Theo các chuyên gia, nhà kinh tế thì việc Đà Nẵng tạm dừng các dự án được phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm trước đó để rà soát thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố.
Tại hội thảo phản biện về các dự án ven sông Hàn mới đây do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức thì Phó Giáo sư Trần Đình Thiên (thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng) cũng đã đưa ra khuyến cáo: “Chính quyền Đà Nẵng cần phải có thái độ nhất quán, nghiêm túc, nhìn các nhà đầu tư với tư cách là một động lực phát triển".
Dự án ven sông Hàn Marina Complex đang bị tạm dừng. Ảnh: AN |
Dưới gốc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu việc tạm dừng này sai quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp của doanh nghiệp thì họ có quyền khởi kiện chính quyền Đà Nẵng ra tòa án.
Luật sư Trần Ngọc Qúy – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho hay, xét trên gốc độ doanh nghiệp thì một dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định thì được quyền triển khai.
Tuy nhiên, nếu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xét thấy dự án này còn nhiều sai sót nên tạm dừng để yêu cầu bổ sung hồ sơ thì đó là thẩm quyền của Ủy ban.
“Đà Nẵng phải nhất quán để giữ vững môi trường đầu tư” |
Nhưng nếu quyết định tạm dừng dự án này kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư thì doanh nghiệp có thể tính đến việc khởi kiện Ủy ban ra Tòa án để đòi bồi thường.
“Theo trình tự thủ tục thì doanh nghiệp thực hiện việc khiếu nại quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố, yêu cầu chính quyền xem xét lại để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp.
Nếu công đoạn này không được thì doanh nghiệp chuyển sang khởi kiện Ủy ban nhân dân thành phố ra tòa án. Trong việc khởi kiện này có sự đan xen nhau giữa vụ án hành chính – dân sự và kinh doanh thương mại.
Bởi tính chất phức tạp của nó, nên doanh nghiệp có thể căn cứ vào hồ sơ, các quyết định hành chính của chính quyền, mức độ tổn hại về lợi ích... để khởi kiện”, luật sư Qúy chia sẻ.
Cũng theo luật sư Qúy thì doanh nghiệp có thể kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước (quyết định thu hồi hoặc tạm dừng dự án) và có thể trình bày trong đơn khởi kiện yêu cầu về bồi thường thiệt hại kinh tế do quyết định hành chính đó gây ra.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Chủ tịch Công ty Luật Giải Phóng, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc tạm ngừng dự án phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư, cụ thể tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư được quy định tại khoản 2 điều 47 luật này.
Theo đó, Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong 5 trường hợp sau đây: Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật di sản văn hóa;
Để khắc phục vi phạm môi trường theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về môi trường; Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
Theo quyết định, bản án của Tòa án, Trọng tài; Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Quyết định tạm ngừng dự án không thuộc một trong năm trường hợp này là trái pháp luật. Theo đó, chủ đầu tư có quyền khiếu nại quyết định, hành vi hành chính nếu bị cơ quan nhà nước buộc tạm ngừng hoạt động dự án đầu tư.
Trong trường hợp, chứng minh được quyết định, hành vi hành chính lá trái pháp luật và chủ đầu tư có thiệt hại do phía các tổ chức, cá nhân gây ra thì họ có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đà Nẵng nói gì về việc tạm dừng dự án bên sông Hàn? |
Còn theo một chuyên gia pháp lý thì đối với các dự án được cấp phép không có yếu tố nước ngoài nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng lợi ích bởi các quyết định hành chính (quyết định tạm dừng hoặc thu hồi dự án) của cơ quan nhà nước thì có thể khiếu nại quyết định hành chính đó theo luật định. Nếu không được thì kiện ra tòa.
“Việc tạm dừng hoặc thu hồi dự án phải căn cứ vào những quy định cụ thể và có thời hạn rõ ràng. Bởi Luật cũng có những quy định về việc thu hồi dự án, nếu nó gây thiệt hại về nền kinh tế.
Còn nếu trường hợp doanh nghiệp thực hiện các bước đúng pháp luật mà muốn tạm dừng để rà soát thì phải có thời hạn cụ thể. Nếu quá thời hạn đó, doanh nghiệp có thể khiếu nại hoặc khởi kiện”, vị này cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia này thì doanh nghiệp cần phải xem quyết định hành chính gây tổn hại đến lợi ích của mình là do cơ quan nhà nước thẩm quyền nào phát hành.
Đó có thể là của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hay của một đơn vị khác trực thuộc thành phố.
“Nếu quyết định hành chính nào gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì khởi kiện ra tòa quyết định đó. Trong vụ án hành chính vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế”, vị này nói.