Kim Jong-un đã làm chủ được "Nghệ thuật đàm phán" của Donald Trump

05/05/2018 10:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Kim Jong-un suy nghĩ lớn, biết người biết ta và đang "chủ động dắt bóng", nhưng đàm phán có thành còn bởi 2 bên cùng thiện chí, tầm nhìn, hành động.

Năm 1987, ông Donald Trump đã đưa ra 11 lời khuyên cho các nhà đàm phán trong cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán". 

41 năm sau, vị tỉ phú này sắp trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiền ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tác giả Marc Champion ngày 3/5 đã bình luận trên trang Bloomberg, những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên cho đến nay là bằng chứng cho thấy, ông Kim Jong-un đã làm chủ được "Nghệ thuật đàm phán" mà đối tác của mình, ông Donald Trump giới thiệu từ 41 năm trước.

Dennis Rodman đã tặng ông Kim Jong-un một cuốn "Nghệ thuật đàm phán", ảnh: smithsdaily.com.
Dennis Rodman đã tặng ông Kim Jong-un một cuốn "Nghệ thuật đàm phán", ảnh: smithsdaily.com.

Ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman đã tặng ông Kim Jong-un một cuốn "Nghệ thuật đàm phán" của Donald Trump nhân dịp sinh nhật nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 2017.

Marc Champion tin rằng, ông Kim Jong-un đã áp dụng tốt lời khuyên của Donald Trump viết trong cuốn sách này khi chuẩn bị cho cuộc đàm phán sắp tới với người Mỹ.

Thứ nhất là "hãy suy nghĩ lớn"

Chính ông Kim Jong-un đã đề xuất một cuộc họp với Tổng thống Mỹ đầu năm nay với đề xuất loại bỏ các chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng thử tên lửa.

Cho đến nay, không ai biết chắc ông Kim Jong-un có thực sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và sẽ không lặp lại hay không, theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Có quan điểm cho rằng, mục đích thực sự của ông Kim Jong-un chỉ là chia rẽ Mỹ - Hàn - Nhật, đồng thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đang bóp nghẹt Triều Tiên;

Bởi gần như ông Kim Jong-un hành động rất ít ngoài một lệnh dừng các hoạt động thử hạt nhân "có thể không còn cần thiết".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một cú lội ngược dòng ngoạn mục trước công chúng của Kim Jong-un. Đàm phát trực tiếp Mỹ - Triều vốn là mục tiêu lâu dài của Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán bình đẳng với lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ là một chiến thắng chính trị, ngoại giao và đối nội quan trọng đối với ông Kim Jong-un sau cú "vượt biên" vua Vĩ tuyến 38 sang lãnh thổ Hàn Quốc hôm 27/4.

Kim Jong-un đã làm chủ được "Nghệ thuật đàm phán" của Donald Trump ảnh 2

Trung Quốc là "ngọn núi" hay "đống rơm", hãy hỏi Triều Tiên

Thứ hai là lời khuyên "phải hiểu thị trường của bạn"

"Thị trường" trong trường hợp này là Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump. Ông Kim Jong-un đã nhận ra rằng:

Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ dường như sẵn sàng hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trước đây, và có thể cả những nhân vật kế nhiệm sau này, sẵn sàng bỏ qua vấn đề nhân quyền cũng như cảnh báo của cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng.

Nhanh chóng tổ chức họp mà không có kịch bản kết quả, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một nỗ lực nâng cao vai trò của Bình Nhưỡng, nhất là với quá khứ "hai mặt" trong việc thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa hạt nhân, Marc Champion bình luận.

Daniel Sneider, một giảng viên nghiên cứu Đông Á tại Stanford cho biết, đã có 3 hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều từ thời Kim Dae-jung năm 2000, nhưng ông không tin sẽ dẫn đến phi hạt nhân hóa bán đảo.

Theo Marc Champion, ông Kim Jong-un đã áp dụng lời khuyên thứ 2 trong sách "Nghệ thuật đàm phán", trong đó Donald Trump khuyên các doanh nhân phải biết điều gì đối phương mong muốn.

Kim Jong-un đã khai thác tối đa mong muốn của Hoa Kỳ về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Năm ngoái, ông đã tăng sức mạnh đòn bẩy của mình bằng cách thúc đẩy một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân, đưa Bình Nhưỡng đến gần khả năng có thể hủy diệt Los Angeles hoặc New York.

Thời gian đứng về phía Kim Jong-un, khi ông mới ngoài 30 (và có thể cầm quyền suốt đời), trong khi Donald Trump đã 71 tuổi nhưng vẫn phải vượt qua thách thức bầu cử năm 2020 để tiếp tục tại vị, cũng như bảo đảm cho thắng lợi của Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử năm nay.

Donald Trump đã tăng đòn bẩy của mình, bằng cách gây áp lực với "nhà bảo trợ" của Triều Tiên - Trung Quốc - để thắt chặt bao vây, cấm vận.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: VOX / Getty.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: VOX / Getty.

Ông đã khiến cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên lo ngại rằng Mỹ có thể dùng quân sự với Triều Tiên do cá tính "không thể đoán trước", Donald Trump sử dụng tất cả các "cây gậy và củ cà rốt" có thể, vượt qua cả Barack Obama, George W. Bush.

Nhưng bây giờ "Kim Jong-un đã lấy được bóng từ chân Donald Trump và đang chủ động dẫn bóng", Mỹ không thể là bên chiến thắng lớn nhất từ thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Trong khi sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo có thể không bị đặt vấn đề, các cuộc tập trận quân sự chung mở rộng Mỹ - Hàn những năm qua có thể bị cắt xén, đó là mục tiêu quan trọng của cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên.

Còn Hàn Quốc sẽ tận hưởng triển vọng của dòng chảy kinh tế gia tăng qua biên giới, giảm thiểu nguy cơ đe dọa an ninh và cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí cả tiềm năng thống nhất hai miền sau này để trở thành quốc gia có kích thước tương đương nước Đức.

Nhật Bản có ít lý do để ăn mừng triển vọng này.

Tuy nhiên, theo Marc Champion, cơ hội Kim Jong-un từ bỏ thực sự khả năng phòng thủ hạt nhân sẽ rất mong manh khi nhìn vào gương Muammar al-Gaddafi.

Trong cuộc chơi này, ông Kim Jong-un đang được cho là sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất bởi chính áp lực bao vây cấm vận của Hoa Kỳ đã buộc ông phải mở đường đàm phán với Mỹ.

Bằng cách gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc và nâng cao triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo, ông Kim Jong-un đã cho thấy một chiến thuật khôn ngoan trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán của ông với Donald Trump. [1]

Một bàn tay vỗ không nên tiếng

Kim Jong-un đã làm chủ được "Nghệ thuật đàm phán" của Donald Trump ảnh 4

Vai diễn nguyên thủ thay đổi, lợi ích quốc gia bất biến

Chúng tôi cho rằng Marc Champion đã khá tinh tế với nhận định, ông Kim Jong-un "có suy nghĩ lớn" / "biết nghĩ lớn", đồng thời lại "biết địch biết ta" mới có thể chủ động "lấy bóng" từ Donald Trump và tiếp tục "dẫn bóng".

Việc thiếu lòng tin hoặc vẫn hoài nghi tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo để đổi lấy hòa bình, an ninh và phát triển của ông Kim Jong-un là do "lịch sử để lại", cần có thời gian, thiện chí, nỗ lực và kết quả cụ thể mới có thể xóa bỏ những nghi kị.

Tuy nhiên, từ bình luận của tác giả Marc Champion cùng không ít nhà quan sát quốc tế, chúng tôi nhận thấy tư duy "cá lớn nuốt cá bé" vẫn lẩn khuất đâu đó.

Công bằng và bình đẳng là mục tiêu, lý tưởng của loài người được cụ thể hóa trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc. 

Nhưng trong quan điểm của tác giả Marc Champion và một số nhà quan sát, Mỹ mặc nhiên phải được ngồi cửa trên, còn Triều Tiên phải ngồi chiếu dưới.

Đàm phán công bằng là 2 bên cùng nhân nhượng trên cơ sở nguyên tắc đã thỏa thuận, cùng có lợi, cùng chiến thắng, chứ không thể một bên thắng lớn, còn bên kia thế nào thì không cần quan tâm.

Vì vậy, suy nghĩ lớn, biết địch biết ta và các đường đi nước bước "dẫn bóng" của ông Kim Jong-un dường như đang bị nhìn nhận ở góc độ "khôn ngoan" nhiều hơn là thiện chí.

Trong khi hòa bình, an ninh và phát triển là mục đích, mong mỏi của bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các nước từng là, đang là nạn nhân tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường.

Chúng tôi không tin rằng chỉ có mỗi ông Kim Jong-un mới nghĩ lớn làm lớn, biết người biết ta, mà cả ông Donald Trump, ông Moon Jae-in cũng vậy.

Chúng tôi không tin chỉ có mình ông Kim Jong-un "thắng lớn" nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công.

Một bàn tay vỗ không nên tiếng, đàm phán không thành nếu chỉ một phía nhượng bộ.

Rất may cả ông Kim Jong-un, Moon Jae-in và ông Donald Trump có lẽ đều rất hiểu điều này, và lựa chọn những ứng xử và bước đi thích hợp.

Cũng như tác giả Marc Champion, chúng tôi đánh giá rất cao tầm nhìn, tài năng, phong thái và hành động của ông Kim Jong-un những ngày qua. 

Nhưng chúng tôi không vì thế mà đánh giá thấp Tổng thống Hoa Kỳ hay Hàn Quốc;

Ngược lại, chính bộ ba này đã, đang nỗ lực cùng nhau phi hạt nhân hóa bán đảo, mang lại hòa bình, hòa hợp, hòa giải và phồn vinh trong tương lai không xa.

Và để thực hiện mục tiêu chung ấy, cả ông Kim Jong-un, ông Donald Trump lẫn ông Moon Jae-in đều phải thực sự thiện chí, chứ chỉ "khôn ngoan" thì không bao giờ đạt được.

Nguồn:

[1]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-05-03/kim-jong-un-is-masterfully-playing-trump-s-game

Hồng Thủy