Kiến nghị xem xét lại cách tính thời gian giữ hạng của 300 GV Hà Nội có khả thi?

03/08/2023 06:44
Hoài Thanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết cho rằng khó để có lý do thuyết phục để giảm thời gian giữ hạng (thời gian có trình độ đại học) là 9 năm để thi, xét thăng hạng lên hạng II.

Mới đây, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội nộp đơn kiến nghị về quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

Có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn "hụt" vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023.

Với quy định này, nhiều giáo viên đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Các giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chỉnh Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, chỉ yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Cục đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn các địa phương, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên. Dự kiến đầu tuần tới sẽ phát hành văn bản này để các địa phương có cơ sở thực hiện và thầy, cô giáo yên tâm công tác. [1]

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhìn lại quy định giữ hạng để thi, xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ năm 2021

Kiến nghị của giáo viên Hà Nội chủ yếu là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đang được xếp ở hạng III mới (hệ số lương 2,34-4,98) kiến nghị giảm thời gian giữ hạng để được xét thăng hạng lên hạng II (có hệ số lương 4,0-6,38).

Thông tư 02,03/2021/TT-BGDĐT Thông tư bổ nhiệm giáo viên tiểu học, trung học cơ sở quy định về thời gian giữ hạng để được bổ nhiệm, thi (xét) thăng hạng từ hạng III lên hạng II như sau:

Đối với giáo viên tiểu học: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương (có hệ số lương 2,34- 4,98) từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương (có hệ số lương 2,34- 4,98) đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và sau đó ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (hiện nay đã có Văn bản hợp nhất, đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở là VBHN 09,10/VBHN-BGDĐT) thì thời gian giữ hạng để được thăng hạng từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở quy định như sau:

Đối với giáo viên tiểu học: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) (hệ số lương 2,34-4,98) hoặc tương đương gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học (mã số 15.114) (hệ số lương 1,86-4,06) hoặc giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) hoặc giữ ngạch giáo viên tiểu học chính (mã số 15a.204) (hệ số lương 2,1-4,89) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019.

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) (hệ số lương 2,34-4,98) hoặc tương đương được xác định gồm: Thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) hoặc giữ ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202) (hệ số lương 2,1-4.89) được xác định là tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) từ thời điểm giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019.

Thông tư 02,03/2021 quy định thời gian giữ hạng để được thăng hạng từ hạng III mới lên II mới ít nhất phải có 9 năm hưởng lương có hệ số lương 2,34-4,98, không kể thời gian tập sự.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT được ký ban hành ngày 14/4, trong đó quy định thời gian giữ hạng để thi, xét từ hạng III lên hạng II là 9 năm kể từ ngày có trình độ đại học theo Luật Giáo dục 2019, tức Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã mở rộng cơ hội thi, xét thăng hạng giáo viên có lợi rất nhiều so với Thông tư 02,03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kiến nghị của 300 giáo viên Hà Nội liệu có khả thi?

Trong đơn, 300 giáo viên Hà Nội có kiến nghị chỉ yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

Theo quan điểm người viết, kiến nghị của những giáo viên Hà Nội còn nhiều điểm chưa khả thi, khó thành hiện thực với các lý do sau đây:

Thứ nhất, những giáo viên trên đã hưởng lương đúng trình độ đào tạo

Những giáo viên ký đơn kiến nghị được giảm thời gian giữ hạng (thời gian có trình độ đại học) hiện nay là 9 năm để họ được nộp hồ sơ xét thăng hạng lên hạng II có hệ số lương 4,0-6,38, vậy những giáo viên này đang ở hạng III mới đã hưởng lương có trình độ đại học có hệ số lương 2,34-4,98 là đúng trình độ đào tạo, đã được chuyển xếp lương đúng quy định.

Nên nhớ rằng, mã số lương 4,0-6,38 (viên chức A2.2) có thể coi như ngạch giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cao cấp, là một trong số ít những người có thành tích tiêu biểu, nổi trội, xuất sắc và phải đảm bảo thời gian công tác, thời gian có trình độ đại học phù hợp.

Do đó, người viết cho rằng thời gian có trình độ đại học là 9 năm là thời gian tối thiểu để thi, xét thăng hạng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (đã được sự thống nhất của Bộ Nội vụ) là phù hợp quy định hiện hành.

Một giáo viên tiểu học khi tuyển dụng có trình độ trung cấp, tuy dạy 20 năm nhưng mới có bằng đại học năm 2020 là được 3 năm, đã được chuyển từ lương trung cấp (hệ số lương 1,86-4,06) sang lương đại học (hệ số lương 2,34-4,98) năm 2020, nay lại kiến nghị được xét thăng hạng lên hạng II có hệ số lương 4,0-6,38 là không phù hợp thực tiễn.

Đối với giáo viên trung học cơ sở cũng tương tự, giả sử dạy năm 2005 có trình độ cao đẳng (hưởng lương 2,1-4,89), đến nay gần 20 năm nhưng mới có trình độ đại học 2021 được chuyển lương hạng III năm 2021 (hệ số lương 2,34-4,98), nay lại kiến nghị được xét thăng hạng lên hạng II có hệ số lương 4,0 -6,38 là không phù hợp.

Nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ đại học hưởng lương trung cấp là những người thiệt thòi nhất, và những giáo viên mầm non, trung học phổ thông chuyển xếp lương hầu như không được lợi gì là những lực lượng chịu nhiều thiệt thòi, cần được quan tâm hơn.

Thứ hai, nếu kiến nghị của 300 giáo viên Hà Nội được đồng ý thì cũng nảy sinh nhiều tình huống.

Giả sử, kiến nghị của 300 giáo viên Hà Nội thành hiện thực thì sẽ xuất hiện các trường hợp bất hợp lý như sau:

Trường hợp 1: Giáo viên A, công tác ở tiểu học, tuyển dụng 2013 có trình độ trung cấp được xếp lương 1,86 (sau khi hết tập sự) vào năm 2014, đến năm 2016 lên hệ số 2,06, đến năm 2018 lên hệ số 2,26, đến năm 2020 lên hệ số 2,46 đến năm 2021 có trình độ đại học và được bổ nhiệm hạng III mới và chuyển xếp lương có hệ số 2,67 (thời gian nâng lương lần sau tính từ năm 2021), nếu tính 9 năm công tác để được xét thăng hạng, nếu trúng tuyển giáo viên này sẽ bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0. Trường hợp này là bất khả thi.

Trường hợp 2: Giáo viên B, công tác tại tiểu học, tuyển dụng 2004, trình độ trung cấp đến năm 2020 có hệ số lương 3,46, có bằng đại học 2020 và được chuyển xếp lương đại học có hệ số lương 3,66 năm 2021, nếu tính thời gian công tác là gần 20 năm nhưng mới có trình độ đại học 3 năm, khó hợp lý khi giáo viên này tiếp tục được xét thăng hạng lên hạng II.

Tôi cho rằng kiến nghị chỉ cần 1 năm có trình độ đại học để được thi, xét thăng hạng lên hạng II là không phù hợp thực tiễn.

Thực tế, việc xếp lương, chuyển xếp lương, bổ nhiệm, thăng hạng dù điều chỉnh như thế nào cũng khó làm vừa lòng giáo viên, kiểu gì cũng nảy sinh điều chưa hợp lý, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu bỏ chia hạng để trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtv.vn/giao-duc/bo-gddt-se-co-van-ban-go-kho-ve-tang-luong-cho-giao-vien-20230730230646544.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hoài Thanh