LTS: Chia sẻ về một số sự kiện lịch sử đáng nhớ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầu năm 1979, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Năm 1978, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thiêng liêng của mình để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Từ cuối năm 1978, quân và dân các tỉnh trên vùng biên giới Tây Nam nước ta đẩy mạnh phản công và tiến công đánh bại cuộc tấn công của tập đoàn phản động Pôn-pốt, Iêng-xa-ri.
Quân và dân ta đã đuổi chúng về bên kia biên giới và chuẩn bị chuyển sang truy kích quân Pôn-pốt khi các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia yêu cầu, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam.
Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tấn công giải phóng PhnomPenh. Ảnh tư liệu. |
Ngày 7/1/1979
Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, bộ đội quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân nước bạn đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt, Iêng-xa-ri, mang lại kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển cho đất nước Cam-pu-chia.
Ngày 8/1/1979
Dự đoán Trung Quốc có thể phản ứng mạnh ở biên giới phía Bắc, ngày 8/1/1979 Thường vụ Quân ủy Trung ương ra chỉ chị sẵn sàng chiến đấu:
"Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía Bắc; các Quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Các sư đoàn, các đơn vị trực thuộc của quân khu và quân - binh chủng, các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương tỉnh và huyện phải bảo đảm từ một phần ba đến hai phần ba quân số luôn luôn tại trận địa, chiến hào.
Các trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không phải bố trí sẵn ở trận địa, nếu có địch là nổ súng được ngay".
Ngày 9/1/1979
Quân khu 1 triển khai mệnh lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào cấp 1 cho các lực lượng vũ trang Quân khu.
Tiếp đó, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức các đoàn xuống kiểm tra các sư đoàn, trung đoàn chủ lực và chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh tự kiểm tra đơn vị thuộc quyền và báo cáo kết quả về Quân khu.
Tháng 1/1979
Đến cuối tháng 1/1979, Quân khu 1 đã hoàn thành việc điều chỉnh, bố trí các đơn vị chủ lực trên địa bàn: Sư đoàn 3 ở Lạng Sơn, Sư đoàn 325B (sau đổi thành Sư đoàn 395) ở Quảng Ninh, Sư đoàn 346 ở Cao Bằng, Sư đoàn 338 ở Đình Lập (Lạng Sơn), Lữ đoàn 242 ở vùng biển Quảng Ninh.
Biên giới phía Bắc đầu tháng 2/1979, những ngày trước khi súng nổ |
Sư đoàn 431 là khung huấn luyện tân binh, đóng ở Phú Bình (Thái Nguyên) và Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Trung đoàn 852 là khung huấn luyện tân binh ở Ngân Sơn (Cao Bằng). Trung đoàn tăng thiết giáp 407 ở Lạng Giang (Bắc Giang)...
Cũng trong tháng 1/1979, Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật bộ binh toàn quân. Hơn 200 trợ lý kỹ thuật cấp sư đoàn trở lên và cán bộ, giáo viên các nhà trường, các quân chủng, binh chủng tham dự.
Ngày 17/2/1979
Trung Quốc huy động trên 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng nghìn khẩu pháo, mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh tới Lai Châu.
"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu mới".
Ngày 18/2/1979
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác tại Phnôm Pênh (thủ đô Cam-pu-chia).
Tháng 2/1979
Thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng (Quân khu 1). Lực lượng chiến đấu gồm hai sư đoàn (Sư đoàn 346 và Sư đoàn 311), hai trung đoàn (Trung đoàn 567 và Trung đoàn 852), các đơn vị binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương.
Ngày 2/3/1979
Thành lập Quân đoàn 5 thuộc Quân khu 1. Biên chế năm sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 3, Sư đoàn 337, Sư đoàn 338, Sư đoàn 327, Sư đoàn 347), Trung đoàn phòng không 272, Trung đoàn pháo binh 166, Trung đoàn xe tăng 407, Trung đoàn công binh 514, một số đơn vị binh chủng, bảo đảm và cơ quan.
Ngày 4/3/1979
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 5/3/1979
Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký công bố lệnh tổng động viên.
Từ ngày 6-8/3/1979
Tại Hen-xin-ki (Phần Lan), Hội đồng hòa bình thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam. Hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế dự hội nghị đã lên án cuộc tấn công của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Kêu gọi nhân dân Trung Quốc đòi Chính phủ Trung Quốc rút toàn bộ quân đội ra khỏi Việt Nam; đề ra chương trình hành động quốc tế đoàn kết và bảo vệ Việt Nam.
Ngày 6/3/1979
Quốc hội và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thưởng huân chương cho 48 đơn vị và 7 cá nhân thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 9/3/1979
Thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh, cơ quan chỉ huy chiến dịch ở một hướng chiến lược quan trọng do Bộ trực tiếp chỉ huy.
Lực lượng vũ trang thuộc Mặt trận có hai sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 328, Sư đoàn 323) và lực lượng vũ trang địa phương.
Từ 17/2 đến 16/3/1979
Quân và dân ta đã giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
Chiến tranh bảo vệ biên giới chống Trung Quốc (từ 17/2 đến 16/3/1979), xảy ra trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh:
Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu.
Thời gian nổ ra cuộc chiến này trùng hợp với thời gian quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đang truy quét tàn quân Khơme Đỏ sau khi giải phóng Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng.
Phía Trung Quốc trong ngày đầu sử dụng lực lượng 5 quân đoàn và nhiều sư đoàn bộ binh độc lập, vài ngày sau lên đến 7 quân đoàn (tính cả lực lượng dự bị tới 11 quân đoàn);
Trung Quốc tập trung tiến công chủ yếu trên ba hướng chính: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, mỗi nơi 2 quân đoàn và nhiều sư đoàn.
Theo kế hoạch, trong vòng 4 - 7 ngày, quân Trung Quốc dự định chiếm xong Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường (Lào Cai), nhưng bị các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh trả, đến ngày 5-3 mới tiến được đến Cam Đường, thị xã Lạng Sơn...
Trên các hướng, Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ và một bộ phận bộ đội chủ lực để đánh trả; cả hai bên đều chưa sử dụng không quân.
Từ ngày 6/3 quân Trung Quốc vừa đánh vừa rút, đến 16/3 kết thúc rút quân.
Qua gần 30 ngày đêm (17/2 đến 16/3) chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng ba trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí...
(Thông báo của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 19/3/1979).
Đây là thắng lợi to lớn, toàn diện của dân tộc ta, thắng lợi của đường lối độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng ta, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thắng lợi của của sức mạnh đoàn kết chiến đấu và tài nghệ quân sự của các lực lượng vũ trang nhân dân, thắng lợi của truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, "Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện)" Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.
- Bộ Tư lệnh Quân khu 1, "Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 1 (1975-2010), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.