ĐB quốc hội "mổ xẻ" quảng cáo 'Một người khỏe, 2 người vui'

31/05/2012 11:57
Theo Đất Việt
Một số quảng cáo có nội dung trái với thuần phong mỹ tục cũng được các đại biểu nhắc đến, lấy ví dụ quảng cáo sản phẩm Nam thận bảo có đoạn nói “Nam thận bảo, bổ thận nam, một người khỏe hai người vui”.
Một loạt “chiêu” lách luật của hoạt động quảng cáo và biện pháp hạn chế đã được nêu ra trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 30/5. Trong đó, việc doanh nghiệp lợi dụng các sự kiện văn hóa hay hoạt động từ thiện, nhân đạo phục vụ cho mục đích lợi nhuận được nêu ra.

“Biến hình” quảng cáo để lách luật

Đại biểu Đoàn Thị Thùy Trang (TP HCM) đã nhắc tới trường hợp “Hòa nhạc Hennessy” như một ví dụ điển hình. Theo điều Điều 8 của dự thảo luật, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên là một trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Vậy mà, Hennessy - một nhãn hiệu đồ uống có cồn nổi tiếng đã xuất hiện một cách hợp pháp nhờ giấy phép của Cục Biểu diễn nghệ thuật trong một chương trình nghệ thuật. Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thùy Trang đề nghị, không sử dụng tên hàng hóa nhãn hiệu bị cấm quảng cáo đặt tên cho sự kiện trong dự thảo luật mới.

Còn đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) nêu trường hợp có một số doanh nghiệp lợi dụng lợi dụng lòng tốt của người tiêu dùng và hình ảnh người thiệt thòi trong nội dung quảng cáo để thu lợi và xây dựng thương hiệu theo công thức “mua sản phẩm A đã góp 10 đồng chung tay giúp trẻ em nghèo…” Đại biểu Lê Thị Tám bày tỏ, không phản đối nhưng việc lợi dụng cần có một pháp luật quản lý để tránh nói một đằng làm một nẻo hoặc giá trị từ thiện không như tuyên bố.

Cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ

Ngoài các sản phẩm dịch vụ có trong danh mục các sản phẩm bị cấm quảng cáo như thuốc lá, rượu cồn, kích dục, bạo lực, nhiều đại biểu còn đề xuất cấm cả sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc cấm này phù hợp với Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) vừa được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội lần này. (Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) cho phép sản phụ nghỉ 6 tháng để nuôi con bằng sữa mẹ, đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ và chất lượng giống nòi).

Theo đại biểu Võ Ngọc Thứ (Kiên Giang), việc cấm quảng cáo để các bà mẹ khỏi băn khoăn so sánh chất lượng sữa mẹ với các sản phẩm thay thế, bị lôi cuốn và dụ dỗ mua các sản phẩm đó, nhất là trong điều kiện kinh tế của một số gia đình còn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, nếu không cấm được thì cũng phải đưa sản phẩm thay thể sữa mẹ. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cũng là người đề xuất khung pháp lý bổ sung cho dự thảo luật. Theo đó, ngoài việc cấm và cho phép, dự thảo luật cần có thêm việc hạn chế và khuyến khích. Ví dụ, trái ngược với trường hợp hạn chế quảng cáo một số sản phẩm như thực phẩm chức năng, hoặc “nhạy cảm” như quần áo lót, băng vệ sinh,… cần khuyến khích các quảng cáo có nội dung phù hợp với các chủ trương, các phong trào tốt như “rửa tay trước khi ăn”…

Quanh vấn đề này, một số quảng cáo có nội dung trái với thuần phong mỹ tục cũng được các đại biểu nhắc đến. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) lấy ví dụ quảng cáo sản phẩm Nam thận bảo có đoạn nói “Nam thận bảo, bổ thận nam, một người khỏe hai người vui”. “Tại sao lời quảng cáo không phải “một người khỏe, cả nhà vui”, đại biểu Thanh đặt câu hỏi?

Đối với trường hợp quảng cáo trên truyền hình, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, người dùng đã phải trả tiền để xem truyền hình có phí, vì vậy, việc phải “chịu đựng” quảng cáo trên các kênh thông tin này đặt dấu hỏi lớn. Đại biểu Đặng Thuần Phong đề xuất, với dịch vụ truyền hình thu phí, việc quảng cáo cũng phải thực hiện theo các nguyên tắc như không được chen ngang chương trình, chỉ phát trước và sau chương trình với thời lượng giới hạn (có thể là 3% lượng phát sóng của chương trình)…

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Tám cho rằng, dịch vụ truyền hình thu phí ở Việt Nam không thu được nguồn lợi nhuận lớn từ quảng cáo như ở nước ngoài, vì vậy, nguồn thu từ quảng cáo trên dịch vụ này là chính đáng nhưng cần được áp dụng giới hạn.

Ngoài các vấn đề trên, một số đại biểu Quốc hội còn đề xuất cấm quảng cáo trên mặt đường, và các băng rôn khẩu hiệu chính trị có sự tài trợ của các doanh nghiệp chỉ để các nội dung liên quan đến chính sách xã hội, không được làm ảnh hưởng tới tính trang nghiêm của lãnh tụ và Đảng Cộng sản…
Theo Đất Việt