Ký ức Tết đặc biệt của những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh

20/01/2023 06:37
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Với nhiều người, Tết là dịp để đoàn viên; với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, Tết đôi khi lại là nhiệm vụ mới khi mùa xuân đang phơi phới tràn về. 

Ký ức Tết với tuyết phủ trắng mái tôn

Những ngày Tết, khi cái rét thấu xương của miền biên viễn đang ùa về, hẳn bất cứ ai cũng muốn trở về nhà thật nhanh, cùng quây quần bên những bữa cơm gia đình và tận hưởng sự ấm cúng. Lúc này, những người lính biên phòng vẫn đang chắc tay súng, tận tụy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bình yên nơi biên giới.

Tại Đồn Biên phòng Phó Bảng, thuộc huyện Đồng Văn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang), các cán bộ, chiến sĩ cũng đang chuẩn bị đón một cái Tết thật đặc biệt, với tâm niệm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng trong khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Ảnh: Thành An.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng trong khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Ảnh: Thành An.

Trò chuyện với chúng tôi bên bếp lửa hồng, Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng (sinh năm 1979) - nhân viên đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Phó Bảng) nhớ lại: “Quê tôi ở Tuyên Quang, điều kiện thời tiết không khác quá xa so với ở Hà Giang, vậy nên, mấy năm đầu lên nhận công tác, tôi phần nào cảm nhận được ở đây, trời rét hơn, nhưng rất may là không bị cước chân tay như một số đồng chí”.

Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng (bên trái) - nhân viên đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Phó Bảng) tâm sự về ký ức năm đầu tiên trực Tết. Ảnh: Thành An.

Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng (bên trái) - nhân viên đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Phó Bảng) tâm sự về ký ức năm đầu tiên trực Tết. Ảnh: Thành An.

Mặc dù xác định rõ tư tưởng, nhưng những năm đầu tiên ở lại trực Tết, người chiến sĩ ấy cũng không khỏi có những phút giây nhớ nhà: “Hồi ấy, chúng tôi được phân công trực Tết theo các tổ công tác ở các xã khác nhau, tôi trực ở Sà Phìn. Thông tin liên lạc khi ấy không được thuận tiện như bây giờ, nên gần đến Tết, tôi đã chủ động viết thư về cho gia đình, sau đó đến ngày Tết thì tranh thủ ra trung tâm xã gọi điện về nhà cho bố mẹ”.

“Ấn tượng lớn nhất với tôi trong năm đầu tiên ở lại trực Tết chính là lần đầu được tận mắt nhìn thấy tuyết. Tôi còn nhớ, hôm ấy vào độ 24-25 tháng Chạp, không hiểu sao thấy trời có vẻ lạnh hơn mọi ngày, tôi tỉnh dậy sớm. Vừa bước chân ra đến cửa đã thấy tuyết phủ một màu trắng xóa. Mặc dù trời đổ băng tuyết thì rét thật - rét nhất kể từ khi tôi cắm chốt ở đây... nhưng đổi lại, chúng tôi có thể chờ tuyết trên mái tôn tan, hứng nước để sử dụng.

Các chiến sĩ đã được chứng kiến những lần băng tuyết phủ trắng cỏ cây, sân vườn,... Ảnh: NVCC.

Các chiến sĩ đã được chứng kiến những lần băng tuyết phủ trắng cỏ cây, sân vườn,... Ảnh: NVCC.

Mùa rét thì rét vậy, nhưng mùa nóng thì vẫn nóng như đổ lửa. Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng cho biết, mùa hè mà không có khóm tre phủ bóng mát, thì có lẽ không ai chịu nổi sức nóng từ mái tôn.

Nước ở huyện Đồng Văn thuở ấy khan hiếm vô cùng, rất quý giá, mà đến nay cũng vẫn vậy. Hồi trước, xã Sà Phìn lại không có nguồn nước, phải trữ "nước trời" mà sử dụng, trong khi chỉ có 2 bể trữ nước be bé, không đủ đáp ứng, nên chúng tôi thường xuyên phải di chuyển đi rất xa để tắm nhờ, còn quần áo thì có khi phải tích 2-3 ngày mới mang đi giặt. Nước tích trữ cũng được tận dụng một cách triệt để, nước vo gạo thì dùng để rửa rau, tráng bát, rồi để tưới rau...” - Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng chia sẻ.

Đó dường như là tình trạng chung và đã trở thành ấn tượng đối với bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào đã gắn bó ở mảnh đất này.

Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng đến thăm hỏi bà con dân bản dịp cận Tết. Ảnh: Thành An.

Thiếu tá Đỗ Thanh Tùng đến thăm hỏi bà con dân bản dịp cận Tết. Ảnh: Thành An.

Thiếu tá Phạm Văn Nam (sinh năm 1979, quê Nam Định) - nhân viên đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Phó Bảng) cũng cho biết: “Tôi đi nghĩa vụ từ năm 1999, sau đó đi học và ra trường, bắt đầu lên đơn vị nhận công tác từ năm 2003, nơi đầu tiên cũng chính tại Đồn Biên phòng Phó Bảng.

Hồi ấy, khan nước đến mức, cả địa bàn chỉ có một bể trữ nước, đến cuối mùa, bể cạn mọc rêu xanh phủ kín đáy, chỉ còn đọng lại một chút nước, nhưng chúng tôi vẫn phải gạn lên để sử dụng. Rồi có những lúc phải chia nhau đi bộ cả chục cây số, địu nước về để phục vụ sinh hoạt”.

Thiếu tá Phạm Văn Nam - nhân viên đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Phó Bảng). Ảnh: Thành An.

Thiếu tá Phạm Văn Nam - nhân viên đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Phó Bảng). Ảnh: Thành An.

“Một ấn tượng nữa với tôi khi nhận nhiệm vụ ở đây, là được trải nghiệm cảm giác có tuyết là như thế nào. Vào năm 2009, trời rét đậm rét hại, trâu bò chết nhiều, có mưa tuyết và tuyết phủ trắng đồi nương... Thời điểm đó lạnh đến ngỡ ngàng, mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ.

Khi trời không có tuyết, thì cũng lại có sương muối, cây cối chết hết, chúng tôi tăng gia nhưng sương hại trắng vườn, lại phải chia nhau đi tìm cách khắc phục...” - Thiếu tá Phạm Văn Nam nhớ lại.

Đón Tết ấm áp tình quân dân

Với Thiếu tá Phạm Văn Nam, kỷ niệm năm đầu tiên trực Tết ở mảnh đất Hà Giang - địa đầu Tổ quốc vẫn còn đọng mãi trong ký ức: “Năm 2000 là năm đầu tiên tôi ở lại Hà Giang trực Tết tại Đồn Biên phòng Bạch Đích, thời ấy, chỉ trơ trọi một mình đơn vị ở một khu, xung quanh chẳng có bóng nhà dân nào, nên Tết ở đồn cũng hơi buồn.

Đêm hôm ấy, giao thừa, có những đồng chí còn rơm rớm nước mắt vì lần đầu tiên đón Tết xa nhà. Thời đó còn chưa có điện thoại như bây giờ, nên có thèm nghe giọng nói của mẹ, nghe lời căn dặn của bố cũng trở nên thật xa vời. Mấy anh em quây quần bên nhau, ngồi tâm sự đủ thứ chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà và thêm vững vàng nhiệm vụ. Từ các năm sau, nhận nhiệm vụ trực Tết, chúng tôi dần quen, không còn cái không khí bồn chồn như năm đầu tiên đó nữa...”.

Không khí xuân tràn ngập Đồn Biên phòng Phó Bảng. Ảnh: NVCC.

Không khí xuân tràn ngập Đồn Biên phòng Phó Bảng. Ảnh: NVCC.

Không chỉ có ấn tượng trong thời gian trực Tết, Thiếu tá Phạm Văn Nam còn có một kỷ niệm dở khóc dở cười vì xa gia đình một thời gian dài: “Lúc vợ tôi sinh con trai đầu lòng, tôi may mắn có mặt ở nhà, chăm sóc vợ và con được vài tuần, rồi tôi trở lại đơn vị.

Đến khi trở về thăm nhà vào đợt sau, thời gian cũng đã trôi qua hơn 6 tháng, tôi còn nhận nhầm con với đứa cháu - con nhà em gái. Bởi vì hai đứa trẻ chỉ cách nhau độ 2 tháng, lại thay đổi nhiều so với lúc mới sinh, nên tôi bất giác không nhận ra... Đến bây giờ, vợ tôi thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại chuyện này...”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tá Ma Đức Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phó Bảng cho biết: “Năm nào cũng vậy, các cán bộ, chiến sĩ chia thành các tổ đi chúc Tết bà con nhân dân trên địa bàn từ những ngày giáp Tết...

Đêm Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới, đơn vị cũng có những hoạt động chúc Tết, lì xì, động viên các cán bộ, chiến sĩ thêm vững vàng nhiệm vụ, yên tâm công tác.

Thiếu tá Ma Đức Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phó Bảng. Ảnh: Thành An.

Thiếu tá Ma Đức Minh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phó Bảng. Ảnh: Thành An.

Qua các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết, đơn vị lại mở hội thi các môn thể thao sau đó trao những phần thưởng nho nhỏ để khích lệ tinh thần nhân dịp đầu xuân năm mới. Đồng thời, những ngày này, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng cũng mời bà con dân bản đến giao lưu, thêm ấm áp tình quân dân”.

Thành An