Làm bài thi tốt nghiệp Ngữ văn, thí sinh đừng viết câu sáo rỗng, hô khẩu hiệu

09/06/2024 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thí sinh dự thi tốt nghiệp đã hoàn thành chương trình phổ thông nhưng nhiều em vẫn viết “là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, em xin hứa...".

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh và từng nhiều năm tham gia chấm thi lưu ý thí sinh một số vấn đề để làm tốt bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm nay.

thi-thpt-hp-6382-6786.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

Phần đọc hiểu

Phần đọc hiểu, đề thi cho ngữ liệu là một đoạn trích thơ hoặc văn xuôi và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (ở mức thấp).

Theo đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, phần đọc hiểu, câu 1 và câu 2 ở mức độ nhận biết, câu 3 thông hiểu, câu 4 vận dụng.

Câu hỏi nhận biết thường hỏi về thể thơ (nếu ngữ liệu là thơ), phương thức biểu đạt (nếu ngữ liệu là văn xuôi)... Câu thông hiểu cũng có thể hỏi về từ ngữ, hình ảnh hoặc biện pháp tu từ trong ngữ liệu.

Đối với câu hỏi về từ ngữ, hình ảnh, thí sinh cần gạch chân các từ khóa ở ngữ liệu để trả lời chính xác, ngắn gọn.

Riêng câu hỏi tu từ, thí sinh cần gọi tên biện pháp tu từ nào, được thể hiện qua từ ngữ nào. Nếu câu hỏi yêu cầu nêu tác dụng của biện pháp tu từ thì nêu, còn không thì thôi.

Thí sinh cần trả lời chính xác để lấy điểm tuyệt đối ở câu hỏi nhận biết này. Có nghĩa là, nếu trả lời sai, thí sinh sẽ bị 0 điểm.

Câu hỏi thông hiểu thường hỏi về nội dung trong một đoạn ngữ liệu, thí sinh cần trả lời khoảng từ 3 đến 5 câu văn sao cho đủ ý thì mới có thể lấy điểm tuyệt đối.

Câu hỏi vận dụng thường hỏi về việc bản thân (thí sinh) có đồng tình với quan điểm của tác giả hay không hoặc yêu cầu rút ra bài học được đề cập đến trong phần ngữ liệu. Thí sinh cần trả lời khoảng 3 đến 5 câu, không viết dài dòng mất thời gian.

Phần làm văn

Câu nghị luận xã hội (vận dụng cao) yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về một nội dung có mối liên hệ với ngữ liệu ở phần đọc hiểu.

Một đoạn văn bao giờ cũng có câu chủ đề, tiếp đến là các câu triển khai chủ đề và cuối cùng là câu kết đoạn (hình thức tổng-phân-hợp). Thí sinh cần sử dụng một số thao tác lập luận phù hợp để làm rõ luận điểm của đoạn văn.

Một đoạn văn hay phải được viết ra bằng cảm xúc tự nhiên, chân thành của bản thân. Thí sinh tránh cách viết đoạn văn như một bài văn, đó là: giải thích, bàn luận, phản đề, rút ra bài học nhận thức và hành động.

Nhiều thí sinh thường viết câu chủ đề bắt đầu bằng cụm từ “trong cuộc sống” là chưa hay. Thay vào đó, thí sinh cần giới thiệu được vấn đề cần nghị luận bằng một, hai câu văn ngắn gọn. Tránh viết câu văn dài vừa không rõ nội dung vừa lủng củng tạo cảm giác khó chịu cho giám khảo.

Lưu ý, nhiều thí sinh đọc đề không kĩ nên viết lạc đề hoặc viết không đúng trọng tâm. Ví dụ, đề thi yêu cầu bàn về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống thì thí sinh cần đặt câu hỏi: sống lạc quan thì chúng ta sẽ được gì?

Nếu thí sinh viết biểu hiện của lối sống lạc quan, làm sao để sống lạc quan… là chưa đúng trọng tâm yêu cầu của đề. Những bài như thế này thường được giám khảo chấm dưới 1,0 điểm (tổng 2 điểm).

Đáng chú ý, phần kết đoạn, nhiều thí sinh viết, “là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, em xin hứa…”, trong khi bản thân các em đã được chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Hơn nữa, cách viết như thế này rất sáo rỗng, là hô khẩu hiệu một cách vô cảm.

Câu nghị luận văn học (vận dụng cao) - là câu chiếm điểm số cao nhất của bài văn nên cần dành nhiều thời gian đầu tư cho câu này.

Nếu mở bài trực tiếp, thí sinh lần lượt giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận, trích dẫn đề (viết khoảng 4-5 câu văn).

Nếu mở bài sáng tạo, thí sinh nhớ đưa hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm vào đầu phần thân bài. Cho dù phần mở bài hay nhưng thiếu nội dung này thì thí sinh sẽ bị trừ điểm.

Phần thân bài, thí sinh tránh viết từ đầu đến cuối (không xuống dòng, không tách đoạn). Mỗi luận điểm cần được triển khai thành một đoạn văn để nội dung được sáng rõ.

Khi làm phần thân bài, thí sinh cần lưu ý yêu cầu thứ nhất: nêu cảm nhận/phân tích là chính; yêu cầu thứ hai: nhận xét mở rộng là phụ. Muốn đạt điểm cao, dĩ nhiên yêu cầu phụ cũng cần phải làm tốt.

Trong quá trình phân tích, cảm nhận, thí sinh nhớ trích dẫn dẫn chứng để tránh diễn xuôi vô căn cứ. Thí sinh có học lực khá, giỏi có thể đưa thêm kiến thức lí luận văn học giúp bài viết chặt chẽ, có chiều sâu.

Tuy vậy, việc vận dụng này phải ăn nhập với nội dung bài viết, nếu không sẽ thành “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Ví dụ, một số cách viết như sau là sai: “Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ riêng mình nó không thừa nhận cái chết. Truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công một tình huống truyện đặc sắc...”.

Hay “Chekhov nói: Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà (văn) nhân đạo từ trong cốt tủy. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã thể hiện tài năng miêu tả tâm lý nhân vật Mị đặc sắc…”.

Có thể liên hệ, so sánh nội dung cần nghị luận của tác phẩm này với tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung bài viết. Tuy vậy, việc so sánh bao giờ cũng cần nội dung tương đồng, tránh so sánh không ăn nhập gì, chỉ làm bài văn dở thêm.

Và cuối cùng, phần kết bài, thí sinh cần khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Có thể nêu cảm nghĩ về sự tác động của nội dung tác phẩm đến cuộc sống hôm nay. Phần kết bài cũng nên viết ngắn gọn như mở bài, khoảng 4-5 câu văn là vừa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên