Lương cao chưa chắc giữ được nhân tài

16/01/2015 08:22
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Bác lời Bộ trưởng Thăng “không thể giữ lao động bằng tình cảm, thương hiệu”, PGS. TS Vũ Quang Thọ cho rằng tiền lương cao chưa chắc đã giữ được người tài.

Dự lễ tổng kết sáng 15/1 của một doanh nghiệp khác trong ngành là Vinalines, cho rằng Vietnam Airlines hay Vinalines là những doanh nghiệp có truyền thống, có thương hiệu, song trong tình hình mới, Bộ trưởng Thăng khẳng định muốn người lao động gắn bó thì không chỉ dựa vào những yếu tố này cũng như tình cảm của họ, mà trước tiên phải từ lợi ích kinh tế.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng chính sách đãi ngộ đối với người lao động là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang chuyển đổi hiện nay. Ảnh: H.T (VNE)
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng chính sách đãi ngộ đối với người lao động là vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang chuyển đổi hiện nay. Ảnh: H.T (VNE)

Bình luận về phát biểu này của Bộ trưởng Thăng, PGS. TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn nói: Tôi không đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Thăng. Ai bảo không thể giữ lao động bằng tình cảm, thương hiệu? Tiền lương không phải yếu tố duy nhất mà còn phải xem xét thái độ đối xử với con người.

Tôi lấy ví dụ vừa qua, hàng loạt phi công và lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ ốm bất thường thậm chí là xin nghỉ việc dù mức lương họ nhận được không hề thấp. Tôi chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào trả lương cho nhân viên cao thế: Với cơ trưởng hơn 200 triệu đồng, với cơ phó là 170 triệu đồng. Như thế theo tôi là quá cao.

Tôi nói như thế để các bạn hiểu rằng nhiều khi người ta làm việc không chỉ vì lương. Có chỗ lương thấp người ta vẫn làm vẫn gắn bó bởi giữa người với người có sự tôn trọng, trân trọng lẫn nhau.

Nếu năng lực tài chính của anh kém, anh có thể chia sẻ chân thành, công khai với người lao động để họ hiểu. Khi người lao động thấy thái độ của anh chân tình họ sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bởi doanh nghiệp có sống, có tồn tại thì họ mới có tiền lương. Nhiều doanh nghiệp đã quên mất điều đó nên đối xử với người lao động không ra gì cả. Đó là lý do họ rời bỏ, nhảy việc.

- Theo ông vì sao nhiều lao động muốn rời khỏi doanh nghiệp nhà nước?

Lương cao chưa chắc giữ được nhân tài ảnh 2

>> Hàng loạt phi công "nghỉ ốm": Cơ hội lớn để Vietnam Airlines cải tổ

(GDVN) - Việc phi công đồng loạt xin nghỉ việc cũng là cơ hội để không chỉ VNA mà lãnh đạo các DNNN khác nhìn nhận lại việc phân chia, trả lương, thưởng...

Nguyên nhân lớn nhất vẫn là vấn đề tiền lương. Nói chung tôi thấy trừ Vietnam Airlines, Dầu khí thì hầu hết các doanh nghiệp nhà nước khác đều trả lương rất thấp. Đấu tranh mãi đến năm 2015, lương của người lao động như công nhân ở khu vực 1 mới được điều chỉnh lên 3,1 triệu đồng. Nếu tính ra tiền USD thì mới được hơn 150 USD/người/tháng.

Ngoài ra, còn do cách đối xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng nghiệp với nhau. Không chỉ do tâm lý làm việc, nhiều khi áp lực công việc cũng khiến người ta muốn từ bỏ.

Theo lý thuyết về sử dụng lao động, vấn đề đầu tiên dễ gây bức xúc là lương, sau đó mới đến mối quan hệ giữa những người cùng doanh nghiệp. Hơn nữa, khi làm việc trong một môi trường không bảo đảm cơ hội thăng tiến cho người ta thì họ cũng sẽ bỏ cuộc.

Con người là một thực thể có suy nghĩ chứ không phải một cái máy cứ đổ xăng dầu là chạy. Ngày xưa ở Nhật đã đưa ra lý thuyết về sử dụng con người. Theo đó, việc sử dụng người lao động không nhất thiết phụ thuộc vào lương, nhiều khi chỉ cần trân trọng giá trị sức lao động của người ta là đủ để họ cảm thấy có giá trị. Khi đó, người ta sẽ ham sống, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho cơ quan, tổ chức. Nhiều khi lương cao mà coi thường người ta thì họ cũng sẵn sàng rời bỏ.

Ngoài tiền lương, thái độ xử sự, chủ doanh nghiệp nhà nước cũng cần biết nuôi dưỡng ham muốn của người ta với doanh nghiệp đó. Nếu không làm được điều đó thì họ cũng sẽ rời bỏ.

- Đó có phải là những lý do chính khiến nhiều người nói không với doanh nghiệp nhà nước không thưa ông?

Đúng vậy, chẳng ai muốn nhận mức lương không đủ để trang trải cuộc sống như vậy cả. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà kinh tế học phương Tây đưa ra lý thuyết về sự lựa chọn khi so sánh rằng nhiều khi nghỉ ở nhà còn hơn là đi làm bởi tiền lương họ nhận được không có giá bằng thời gian họ được nghỉ ngơi ở nhà. Do vậy họ sẵn sàng nghỉ việc nếu bị trả lương thấp. Trong khi đó, ở Việt Nam phần tích lũy từ trước tới nay không có, nên họ cần phải có việc làm để duy trì cuộc sống.

- Làm việc ở doanh nghiệp nhà nước có những lợi thế gì hơn so với doanh nghiệp tư nhân thưa ông?

PGS. TS Vũ Quang Thọ (Ảnh: PLVN)
PGS. TS Vũ Quang Thọ (Ảnh: PLVN)

Từ trước đến nay, nhiều người có cùng tâm lý: Làm việc ở doanh nghiệp nhà nước thường ổn định và bảo đảm hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Muốn sa thải một người khỏi doanh nghiệp nhà nước cũng phải có đủ bộ tam, bộ tứ. Chưa kể, nếu bên công đoàn không đồng ý thì chưa chắc giám đốc đã sa thải được.

Trong khi ở doanh nghiệp tư nhân, nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị sa thải luôn. Bởi tiền lương là do một người quyết định và chi trả.

Doanh nghiệp nhà nước cũng không đặt áp lực công việc lớn như doanh nghiệp tư nhân. Với tư nhân, tiền lương là máu thịt của người ta nên người ta phải tính xem liệu có được đền đáp xứng đáng không. Còn ở doanh nghiệp nhà nước, nhiều người vẫn mang nặng tâm lý đang dùng “tiền chùa” nên họ cứ cố khai thác được bao nhiêu thì lợi bấy nhiêu.

- Vậy theo ông, doanh nghiệp nhà nước có những bất lợi thế nào đối với người lao động?

Lương cao chưa chắc giữ được nhân tài ảnh 4

>> Phi công Vietnam Airlines đồng loạt xin "nghỉ ốm": Tiền lệ xấu trong DNNN?

(GDVN) - Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia trước việc hàng loạt phi công của Vietnam Airlines bất ngờ xin nghỉ việc trong dịp nghỉ tết dương vừa qua.

Ở doanh nghiệp tư nhân cơ chế thoải mái hơn, đặc biệt về chế độ tiền lương do chỉ có một ông chủ quyết định mọi việc còn với doanh nghiệp nhà nước ngoài Giám đốc còn có rất nhiều vị lãnh đạo khác. Có thể ví von khi làm việc ở doanh nghiệp nhà nước chẳng khác nào việc “lắm cha con khó lấy chồng”.

Ở doanh nghiệp nhà nước, quyết định không nằm ở một người. Nhiều khi giám đốc muốn tăng lương, nhưng các ban bệ khác không đồng ý cũng đành chịu.

Nhiều người cứ tưởng làm trong doanh nghiệp nhà nước là sướng nên có chạy chọt dẫn tới tiêu cực hay nói cách khác là mua việc làm.

- Nói như vậy thì làm thế nào để doanh nghiệp nhà nước có thể giữ chân được người tài trong thời gian tới, thưa ông?

Chỉ có 2 việc cần làm là trả lương xứng đáng và đánh giá đúng giá trị sức lao động và trân trọng người ta. Nhiều khi trả lương cao mà không trân trọng người ta cũng sẽ bỏ đi bởi lòng tự trọng của người ta còn cao hơn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, làm thế nào để thay đổi cơ chế tiền lương là việc rất khó đối với các doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, người lao động cũng nên nhớ nếu làm việc không có năng suất thì đừng đòi hỏi thù lao cao.

- Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN