Chiều 28 Tết Kỷ Hợi (2/2/2019), một người đàn ông tóc bạc pha sương chuẩn bị đầy đủ mũ áo, đồ lễ, lặng lẽ khấn vái dưới chân tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh tại Pò Hèn (xã Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh), ông mời đồng đội về ăn Tết.
Người đàn ông ấy là một trong những người lính cuối cùng của đồn Công an vũ Trang 209 (Đồn biên phòng Pò Hèn) còn sống sau trận đánh ngày 17/2/1979, cựu trinh sát, Chuẩn úy Hoàng Như Lý.
Ông Lý làm Tất niên, mời đồng đội về ăn Tết. Năm nay vừa tròn 40 năm đồng đội ông nằm lại biên cương, những chiến sĩ tuổi 20 ngã xuống trong lòng đất mẹ để bảo vệ non sông.
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý chiều 28 Tết tại đồn biên phòng Pò Hèn. (Ảnh Lại Cường) |
Sau 40 năm, bằng tâm nguyện của mình với đồng đội, những dấu mốc của trận đánh ngày 17/2/1979 đã được ông Lý cùng các đoàn thể hoàn thành, đó là cuộc chiến đấu quyết liệt trên đồi Quế, điểm chốt và đặc biệt là vị trí Chính trị viên của đồn là Thượng úy Phạm Xuân Tảo hi sinh.
40 năm sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Đồn biên phòng Pò Hèn hôm nay được xây dựng khang trang, chính quy hiện đại cách Khu đài tưởng niệm Pò Hèn khoảng 1km. Sau 40 năm trên những mảnh đất ngày nào là bom đạn, chết chóc đau thương, giờ đã nảy nở cuộc sống mới bình yên nơi biên cương. Thôn Pò Hèn đã trở thành một vùng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Hải Sơn. |
Cũng sau 40 năm, những người nằm lại cuối cùng của trận đánh năm xưa nhưng chưa tìm thấy hài cốt cũng đã được cựu chiến binh Hoàng Như Lý đưa về quần tụ lại với đồng đội, quê hương.
Những người đồng đội tuổi đôi mươi của ông Hoàng Như Lý đã ngã xuống, hi sinh giữ đất cho quê hương.
Nhớ về đồng đội năm xưa, ông Hoàng Như Lý đã dùng những từ trân trọng đặc biệt nhất cho người đồng đội mới gặp dù chỉ 2 ngày, Chính trị viên của đồn Công an vũ trang 209 (Đồn Pò Hèn), Thượng úy Phạm Xuân Tảo.
Với Thượng úy Phạm Xuân Tảo, ông Lý xúc động: “Cả cuộc đời của bác Tảo là sự hi sinh đến khi ngã xuống.”
Theo thông tin của cựu chiến binh Hoàng Như Lý, Thượng úy Phạm Xuân Tảo quê tại huyện Đông Hưng, Thái Bình, vốn là chỉ huy đồn Công an vũ trang ở khu vực biên giới Tây Ninh.
Chưa được hưởng những ngày hòa bình sau năm 1975, Thượng úy Phạm Xuân Tảo đã bước vào cuộc chiến mới với bè lũ Pol Pot tại biên giới Tây Nam.
Vị trí đồng đội của cựu chiến binh Hoàng Như Lý hi sinh. (Ảnh chụp lại từ gia đình ông Lý) |
Suốt 10 năm chiến đấu biền biệt xa gia đình, Thượng úy Phạm Xuân Tảo vẫn không thể có với người vợ trẻ ở quê nhà một đứa con.
Sau khi biên giới Tây Nam đã ổn định, Thượng úy Phạm Xuân Tảo được cấp trên điều động ra công tác tại tỉnh Quảng Ninh, gần gia đình hơn so với chặng đường Thái Bình – Tây Ninh xa ngút ngàn.
Về nhận công tác ở Ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là bộ đội biên phòng), anh Tảo nhận được lệnh điều động lên làm chính trị viên đồn 209.
Vừa về tới đồn Pò Hèn chiều 15/2, Thượng úy Tảo đã lập tức cùng với đồn phó quân sự Đỗ Sĩ Họa đi kiểm tra hệ thống công sự bố phòng.
Ngày 16/2, Thượng úy Tảo cùng với trinh sát Hoàng Như Lý tiếp tục kiểm tra các vị trí điểm chốt, các vị trí phòng ngự của đồn.
Cựu chiến binh Hoàng Như Lý nhớ lại:
“Chiều đó, khi hai anh em đi kiểm tra về, đến phiến đá anh Tảo đã ngồi lại nghỉ. Hai anh em đã chia sẻ về ước mơ, tương lai hòa bình.
Thậm chí, ở đồn 208 ngày ấy đã có những quy hoạch thiết kế đến tận những năm 2000.
Với mong ước của anh em trong đồn thì lúc ấy có khu nông trường khu vui chơi… Tất cả đều rất đẹp.
Trong đêm trước khi nổ ra cuộc chiến, anh Tảo có khoe anh đi miền Nam ra có cà phê mời anh em. Một số anh em ngoài Bắc nhiều năm không quen uống cà phê nên đi ngủ trước.
Trong buổi trò chuyện, anh Tảo tự tin đối phó với chiến thuật của quân thù bởi anh đã từng đụng độ với nhiều kẻ thù bên kia biên giới cũng cùng chung chiến thuật”.
Đồi Quế, một vị trí chiến đấu ác liệt của các cán bộ chiến sĩ đồn Công an vũ trang Pò Hèn. (Ảnh: Lại Cường) |
Ông Lý ngậm ngùi: “Thế nhưng thật tiếc những kinh nghiệm của anh ấy chưa được phát huy thì rạng sáng ngày 17/2, quân thù đã mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới”.
Vẫn biết rằng Trung Quốc sẽ tấn công nhưng cựu chiến binh Hoàng Như Lý cũng như cán bộ, chiến sĩ của Đồn 209 cũng không thể ngờ, địch đánh đúng vào thời điểm rạng sáng ngày 17/2/1979.
Trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh từ Hải Hòa, Móng Cái đến Thánh Phún, Pò Hèn, quân Trung Quốc đã sử dụng nhiều loại hỏa lực bắn dữ dội vào các đồn biên phòng 209, 210, 211, 212 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư dọc tuyến biên giới.
Sau 30 phút tập kích bất ngờ, địch sử dụng lực lượng gồm 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, chia làm 3 hướng tấn công sang Pò Hèn.
Mặc dù hỏa lực tấn công của Trung Quốc rất mạnh, quân địch tràn sang hàng tiểu đoàn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 lúc đó không hề nao núng mà vẫn kiên quyết đánh trả để giữ đồn, giữ đất đai biên cương.
Đặc biệt, nơi hi sinh của Thượng úy Phạm Xuân Tảo ngày 17/2 cũng chính là phiến đá mà liệt sĩ đã ngồi nghỉ ngày 16/2.
“Khi bị thương ở điểm chốt khác, bác Tảo đã cố về phiến đá đó để nghỉ. Từ phiến đá này, bác Tảo đã ra lệnh tất cả giữ vị trí chiến đấu. Khi có lệnh của bác Tảo, anh em đã chiến đấu đẩy lùi rất nhiều đợt tấn công của kẻ thù”, Cựu Chiến binh Hoàng Như Lý nhớ lại giờ phút sinh tử trong cuộc chiến năm xưa.
Đài tưởng niệm Pò Hèn hiên ngang giữa trời Đông Bắc của Tổ Quốc. (Ảnh: Lại Cường) |
Sau 40 năm ngày xảy ra chiến sự, những ký ức của lịch sử đã được ông Hoàng Như Lý cùng các đồng đội hoàn thành được tâm nguyện.
Những cột mốc của trận đánh năm xưa đã trở thành những chứng tích lịch sử của cuộc chiến đấu bi hùng trong ngày 17/2/1979 của những người lính Pò Hèn năm ấy.
Lời cuối về người đồng đội năm xưa, ông Hoàng Như Lý trầm buồn: "Bác Tảo hi sinh chẳng còn để lại kỷ vật nào".
Đồn Pò Hèn phụ trách đoạn biên giới Việt – Trung qua hai xã Pò Hèn và Thán Phún, thuộc huyện Hải Ninh. Nhân dân trong địa bàn hầu hết là người Hán và người Dao. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc có pháo và xe tăng yểm trợ bình thành thế bao vây đồn nhiều vòng, tấn công vào đồn và các chốt của đồn. Cán bộ, chiến sĩ bình tĩnh chờ địch vào gần, đồng loạt nổ súng, diệt nhiều địch, bẻ gãy đợt tấn công của chúng. Bị đánh bại đợt này, địch lại ào lên đợt khác. Cuộc chiến đấu ác hệt diễn ra nhiều giờ, thương vong nhiều nhưng đơn vị không hề nao núng, vẫn chiến đấu ngoan cường, đánh giáp lá cà với địch, đẩy lùi 10 đợt tấn công của chúng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, quân địch đông đồn đã thất thủ sau hơn 5 giờ chiến đấu liên tục. Đồn Pò Hèn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 19/12 /1979, Đồn 209 (Pò Hèn) Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh, nay là đồn biên phòng Pò Hèn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Trích lịch sử đồn biên phòng Pò Hèn) Trên nền đất thấm máu đồng chí, đồng đội năm xưa, Nhà nước đã dựng nghĩa trang liệt sĩ ghi danh 86 liệt sĩ hy sinh bảo vệ biên giới. Trong đó có 58 liệt sĩ là cán bộ chiến sĩ biên phòng hy sinh từ năm 1979 đến năm 1991 và 28 cán bộ, công nhân lâm trường, thương nghiệp. |