Thanh tra Metro: Phải kết luận được có hay không có chuyển giá

11/10/2014 06:41
Minh Hồng
(GDVN) - Về vấn thanh tra Metro, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Quan trọng nhất cần phải đưa ra kết luận vế vấn đề có hay không vấn đề chuyển giá”.

Sau thanh tra liệu có đưa ra kết luận?

Cách đây hơn 2 năm khi dư luận xã hội bức xúc với câu chuyện Coca Cola liên tục khai lỗ không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp sau 20 năm đầu tư tại Việt Nam. Ngay sau đó cuối năm 2012 cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trong đó có Coca Cola.

Tuy nhiên hơn hai năm qua chưa từng một lần người ta thấy cơ quan thuế  công bố kết quả thanh tra. Câu trả lời về việc có hay không chuyện Coca Cola chuyển giá trốn thuế vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. 

Điều dư luận mong muốn sau thanh tra ngành thuế cần công bố kết luận rõ ràng.
Điều dư luận mong muốn sau thanh tra ngành thuế cần công bố kết luận rõ ràng.

Hai năm sau, một “ông lớn” FDI khác là Metro lại bị lên án về việc chuyển giá trốn thuế. Cụ thể sau 13 năm đầu tư vào Việt Nam nhưng Metro Việt Nam khai lỗ 12 năm, dù lỗ nhưng doanh nghiệp này vẫn kịp mở rộng 19 trung tâm siêu thị trên khắp cả nước. Nghi án khai lỗ nhằm chuyển giá trốn thuế của Metro được đặt ra.

Cùng với việc Chủ đầu tư Metro Cash&Carry chuyển nhượng lại Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) với giá 876 triệu USD, dư luận càng đặt ra nghi án chuyển giá của Metro. Việc Metro Cash&Carry bán công ty con ở Việt Nam dường như là cách tháo chạy an toàn khỏi những nghi án chuyển giá.

Trở lại vấn đề, sau khi dư luận đặt ra nghi án chuyển giá, mới đây trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra vào chiều ngày 9/10,  đại diện Bộ công bố kế hoạch thanh tra thuế tại Metro. 

Theo đó đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã có kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp FDI, trong đó có Metro với 19 điểm kinh doanh. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc thanh tra chuyển giá với Metro phức tạp do doanh nghiệp hoạt động trải rộng trên cả nước với 19 trung tâm. Do đó, Tổng cục thuế đã phải thành lập đoàn thanh tra riêng đối với trường hợp Metro.

Tuy nhiên từ câu chuyện Coca Cola, dư luận đặt ra vấn đề liệu thanh tra Metro xong ngành thuế có đưa ra câu trả lời về vấn đề có hay không việc Metro chuyển giá. Nếu có xử lý như thế nào?.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề ngành thuế thanh tra Metro, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Quan trọng nhất cần phải đưa ra kết luận vế vấn đề có hay không vấn đề chuyển giá”.

Theo ông Thành việc Bộ Tài chính đưa vấn đề thanh tra thuế Metro lúc này là hơi muộn, nhưng muộn hay không quan trọng phải có kết luận rõ ràng. “Chúng ta từng kêu gọi người tiêu dùng có thái độ với doanh nghiệp với sản phẩm của doanh nghiệp chuyển giá, nhưng người tiêu dùng cũng không biết doanh nghiệp nào chuyển giá, chuyển giá đó gây thất thu thuế như thế nào”, ông Thành cho biết.

Doanh nghiệp FDI và thuyết “nước chảy chỗ trũng”

Phân tích cụ thể vấn đề thanh tra thuế tại Metro Việt Nam, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng có 3 việc cần làm trước. Thứ nhất rà soát lại quy định luật pháp quy định đầu tư nước ngoài xem trong văn bản luật của chúng ta liệu có kẽ hở để doanh nghiệp FDI có thể lợi dụng lách luật.

Thứ hai từ văn bản pháp luật cần xem lại việc thực thi quy định luật pháp đó ở cán bộ thuế các địa phương, xem cách thực hiện cách áp dụng quy định luật. Liệu có sai phạm, có tiêu cực cán bộ thuế hay không.

Thứ ba cách thức thanh tra thuế, ông Thành cho rằng thanh tra thuế không chỉ xem con số trên sổ sách mà cần có cái nhìn chuyên môn sâu về bản kế hoạch thuế của tập đoàn đa quốc gia.

“Vấn đề ở đây chúng ta nên hiểu doanh nghiệp FDI làm vậy có hợp pháp hay không hợp pháp. Bởi nếu luật chúng ta để cho doanh nghiệp FDI có những kẽ hở tư đó người ta có thể áp dụng những kiến thức, kinh nghiệp của để lách thuế, trốn thuế thì chúng ta biết cũng không làm gì được ngoại trừ bổ xung quy định pháp luật. Nên nhớ bản thân doanh nghiệp chỉ muốn trả mức thuế thấp nhất mà vẫn đúng quy định của pháp luật” ông Thành nói.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, doanh nghiệp FDI luôn đưa ra kế hoạch thuế trước khi thực hiện đầu tư. Thế mạnh tập đoàn đa quốc gia có công ty con, công ty chi nhánh ở khắp nơi do đó doanh nghiệp sẽ tìm cách chuyển lãi đến nơi có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất có chính sách thuế ưu đãi nhất. Qua đó doanh nghiệp thu lãi lớn nhất.

“Các tập đoàn đa quốc gia trước khi đến đầu tư tại một quốc gia, vùng lãnh thổ đều lập kế hoạch thuế, khi đó doanh nghiệp sẽ xem xét nơi nào có lãi lớn nhất, nộp thuế thấp nhất để đưa sản phẩm về đó nhằm giảm bớt chi phí thuế. Còn khi quản lý một tập đoàn lớn phải luôn tìm cách nâng cao lợi nhuận của tập đoàn, giảm thấp nhất chi phí thuế”, ông Thành nói.

Thừa nhận chính sách thu hút đầu tư trước đây có nhiều lỗ hổng, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế cho rằng, khi đưa ra chính sách trải thảm đỏ để kêu gọi đầu tư nước ngoài cách đây 20 năm, trình độ nhận thức trong quản lý nhà nước có giới hạn nhất định. Thời điểm đó không chặt chẽ không minh bạch như bây giờ.

Nêu ví dụ, Luật Đầu tư nước ngoài khi đó không quy định doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép lỗ bao nhiêu năm mà chỉ đưa ra doanh nghiệp được nộp thuế bao nhiêu phần trăm, rồi được miễn bao nhiêu năm thuế, giảm bao nhiêu năm thuế…

“Còn hiện nay cụ thể từ năm 2009 chúng ta có luật theo đó doanh nghiệp FDI có thể lỗ nhưng từ năm thứ 4 trở đi nếu vẫn lỗ thì mất đi quyền ưu đãi về thuế”, ông Phụng nói.

Cơ quan thuế  cho biết năm 2013 có đến hơn một nửa doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam báo lỗ. Theo ngành thuế từ quý 4 năm 2013 cơ quan này đã thanh tra hoạt động chuyển giá với 47 doanh nghiệp đến nay hoàn thành thanh tra 28 doanh nghiệp điều chỉnh doanh thu lên hơn 8.000 tỉ đồng.

Minh Hồng