Dự án bé như "con chuột" biến thành "voi ma mút" có thể ẩn chứa nhiều gian dối

06/06/2018 06:37
Vũ Phương
(GDVN) - Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, những dự án có dấu hiệu gây thất thoát tài sản lớn cho ngân sách nhà nước cần phải thanh tra để không lọt tội phạm.

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn từ từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng và sau hơn 17 năm thi công, dự án vẫn ngổn ngang, thi công ì ạch.

Mặc dù có lý giải một phần số tiền trong đó là xã hội hoá nhưng dự án “siêu đội vốn” trên đã khiến dư luận và không ít chuyên gia giật mình, xót xa.

Dự án bé như "con chuột" biến thành "voi ma mút" có thể ẩn chứa nhiều gian dối ảnh 1Trung ương cần nhanh chóng làm rõ dự án đội vốn cả nghìn tỷ ở Ninh Bình

Được biết, dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt và triển khai từ năm 2001 với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tháng 12/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành quyết định phê duyệt lại dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê với tổng mức đầu tư là hơn 2.595 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án không chỉ đội vốn nhiều tỷ đồng mà góc khuất sau dự án cũng có nhiều dấu hiệu bất thường về sự ưu ái “không trong sáng” giữa chính quyền tỉnh Ninh Bình dành cho Công ty xây dựng Xuân Trường khi thực hiện dự án.

Một dấu hiệu bất thường có thể chỉ ra là trong thời gian dài Công ty xây dựng Xuân Trường không thực hiện dự án vẫn được tạm ứng số tiền 200 tỷ đồng và đến tháng 6/2010, chủ đầu tư lại tiếp tục tạm ứng cho doanh nghiệp số tiền 508 tỷ đồng.

Về nguyên tắc, khi thực hiện dự án, doanh nghiệp phải bỏ vốn đối ứng và chỉ được lĩnh tạm ứng từng đợt theo khối lượng công việc được nghiệm thu. Như vậy, rõ ràng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã cố tình rót vốn cho doanh nghiệp chiếm dụng vốn ngân sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu đã yêu cầu Ninh Bình báo cáo chi tiết Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn. Ảnh: K.C Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu đã yêu cầu Ninh Bình báo cáo chi tiết Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn. Ảnh: K.C Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ông không ngạc nhiên khi có dự án của Ninh Bình bằng nguồn vốn ngân sách đội vốn nhiều tỷ đồng.

Ông Bùi Kiến Thành cũng bày tỏ sự khó hiểu trước dự án ban đầu phê duyệt bằng “con chuột” sau đó nở phồng bằng “con voi ma mút” và chỉ rõ: “Thực tế, nhiều năm qua, tại không ít dự án của địa phương, bộ ngành có tình trạng ban đầu dự toán rất thấp và hợp lý để nhằm xin được phê duyệt dự án.

Khi được phê duyệt dự án rồi thì dần dần cứ nâng vốn lên gấp 5 lần, 10 lần và đến mấy chục lần so với số tiền phê duyệt dự án ban đầu.

Đó là cách làm dự án gian dối, hại dân hại nước nhằm móc tiền ngân sách nhà nước”.

Chuyên gia Bùi Kiến Thanh đề nghị các cơ quan thanh tra của Đảng và Nhà nước cần vào cuộc để thanh tra các dự án đội vốn nhiều tỷ đồng.

“Phải làm một cách nghiêm túc những dự án có dấu hiệu bất thường như thế. Từ đó mới quy trách nhiệm những cán bộ, lãnh đạo nào có chủ trương đưa ra những dự án như thế.

Ai là người phải chịu trách nhiệm với dự toán ban đầu khác xa với thực tế nhằm móc ruột ngân sách nhà nước”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Những dự án đội vốn của Ninh Bình được Kiểm toán Nhà nước công bố công khai trước các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình lý giải với báo chí việc “nở vốn” là do thay đổi mục tiêu nhiệm vụ.

Về việc này, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Đó là hành vi cố ý, chứ không phải là không cố ý hay đổi lỗi cho nguyên nhân do thế nọ, thế kia.   

Đối với những hành vi cố ý gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước cần phải chịu trách nhiệm với đồng thuế của nhân dân đóng góp. Tùy vào trách nhiệm có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự…

Những dự án có dấu hiệu gây thất thoát tài sản lớn cho ngân sách nhà nước cần phải làm thật nghiêm túc, làm quyết liệt để không bỏ lọt tội phạm. Kể cả cán bộ đương chức, cán bộ về hưu cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể hạ cánh an toàn”.

Dự án bé như "con chuột" biến thành "voi ma mút" có thể ẩn chứa nhiều gian dối ảnh 4Ninh Bình sử dụng đồng thuế của người dân đóng góp quá tùy tiện?

Liên quan đến doanh nghiệp là Công ty xây dựng Xuân Trường được lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ưu ái cho tạm ứng trước số tiền lớn.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích: “Việc ứng trước cho doanh nghiệp làm dự án là có dấu hiệu bất thường.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có trường hợp doanh nghiệp được ưu ái, nâng đỡ không trong sáng như thế khi thực hiện dự án.

Cần phải làm rõ có hay không mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp với quan chức địa phương trong dự án này.

Cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ, giữa đoanh nghiệp và người có chức có quyền địa phương có quan hệ gì, có tình trạng đi đêm, lobby để được dự án hay không và việc tạm ứng bất thường trên dựa trên quy định nào”.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, những dự án đội vốn nhiều tỷ đồng thường nằm trong quyền lực của người có chức có quyền địa phương khi họ “vẽ ra” dự án để nhằm mục đích tư lợi cho mình và những doanh nghiệp sân sau hay doanh nghiệp “ruột” nhờ đi đêm.

“Đối với những dự án đội vốn nhiều tỷ đồng cần sớm làm rõ để công khai, minh bạch trong việc xử lý sai phạm để nhân dân cùng giám sát”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói. 

Trong khi đó, Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Văn Hóa (nguyên Giám đốc Học viện Tài chính) nói về dự án đã phải thốt lên rằng “Dự án mà đội vốn từ 72 tỷ đồng lên đến gần 2.600 tỷ thì không thể tưởng tượng. Từ cổ chí kim đến nay tôi chưa thấy dự án nào đội vốn lớn như vậy, thật khó tin và không thể chấp nhận được”.

Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng: “Việc phát sinh, đội vốn dự án trên ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Cái này phải làm rõ, bởi tiền ngân sách anh không thể tự do phóng túng, vô trách nhiệm như thế.

Cần phải làm rõ khâu dự toán ban đầu và người quyết định về mặt tài chính dự án này. Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ trả lời dư luận”.

Vũ Phương