Sáng 22/9, tại Hà Nội, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “PR trong giáo dục - Kinh nghiệm tuyển sinh và xử lý khủng hoảng cho các đơn vị giáo dục, đào tạo”.
Chia sẻ kinh nghiệm và cách làm PR hiệu quả trong giáo dục
Chia sẻ kinh nghiệm và cách làm PR hiệu quả trong giáo dục
Trong thời gian tới, ngoài việc nâng cao chất lượng thông tin, báo Giáo dục Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tổ chức thêm những buổi hội thảo, những diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục có thể trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm phát triển một nền giáo dục Việt Nam hoàn thiện hơn trong tương lai. Hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Truyền thông và Quan hệ công chúng (QHCC) đến từ các trường ĐH, Học viện trên địa bàn Hà Nội, Công ty Cổ phần truyền thông V và đại diện Hệ thống đào tạo lập trình viên Quốc tế Bachkhoa Aptech và Bachkhoa - Npower. Nếu như khoảng 5 năm trước, PR (QHCC) được xem là việc của những trường mới thành lập, những khoa mới mở hoặc của những chuyên ngành có yếu tố liên kết với nước ngoài thì một vài năm trở lại đây, các trường kể cả những trường lớn đã ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của PR trong giáo dục. Dẫu vậy, vẫn còn không ít cơ sở giáo dục hiểu sai, thậm chí thờ ơ với câu chuyện làm PR. Với Hội thảo “PR trong giáo dục”, báo điện tử Giáo dục Việt Nam hy vọng sẽ mang tới những kiến thức, kinh nghiệm thiết thực trong cách làm PR đã rất thành công ở các cơ sở giáo dục hàng đầu trong nước và quốc tế. Mở đầu chương trình hội thảo, ThS. Trần Quang Huy - Phó trưởng khoa QHCC - Quảng cáo (Học viện Báo chí – Tuyên truyền) đã nhấn mạnh vai trò của PR trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi nước ta mở cửa thị trường giáo dục theo cam kết của WTO, cơ hội và thách thức đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo ở Việt Nam càng lớn và kéo theo đó, chuyện QHCC càng trở nên “nhạy cảm”. Câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” đã không còn tồn tại. Và các trường muốn tồn tại, phải có những chiến lược phát triển lâu dài, trong đó truyền thông hiệu quả là yếu tố tiên quyết. ThS. Trần Quang Huy đã chỉ ra những ưu điểm của PR trong việc tạo dựng mối quan hệ giữa tổ chức với công chúng. Ông Huy cũng nhấn mạnh, nếu các cơ sở giáo dục không xây dựng danh tiếng dựa trên việc tạo lập lòng tin đối với công chúng thì sớm muộn gì cũng sẽ thất bại. Tại Hội thảo này, đại diện Công ty Cổ phần truyền thông V, bà Nguyễn Bích Hạnh cũng đã có bài phát biểu đánh giá về vai trò của PR và Quảng cáo trong xu thế hiện nay. Theo bà Hạnh, PR và Quảng cáo đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Một cơ sở giáo dục, đào tạo muốn đạt hiệu quả truyền thông cao nhất nên kết hợp sử dụng cả hai hình thức này trong một chiến dịch truyền thông. Bà Hạnh cũng đánh giá rất cao hình thức PR, quảng cáo trên các báo điện tử bởi những ưu điểm về chi phí, lượng công chúng tiếp nhận cũng như tốc độ lan truyền. Và coi đây là xu hướng của hoạt động quảng bá trong tương lai. Cũng tại chương trình hội thảo, các chuyên gia truyền thông đã chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm PR hiệu quả trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Thông qua ví dụ về cách làm PR trong sự kiện “PR trong văn học và phát triển văn hóa đọc” được trường tổ chức rất thành công, ThS. Nguyễn Diệu Linh (giảng viên trường ĐH Hòa Bình) nhấn mạnh sức lan tỏa của “quảng cáo truyền miệng”, rằng để thu hút công chúng, không gì hiệu quả bằng việc tạo nên những câu chuyện sự hấp dẫn.
Thực tế chứng minh, sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng sẽ mang lại những hiệu quả lớn hơn cho chiến dịch truyền thông. Nữ giảng viên trẻ cũng nêu lên những ưu điểm của PR trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “không phải trả tiền”. Chị hài hước ví: “Trong PR, người ta thường phải cầu mong sự may mắn thay vì phải chi tiêu thật nhiều tiền”.
Bà Phạm Thái Hà - Tổng giám đốc hệ thống đào tạo Lập trình viên Quóc tế Bachkhoa Aptech cũng mang tới hội thảo những kinh nghiệm quý báu trong việc tuyển sinh. Ngoài việc liên tục đổi mới, nâng cấp và cập nhật công nghệ, Bachkhoa Aptech còn có chế độ học bổng ưu đãi đối với học viên mới. Tổ chức tuyển sinh theo nhiều cách từ trực tuyến tới trực tiếp. Bản thân trường Bachkhoa Aptech cũng có bộ phận chuyên trách vấn đề QHCC. Đơn vị này được xem có vai trò quan trọng không kém gì các phòng ban giáo dục, đào tạo. Trường công đang chơi một sân “không công bằng” với ngoài công lập Phần thảo luận đã diễn ra hết sức sôi nổi với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập. Một mặt thừa nhận công tác PR của cơ sở mình còn yếu kém, các đại biểu còn cho rằng, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang phải chơi trên một sân “không công bằng” với các cơ sở thuộc công lập. Các đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới, báo Giáo dục Việt Nam cũng như các đơn vị khác cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc đấu tranh để giành quyền lợi và tạo sự công bằng “ở mức tương đối” cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Cao đẳng Asean chia sẻ bức xúc với việc tuyển sinh không công bằng |
Các diễn giả và đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh, mọi nỗ lực PR cần dựa trên tiêu chí chất lượng nhằm xây dựng lòng tin trong công chúng. PR không phải là hoạt động một sớm một chiều mà cần chiến lược dài hạn. Cuối chương trình, nhà báo Nguyễn Tiến Bình (Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam) đã chia sẻ những quan điểm của bản thân về vai trò của báo chí đối với việc xây dựng thương hiệu. Ông cho biết, các cơ sở giáo dục và cơ quan truyền thông cần hợp tác với nhau gắn kết hơn nhắm tạo nên tiếng nói đủ sức tác động tới việc hoạch định chính sách, đấu tranh nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng và hoàn thiện ở Việt Nam. Ông Bình cũng cho biết, trong thời gian tới, báo Giáo dục Việt Nam sẽ mở thêm chuyên mục Tư vấn trực tuyến hoàn toàn miễn phí về tất cả các lĩnh vực mà độc giả quan tâm.
Tùng Sơn