho từng bộ môn để dồn điểm lẻ về điểm chính, tăng quy mô và nâng chuẩn mức độ 2) gây lãng phí ngân sách đầu tư xây dựng.
Đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa. Đối với khối trung học phổ thông, Trường Trung học phổ thông Ngô Sỹ Liên, Thái Thuận, Hiệp Hòa số 1, Lạng Giang số 3 có diện tích trường nhỏ, không còn quỹ đất để xây dựng.
Đặc biệt, khối trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên do tăng quy mô và kết hợp học văn hoá với học nghề nên thiếu trầm trọng phòng học văn hoá, học nghề và xưởng thực hành, song, không có quỹ đất để xây dựng.
Nhiều trường, điểm trường ở 10 huyện, thị xã, thành phố chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (197 điểm trường mầm non, 28 điểm trường tiểu học, 23 điểm trường trung học cơ sở, 03 trường trung học phổ thông), nhiều nhất huyện Lục Ngạn (63 điểm trường), Hiệp Hòa (55 điểm trường), thị xã Việt Yên (42 điểm trường), thành phố Bắc Giang (22 điểm trường).
Một số trường chưa đủ 01 phòng học/lớp. Nhiều trường phòng học, phòng bộ môn được xây dựng từ nhiều năm trước nên diện tích nhỏ không phù hợp với hiện tại, như khối trung học phổ thông có 402 phòng diện tích nhỏ hơn 52m2; đặc biệt có 15.025 phòng có diện tích từ 46-50m2, được xây dựng từ năm 1963 đến trước năm 2000.
Đề xuất Chính phủ xem xét thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ ở cấp Trung ương
Đứng trước những khó khăn thực tiễn tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đưa ra 3 giải pháp trọng điểm:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp: huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại, đồng bộ, chuẩn hóa và đáp ứng các điều kiện trường chuẩn quốc gia mức độ 2 để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường hoạt động của các hội đồng giáo dục, hội khuyến học, các đoàn thể trong và ngoài nhà trường nhằm tạo thêm nguồn lực phát triển giáo dục.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giúp nhân dân hiểu rõ những chủ trương đổi mới, những nỗ lực của các cấp, các ngành, tăng cường sự phản biện nhân dân từ đó kịp thời điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Hằng năm, tỉnh phát động phòng trào “toàn dân chung tay xây dựng trường mầm non, trường phổ thông, trung tâm”; tổ chức tôn vinh cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc xây dựng trường học như hiến đất, ủng hộ đầu tư xây dựng cơ sở vật. Tăng cường tuyên truyền các tổ chức, cá nhân về chính sách, pháp luật, cơ chế, điều kiện đất đai, quy hoạch,... để thu hút đầu tư, phát triển hệ thống trường tư thục, giảm áp lực cho công lập.
Thứ ba, bảo đảm quỹ đất cho việc triển khai thực hiện bao gồm: rà duyệt, bổ sung diện tích đất mở rộng cho các trường mầm non, phổ thông chưa có trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; với các trường đã có trong quy hoạch thì triển khai thực hiện, bảo đảm đủ diện tích đất để xây dựng bổ sung các hạng mục công trình như phòng học, phòng bộ môn, nhà đa năng, sân chơi,.. đạt chuẩn về diện tích đất theo quy định của trường chuẩn quốc gia. Việc mở rộng diện tích đất và quy hoạch xây dựng cho các cơ sở giáo dục phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Đối với các trường xây mới, trường mở rộng diện tích đất để xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, các hạng mục phụ trợ, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu tương lai để làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.
Đặc biệt, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 100% các cơ sở giáo dục (kể cả điểm chính và điểm lẻ).
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, vị Giám đốc Sở bày tỏ: “Sở mong muốn trong giai đoạn đầu tư công 2026-2030 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tham mưu cho Chính phủ thực hiện đề án “Kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên ở phạm vi toàn quốc” với mục tiêu của đề án là: Xóa bỏ toàn bộ các phòng bán kiên cố, phòng học tạm để đảm bảo cho các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn cơ sở vật chất theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Trong giai đoạn tới, giai đoạn đầu tư công 2026-2030, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang sẽ phối hợp cùng với các huyện, thành phố để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch đầu tư công đối với lĩnh vực giáo dục trên địa bàn, phấn đấu xóa bỏ toàn bộ các phòng tạm, phòng bán kiên cố, hướng đến mục tiêu: Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia cấp mầm non trên 65%, cấp tiểu học và trung học cơ sở trên 83%, cấp trung học phổ thông trên 60% (Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra tại Chương trình hành động số 23/CTr/TU ngày 17/8/2022 để thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Tiến sĩ Vũ Đình Hưng nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu về kiên cố hoá trường lớp đã đặt ra đến năm 2030 tại tỉnh Tuyên Quang cũng như tại các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Sở đề xuất với Chính phủ xem xét việc thực hiện kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ giáo viên trong giai đoạn đầu tư công 2026-2030 ở cấp độ Trung ương, có như vậy thì mới đảm bảo nguồn lực và mục tiêu đặt ra.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy định chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục được quy định tại Điều 103, Luật Giáo dục 2019; để các tỉnh có cơ sở pháp lý triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xã hội hóa giáo dục”.
Bắc Giang dự kiến chi khoảng 28.478 tỷ đồng cho kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ
Trao đổi về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập giai đoạn 2026-2030, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang cho biết, với 186,7 ha diện tích đất, bổ sung các trường công lập và tư thục: Xây dựng thêm 4.249 phòng học; 2.804 phòng học bộ môn; 270 xưởng học nghề; 289 nhà đa năng; 1.863 phòng hành chính quản trị; 1.727 phòng hỗ trợ học tập; 1.887 phòng phụ trợ; 1.379 phòng phục vụ sinh hoạt.
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu xây dựng các hạng mục công trình như trên, tổng kinh phí dự tính khoảng 28.478 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách cấp huyện, cấp xã, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn khác là 25.310 tỷ đồng (mầm non: 8.708 tỷ đồng, tiểu học: 8.489 tỷ đồng, trung học cơ sở: 8.113 tỷ đồng); ngân sách cấp tỉnh, Trung ương, nguồn vốn khác là 3.168 tỷ đồng (trung học phổ thông: 2.102 tỷ đồng; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: 1.066 tỷ đồng).