"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm"

17/06/2016 09:26
Mai Anh
(GDVN) - "Không minh bạch được doanh số thu phí, chỉ định trong mời thầu, thực hiện BOT trên đường độc đạo là minh chứng lợi ích nhóm", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Sắp tới có bao nhiêu trạm thu phí BOT ra đời?

Nói về minh bạch thu phí các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định: Đã kêu gọi đầu tư BOT là thu phí, nhưng mức phí BOT trên tuyến đường cải tạo nâng cấp sẽ thu ít hơn đường BOT làm mới.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải rất rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế, liên tục thời gian gần đây vấn đề mức phí, minh bạch thu phí là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người dân bức xúc. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - người am hiểu về nghiên cứu đầu tư dự án giao thông theo hình thức BOT cho biết, hiện nay người dân chỉ biết nộp phí khi qua các trạm thu phí BOT mà không biết tuyến đường đấy được nâng cấp sửa chữa hay làm mới. 

Người dân có cảm giác mức thu phí BOT giữa đường mới và đường nâng cấp cải tạo đang cào bằng - ảnh nguồn TTXVN.
Người dân có cảm giác mức thu phí BOT giữa đường mới và đường nâng cấp cải tạo đang cào bằng - ảnh nguồn TTXVN.

“Như Bộ Giao thông vận tải lý giải, có nhiều dự án BOT giao thông: Dự án BOT làm đường mới 100%, dự án nâng cấp sửa chữa đường theo hình thức BOT giao thông... nhưng khác nhau ra sao, phân biệt thế nào để người dân biết và so sánh, giám sát còn bỏ ngỏ”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi làm sao minh bạch được đường BOT đầu tư mới và đường BOT nâng cấp sửa chữa bởi mức phí dường như cào bằng, không rõ ràng.

Ví dụ cụ thể vị chuyên gia này cho biết, mức thu phí BOT trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 1.500 đồng/km (đây đường BOT mới hoàn toàn), trong khi đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ mới hoàn thành giai đoạn 1 (là giai đoạn nâng cấp sửa chữa, tức chỉ cải tạo phần mặt đường) nhưng mức thu cũng 1.500 đồng/km.

“Rõ ràng thời gian qua với BOT giao thông, dư luận quan tâm bởi có quá nhiều góc khuất. Từ việc hợp đồng có điều khoản bảo mật đến không thể công bố doanh thu trạm thu phí BOT. Người dân hoàn toàn có quyền nghi vấn về lợi ích nhóm”, ông Tống cho biết.

"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm" ảnh 2

Không thể công bố doanh thu BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hay có gì đó giấu giếm?

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Bộ Giao thông vận tải đang còn giấu giếm điều gì khi không công bố doanh thu BOT của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ?

"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm" ảnh 3

Phải xử lý trách nhiệm cá nhân mới mong BOT minh bạch

(GDVN) - "Tại sao những anh tự thu phí BOT cao hơn, những anh phê duyệt cự ly vị trí trạm BOT không đúng khoảng cách không bị xử lý, cách chức”, TS Thủy đặt vấn đề.

Mặt khác, ông Nguyễn Thiện Tống cho biết, hiện cả nước 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 74 trạm thu phí, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Số lượng trạm thu phí này tăng thêm 2 trạm so với năm 2015, do đó điều dư luận quan tâm liệu sắp tới có bao nhiêu trạm thu phí BOT ra đời.

Những trạm thu phí mới trên tuyến đường mới liệu có minh bạch mức phí, cách tính phí, minh bạch suất đầu tư hay không? Và hiện có bao nhiêu trạm thu phí BOT trên con đường độc đạo ngoài tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng?

Bộ khẳng định không có lợi ích nhóm

Trước bức xúc của người dân tại các dự án BOT giao thông, trả lời trên Doanh nhân Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường thừa nhận đang có 5 vấn đề người dân quan tâm và chưa được làm rõ về BOT đó là: Chủ trương và quy mô, lựa chọn nhà đầu tư, phương án tài chính của công trình, quá trình đầu tư xây dựng và thu phí hoàn vốn, chống thất thoát. 

Thứ trưởng Trường cho biết, những vấn đề nêu trên sẽ được Bộ rút kinh nghiệm và khẳng định: Không có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân trong đầu tư công trình giao thông bằng hình thức BOT.

Trước trả lời của Thứ trưởng Trường, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế cho rằng, Bộ nói mức phí không cao vậy hãy công bố suất đầu tư từng km, từng hạng mục để người dân và các chuyên gia biết. Đồng thời công bố phương pháp tính ra mức phí hiện nay.

“Ở đây khoan chưa nói vấn đề phí cao hay thấp chỉ cần minh bạch xem có tính đúng không, minh bạch để xem suất đầu tư, chi phí đầu tư BOT giao thông ra sao để cho ra mức phí đang thu hiện nay”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.

Cùng với đó, khi Thứ trưởng nói không có lợi ích nhóm vậy tại sao không minh bạch được các con số từ doanh thu, điều khoản hợp đồng, mức đầu tư, hạng mục đầu tư. Tại sao không đấu thầu công khai?

Ví dụ Bộ định thực hiện dự án nâng cấp cải tạo đoạn đường, vậy Bộ phải tính được chi phí thực hiện dự án ở mức tiết kiệm nhất là bao nhiêu từ đó đưa ra mời thầu, doanh nghiệp nào đáp ứng tiêu chuẩn có mức giá thầu hợp lý thì trúng thầu. Ngược lại nếu chỉ dựa trên đề xuất của doanh nghiệp xin nghiên cứu làm rồi Bộ duyệt sao tránh được nghi hoặc của người dân.

Giải pháp trong vấn đề thu phí không dừng theo ông Bình là phù hợp, tiết kiệm thời gian tránh ùn tắc đường, tiết kiệm chi phí cho ngành vận tải. Tuy nhiên để khẳng định thu phí không dừng có tránh được việc gian lận thu phí BOT giao thông hay không còn tùy vào sự minh bạch.

“Thu phí không dừng như quẹt thẻ trước mắt tiết kiệm thời gian chi phí cho ngành vận tải, còn để minh bạch chuyện thu phí thì cần phải công khai doanh thu, lưu lượng giao thông qua trạm từng ngày, từng tháng, từng năm. Thậm chí có bộ phận giám sát mới có thể minh bạch được”, ông Bình cho hay.

Mai Anh