Ký ức yêu thương sau một tháng chống dịch ở Bắc Giang của sinh viên Đà Nẵng

06/07/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Dù là bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, khi người dân cần, chúng em sẵn sàng xung phong tình nguyện”, Hà Thị Thảo cho biết.

Ngày 1/7, sau khi kết thúc đợt chống dịch ở Bắc Giang, Hà Thị Thảo - sinh viên năm 2 Khoa Tài chính kế toán Trường Đại học Đông Á trở về Đà Nẵng thực hiện cách ly. Với Thảo, đó là khoảng thời gian quý giá, đáng trân trọng, là hành trình trưởng thành với những trải nghiệm ý nghĩa.

Ngày 2/6, Thảo bắt đầu lên đường cùng 3 người đồng đội của Đại học Đông Á đến chi viện cho Bắc Giang. Vì không muốn bố mẹ lo lắng và ngăn cấm quyết định của mình, Thảo giấu gia đình, gác lại những nỗi niềm, cảm xúc riêng tư để hòa vào cuộc chiến chống dịch của đất nước.

Hà Thị Thảo (giữa) và Nguyễn Văn Thắng (bên phải) từ Đà Nẵng đến Bắc Giang chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Hà Thị Thảo (giữa) và Nguyễn Văn Thắng (bên phải) từ Đà Nẵng đến Bắc Giang chống dịch. (Ảnh: NVCC)

“Vốn chẳng phải sinh viên ngành y nên em không dám chia sẻ với bố mẹ, em sợ bố mẹ sẽ không yên tâm để em đi, mãi khi đã ra Bắc Giang làm nhiệm vụ, em mới thông báo cho gia đình.

Thật may mắn vì bố mẹ đã hiểu, cảm thông và luôn động viên em từng ngày. Nhờ vậy, em càng có thêm động lực để làm việc

Thời gian ở Đà Nẵng, em xem thông tin dịch bệnh ở Bắc Giang thường xuyên, những hình ảnh các bác sĩ làm việc đến kiệt sức càng thôi thúc em được đi, được cống hiến”, Thảo tâm sự.

Sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác lấy mẫu tại tâm dịch.(Ảnh: NVCC)

Sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác lấy mẫu tại tâm dịch.(Ảnh: NVCC)

Dù không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng nhưng tinh thần xung kích, quyết tâm lên tuyến đầu chống dịch vẫn luôn rực cháy trong trái tim của cô gái nhỏ. Bởi lẽ, với Hà Thị Thảo, không kể xa xôi, dù bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, chỉ cần người dân cần, em sẽ bước đi, lên đường không ngần ngại. Thảo cũng luôn tâm niệm rằng, dù là ai cũng có thể góp công sức vào hoạt động chống dịch, mang lại chiến thắng, bình yên cho tổ quốc.

Đến với Bắc Giang, Thảo cùng các bạn sinh viên nhận nhiệm vụ hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Yên Dũng, vừa viết phiếu tay, vừa thực hiện nhập liệu vào máy tính.

Thảo tâm sự: “Điều em cảm thấy ấn tượng nhất và khiến em thấy ấm lòng nhất, hạnh phúc nhất là chúng em được nhận quá nhiều tình cảm yêu thương của người dân nơi đây.

Sau mỗi buổi làm việc, người dân lại mang đồ ăn đến cho cán bộ y tế và tình nguyện viên, rồi cả những quả ngọt trong vườn họ hái mang đến như thay cho lời cảm ơn. Những lúc công việc áp lực nhưng nhận được những món quà yêu thương ấy, ai cũng cảm thấy vơi đi phần nào mệt nhọc”.

Dẫu vậy, không có hành trình nào không có khó khăn, với Thảo và những người đồng đội cũng vậy. Vất vả bao nhiêu khi làm việc giữa trời trưa nắng nóng nhưng người dân chưa biết cách xếp hàng để lấy mẫu. Một số người dân còn phản ứng gay gắt khi phải chờ đợi.

Lúc đó, Thảo và các tình nguyện viên phải thật kiên nhẫn, giải thích, động viên người dân. Đồng thời, tổ chức sắp xếp lại để người dân thực hiện chờ lấy mẫu theo hàng lối đúng quy định.

Những chiến binh áo trắng và sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh áo trắng và sinh viên tình nguyện luôn sẵn sàng tinh thần chiến đấu và quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Thảo cho rằng, đã bước vào hành trình tình nguyện thì phải luôn kiên trì bền bỉ, phải có bản lĩnh, ý chí kiên cường và quan trọng là biết vì mọi người, hạ thấp cái tôi cá nhân để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ.

Nếu thiếu tình yêu thương, thiếu đi cái tâm của mình thì sẽ rất khó để làm việc trong điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt như thế.

“Một tháng qua là khoảng thời gian chưa đủ dài nhưng cũng không phải là ngắn, vừa làm việc vừa tôi luyện, rèn giũa bản thân, em tự thấy mình đã trưởng thành hơn.

Trước đây, em sống khép kín và ít thể hiện tình cảm của mình ra bên ngoài nhưng sau khoảng thời gian làm nhiệm vụ ở Bắc Giang, em đã biết cách mở lòng mình, biểu lộ tình cảm với mọi người xung quanh, biết kiềm chế nóng giận và những cảm xúc cá nhân trong công việc tập thể.

Đó cũng chính là bài học quý giá mà em sẽ trân trọng, giữ gìn suốt cuộc đời, là những kỷ niệm đẹp khi em khoác lên mình sắc áo xanh tình nguyện”, Thảo tâm sự.

Cùng tham gia tình nguyện đến Bắc Giang chống dịch với Hà Thị Thảo là chàng sinh viên năm nhất ngành y Nguyễn Văn Thắng.

Những giây phút nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi của sinh viên tình nguyện bên cạnh các cán bộ y tế. (Ảnh: NVCC)

Những giây phút nghỉ ngơi sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi của sinh viên tình nguyện bên cạnh các cán bộ y tế. (Ảnh: NVCC)

Tuổi trẻ của Thắng là những năm tháng tình nguyện xung kích, đi đến những miền đất khó, đến với các em nhỏ vùng cao. Với tinh thần đó, khi Bắc Giang bùng dịch, Thắng cùng bạn bè từ Đà Nẵng đã đến chi viện cho địa phương này.

Thắng cho biết: “Hai ngày đầu tiên làm nhiệm vụ ở Bắc Giang, chúng em phải làm việc đến 1 giờ sáng. Khi đó, người dân mang cơm gà cho đoàn nhưng không ai còn đủ sức ăn uống. Tất cả đều để suất cơm đến trưa ngày hôm sau.

Đêm nào đoàn cũng lấy hơn 1000 mẫu xét nghiệm, công việc vất vả thật nhưng không một ai than phiền. Bởi trước khi đi, chúng em đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với tất cả khó khăn rồi.

Em cảm thấy tự hào vì đã mang sức trẻ của Trường Đại học Đông Á đến với tâm dịch để cống hiến, ra sức cùng cả nước đánh bại kẻ thù Covid-19. Có một cô cán bộ y tế huyện nói rằng, được làm việc với chúng em, tâm hồn cô như trẻ lại. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc với những sinh viên tình nguyện như em”.

Cũng giống Thảo, hành trình chống dịch với Thắng cũng là hành trình của yêu thương và sự trưởng thành. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, quyết lên đường đến những nơi nguy hiểm nhất để làm việc, được trao gửi yêu thương.

“Khi trò chuyện cùng với các anh chị y bác sĩ, em biết có chị quê ở Bắc Giang, dù con còn nhỏ nhưng vẫn tiên phong bước vào cuộc chiến. Chị bảo rằng, khi các bác sĩ, các trường đại học khắp mọi nơi đổ về chi viện cho Bắc Giang thì một người con của quê hương không thể đứng yên mà không làm gì.

Câu nói ấy khiến em nghĩ về tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc ta, đất nước ta. Dù ở đâu, dù vùng quê nào khi gặp khó khăn thì cả nước sẽ cùng chung tay, góp sức hỗ trợ, vì vậy bản thân em càng tự hào hơn khi chính mình được tham gia vào cuộc chiến chống dịch này”, Thắng chia sẻ.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh