Như tin đã đưa, ngày 14/12/2018 cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã bị ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau ký Quyết định 14/QĐ-THCSTHĐ về việc xử lý kỷ luật viên chức với hình thức “buộc thôi việc”.
Lý do cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh bị buộc thôi việc là: “Không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng. Nghỉ việc không có lý do 36 ngày làm việc (từ ngày 6/9/2018 đến ngày 18/10/2018), vi phạm Khoản 5, Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ.”
Hiện tại, cô Hoàng Thị Hoài Thanh đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Ngày 25/1/2019, Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước đã ban hành Quyết định thụ lý xét xử sơ thẩm số 01/2019/TLST-LĐ về việc “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”.
Nhưng đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử bởi nhiều nguyên nhân.
Ngày 26/08/2019, Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước đã có Thông báo số 1021/TB-TA thông báo tiếp tục thực hiện việc “kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải”.
Đây là lần thứ ba Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước tổ chức thực hiện hòa giải theo quy định của pháp luật đối với vụ án này. Nói về vụ việc, cô Thanh cho biết:
“Tôi luôn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và sẵn sàng chờ đợi tòa án xét xử, dù cho thời gian chờ đợi có dài bao lâu đi nữa.
Sau khi nhận Quyết định kỷ luật buộc thôi việc lần thứ hai của hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông tôi đã suy sụp cả sức khỏe lẫn tinh thần (Quyết định buộc thôi việc lần thứ nhất đối với cô Thanh đã được ký hủy bởi Quyết định số 05/QĐ-THCSTHĐ ngày 07/11/2018-Tác giả).
Hiện nay, cuộc sống của cả gia đình tôi rơi vào bế tắc vì danh dự, uy tín cá nhân bị ảnh hưởng nhưng tôi quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Giờ đây, tôi tha thiết mong được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đồng hành chia sẻ thông tin vụ việc của tôi đến bạn đọc.
Hy vọng rằng sự chia sẻ thông tin công khai vụ việc của tôi đến của bạn đọc sẽ góp phần giúp cho tôi có đủ dũng khí bước tiếp trên con đường tìm kiếm sự công minh của pháp luật”.
Vợ chồng cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh. (Ảnh: Hoài Thu) |
Hành trình “đi kiện” tìm công lý của cô giáo Thanh và những quyết định lạ
Gửi đơn và toàn bộ hồ sơ có liên quan đến vụ việc cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Thanh cho rằng bản thân đã bị kỷ luật một cách oan ức, tính pháp lý đưa ra để kỷ luật buộc thôi việc đối với cô Thanh còn nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.
Qua các hồ sơ cô Thanh cung cấp, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều vấn đề rất cần cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ, giúp giảm thiểu những bức xúc trong dư luận địa phương về vụ việc kỷ luật buộc thôi việc đối với nhà giáo này.
Trong hồ sơ liên quan đến vụ án dân sự số 01/2019/TLST-LĐ ngày 25/1/2019 về việc “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại” mà cô Hoàng Thị Hoài Thanh là nguyên đơn, có 02 quyết định khá lạ kỳ, cụ thể:
Quyết định thứ nhất, Quyết định số 1022/QĐ-PGDĐT ngày 08/08/2017 “điều động viên chức” đối với cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước nhận nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước.
Tự ý bỏ việc 36 ngày, nữ giáo viên ở Cà Mau bị buộc thôi việc |
Quyết định thứ hai, Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/08/2018 “điều động viên chức” đối với cô Hoàng Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước nhận nhiệm vụ tại Trường Trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.
Cả 02 quyết định nói trên đều áp dụng thuật ngữ “điều động viên chức” nhưng theo các văn bản pháp quy hiện hành thì viên chức không thuộc trường hợp được “điều động”.
Cụ thể, Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12, ngày 13/11/2008 quy định: “Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác” (Khoản 10, Điều 7).
Và, theo Luật Viên chức 2010 (Luật số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2011) thì:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Nếu cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu cử viên chức đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có nhiệm vụ quyết định việc biệt phái viên chức.
Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định (Điều 36, Luật Viên chức 2010).
Như vậy có thể nói rằng, công tác điều động chỉ dùng để áp dụng đối với cán bộ, công chức chứ không thể áp dụng với viên chức.
Hiện tại, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đang là viên chức giáo dục, cô Thanh được bổ nhiệm vào ngạch viên chức vào tháng 8/2008 theo Quyết định số 1274/QĐ-SNV về việc bổ nhiệm ngạch viên chức của Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau.
Mặc dù chức danh nghề nghiệp của cô Hoàng Thị Hoài Thanh là giáo viên nhưng theo nguyên tắc pháp luật hiện hành cô giáo Thanh là viên chức và phải thực hiện chế độ hợp đồng làm việc dành cho viên chức (Điều 2, Luật Viên chức 2010).
Do đó, việc phải xem xét lại 02 quyết định (Quyết định số 1022/QĐ-PGDĐT ngày 08/08/2017 và Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/08/2018 của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái nước) đã dùng để “điều động” cô Thanh dẫn đến hệ lụy khiến cô giáo này bị kỷ luật buộc thôi việc là điều hết sức cần thiết.