Làm gì trước nguy cơ “Death by China - Chết bởi Trung Quốc”

02/05/2017 08:07
Xuân Dương
(GDVN) - Một khi chính người Mỹ phải thừa nhận “chúng ta (Hoa Kỳ) đang tạo ra mầm mống cho sự suy vong của chính chúng ta” thì người Việt có nên đánh giá lại mình.

Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết cuối cùng trong loạt bài Death by China của tác giả Xuân Dương. Các bài trước, quý vị có thể xem tại đây và tại đây.

Peter Navaro có lẽ là cái tên chưa được nhiều người Việt Nam chú ý. Ông vốn là Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng - Đại học California, Irvine - Hoa Kỳ. 

Ông cũng là một trong những học giả chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách của Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, tiền tệ, sản xuất, …

Không phải ngẫu nhiên vừa qua Peter Navarro được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng.

Tác phẩm nổi tiếng của Peter Navarro viết cùng Greg Autry là cuốn: “Death by China”. 

Dịch sát nghĩa tên cuốn sách này phải là “Chết bởi Trung Quốc” song người viết chọn cách dịch “Chết dưới tay Trung Quốc” chỉ là dựa vào ý kiến một đồng nghiệp trẻ. 

Nhiều người cho rằng đây là “cuốn sách đã cầm trên tay phải đọc đến trang cuối cùng”.

Bìa cuốn sách "Death by China". (Ảnh: wikipedia)
Bìa cuốn sách "Death by China". (Ảnh: wikipedia)

Paul Midler - một doanh nhân đã làm việc và sinh sống ở Trung Quốc lâu đến nỗi ông tự xem mình là người địa phương nhận xét cuốn sách như sau: 

Chết dưới tay Trung Quốc” đưa ra thêm bằng chứng cho thấy chúng ta đang tạo ra mầm mống cho sự suy vong của chính chúng ta. 

Navarro và Autry trình bày tỉ mỉ cách thức Trung Cộng ăn cắp kỹ thuật và công ăn việc làm của Hoa Kỳ, bán lại cho chúng ta sản phẩm kém phẩm chất, rồi lại dùng ngay các lợi nhuận thu được để sản xuất vũ khí đe dọa toàn thế giới”.

Một khi chính người Mỹ phải thừa nhận “chúng ta (Hoa Kỳ) đang tạo ra mầm mống cho sự suy vong của chính chúng ta” thì người Việt có nên đánh giá lại suy nghĩ của mình? 

Tác phẩm “Chết dưới tay Trung Quốc” gồm 5 phần, 16 chương. Câu đầu tiên trong cuốn sách là:

Chết dưới tay Trung Quốc. Đây là hiểm nguy rất thực mà giờ đây tất cả chúng ta phải đối mặt khi quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới này đang nhanh chóng biến thành sát thủ tàn độc nhất hành tinh”.

Theo người viết, cả hai tác giả - Navarro và Autry - chưa hoàn toàn chính xác khi đánh đồng giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc trong nhận định nêu trên bởi không ít học giả người Hoa - trong và ngoài nước - đã lên tiếng cảnh báo giới lãnh đạo của họ về hậu quả tai hại mà chính sách “phục hưng dân tộc Trung Hoa” có thể mang lại.

Đầu tiên và trên hết là chủ nghĩa dân tộc cực đoan được nhồi nhét cho hơn một tỷ người dân đất nước này. 

Phùng Học Vinh, một học giả chuyên ngành lịch sử sống tại Hồng Kông, trong bài viết “Mấy điều nực cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc” công bố ngày 9/4/2015, đã chỉ ra 5 điều “nực cười”, xin được tóm tắt như sau: [1]

Ta có thể phản đế, nhưng ngươi không thể độc lập; 
Ngươi đánh ta là xâm lăng, ta đưa quân đánh ngươi là tự vệ; 
Từ xưa đến nay, nơi nào người Hoa đặt chân đến là của Trung Quốc; 
Không được nói Trung Quốc lừa dối thiên hạ; 
Không cần chứng minh, phải thừa nhận Trung Quốc luôn luôn đúng
”.

Làm gì trước nguy cơ “Death by China - Chết bởi Trung Quốc”  ảnh 2

Chiến lược “Made in China 2025” và cuốn sách “Death by China”

Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ, nêu ý kiến:

Người Hán có tật thích làm quan. Chỉ cần cho làm quan, tựa như quẳng khúc xương cho con chó, là cúi đầu cụp tai ngoan ngoãn nghe theo”. [2]

Ý kiến của hai học giả Trung Quốc nêu trên chưa phản ánh toàn bộ quan điểm của giới tinh hoa nước này song nó phần nào hé lộ một sự thật, rằng người dân Trung Quốc thực ra cũng chỉ là nạn nhân của ảo vọng bá chủ của giới cầm quyền, 

Các vua chúa Trung Hoa thường xưng mình là “Quả nhân” tức là con người cô độc, không có bạn bè, chỉ có thần tử. 

Nước Trung Quốc mới cũng đang trên đường trở thành “Quả quốc” khi quốc gia thân cận nhất - Bắc Triều Tiên - trở thành nạn nhân mới của tham vọng chia đôi thế giới với Hoa Kỳ. 

Những gì mà Bắc Hàn đang làm - như đánh giá của báo chí Trung Quốc - là không thể chấp nhận và sẽ đối diện với sự trừng phạt mạnh mẽ hơn, cả kinh tế và quân sự từ hợp tác Mỹ - Trung!  

Chỉ những kẻ ngu ngốc mới không nhận thức được, rằng thế giới là của chung nhân loại, không phải của riêng một chủng tộc nào. 

Một chính khách sáng suốt nên biết điểm dừng, biết lấy phần vừa đủ cho mình, dành phần cho người khác.

Tham lam quá không tránh khỏi có lúc bị “đánh hội đồng”. Bầy trâu rừng hiền lành khi nổi xung có thể giết chết vài con sư tử.

Người giàu ngày nay, họ là ai?

Không chỉ nước Mỹ, thế giới đang rơi vào bẫy của Trung Quốc và Việt Nam không là ngoại lệ. 

Vấn đề là trong khi người Mỹ đã nhận rõ bản chất “bằng mọi giá” của chủ thuyết “Phục hưng dân tộc Trung Hoa” thì người Việt cần làm gì? 

Trong “Death by China”, người Mỹ đã nhận diện chiến lược của Trung Quốc như thế này: “trước hết chia rẽ nước Mỹ và sau đó chinh phục nó”.

Thực ra trong nhận định này, hai tác giả người Mỹ chỉ thay đổi tên quốc gia - Việt Nam thành Mỹ - chứ chưa có phát hiện gì mới. 

Bài viết “Hiệp định Geneva: Những gì để lại cho hôm nay?” trên Vietnamnet.vn có đoạn:

Ở hội nghị Geneva, Việt Nam đã phải thuận theo nhiều lời “chỉ dẫn” bất lợi từ các “đồng chí”, “đồng minh” của mình.

Bài học sâu sắc qua Hội nghị Geneva là phải hiểu cả những toan tính của “đồng chí”, “đồng minh”, không mơ hồ và ảo tưởng”. [3]

Bài viết không nêu đích danh tên “đồng chí” và “đồng minh” song phần đông người Việt đều biết đó là những ai. 

Đó chính là những kẻ đã và đang muốn đẩy những “bất lợi” về phía Việt Nam, muốn nhân dân Việt Nam phải phải thay họ chiến đấu chống đối thủ của họ “đến người Việt cuối cùng”.

Làm gì trước nguy cơ “Death by China - Chết bởi Trung Quốc”  ảnh 3

“Death by China”

Trong những ngày đàm phán ở Paris, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nói với H. Kissinger (được Larry Berman ghi lại):

Trong cuộc đấu cờ, người thắng và kẻ thua phải chính là những người chơi cờ, không còn cách nào khác. Chúng tôi độc lập trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi”. [3]

Vì “đồng minh” và “đồng chí” mà người Việt phải mất thêm 21 năm chiến đấu, phải hy sinh hàng triệu sinh mạng cho cuộc chiến thống nhất đất nước.

Phải chăng cũng vì “đồng minh” và “đồng chí” mà nền kinh tế Việt Nam ngày nay vẫn là một nền kinh tế còi cọc, luôn nhập siêu từ Trung Quốc, nợ công cao chưa từng thấy?

Việc chia cắt Việt Nam trước đây và Triều Tiên ngày nay chính là nhằm mục đích đưa hai nước vào vòng kiểm soát của “người bạn lớn”. 

Khi âm mưu không thành, năm 1979 họ tấn công xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam. 

Hiện họ đang gây sức ép về kinh tế, ngoại giao và quân sự với Bắc Hàn, không loại trừ phương án thay thế chính quyền Bình Nhưỡng hiện tại bằng những người đồng ý nhận sự “giúp đỡ” của họ mà thực chất là trở thành đội quân xung kích hy sinh máu xương thay họ.

Một nhận định khác của Navarro và Autry người viết cho là đúng nhưng không khách quan: 

Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

Dù họ nói gì đi nữa, có một sự thật là người Trung Quốc đến châu Phi không chỉ với các kỹ sư và nhà khoa học. Họ đang đến với cả các nông dân. Đó là chủ nghĩa thực dân mới. Không đạo đức, không giá trị”. (chương 7)

Đúng ở chỗ cư dân Trung Quốc “xuất khẩu” ra nước ngoài thuộc đủ mọi tầng lớp - từ người trồng rau đến nhà khoa học - song không chỉ ở châu Phi mà còn ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. 

Không khách quan ở chỗ chẳng lẽ chỉ Trung Quốc mới là “thực dân mới” còn Mỹ thì không? 

Hãng Coca Cola Mỹ khai thác thị trường Việt Nam bao nhiêu năm, nộp bao nhiêu tiền thuế cho Chính phủ Việt Nam? Mang bom đạn dội xuống cả châu Âu, châu Phi, châu Á chẳng lẽ không phải là “thực dân mới”?

Khi viết bài báo “Màu đồng chí” người viết chưa chưa biết đến tác phẩm “Chết dưới tay Trung Quốc” nhưng có một sự trùng hợp thú vị khi nói đến “kẻ khờ”. 

Chúng ta chẳng trông mong được gì vào cái khẩu hiệu mà người ta vẽ ra nhằm che mắt kẻ khờ” (Màu đồng chí). “Đừng bao giờ cho kẻ khờ một phút lơi lỏng” (Death by China - chương 7).

Trong cuộc sống, với mỗi cá nhân, đôi khi có chuyện “thánh nhân đãi khù khờ”, với một “dân tộc khờ” chẳng thánh nhân nào có thể giúp họ độc lập, tự do, chẳng thánh nhân nào có thể bảo vệ họ trước nanh vuốt của bầy sói. 

Làm gì trước nguy cơ “Death by China - Chết bởi Trung Quốc”  ảnh 4

Người Việt, Nhất và Bét

Liệu có xảy ra tình trạng không ít người Việt hôm nay không chỉ mất cảnh giác bởi sự ngây thơ tin vào “những điều, những chữ” mà đôi lúc còn mơ hồ về “đồng minh”, “đồng chí”?

Tiêu diệt ngoại xâm đã khó, tiêu diệt nội xâm càng khó hơn bởi không ít trường hợp bọn “nội xâm” ấy được hậu thuẫn do “cả họ làm quan”, do “quy trình” chẳng bao giờ sai và cũng do các “nhóm lợi ích” trong đó có nhóm đủ sức mạnh lũng “kinh tế và chính trị” như một vị cựu ủy viên Trung ương Đảng từng nhận định.

Khi người ta tuyên truyền câu chuyện “chung lý tưởng”, “chung vận mệnh” ngay tại Hà Nội thì phải chăng nhận định sau đây của Navarro và Autry về người Trung Quốc cũng có thể áp dụng với Việt Nam: 

Một cách dễ hiểu hơn, có quá nhiều người Trung Quốc dường như sẵn sàng từ bỏ các quyền tự do ngôn luận và quyền con người để đổi lấy quyền và tiền cần thiết để mua xe BMW và bánh Big Mac”. (chương 15)

Để tránh “chết dưới tay Trung Quốc”, những lời khuyên của Navarro và Autry là khá toàn diện, song trong 7 vấn đề mà các tác giả đề xuất, có 3 điều người viết thấy phù hợp với tình trạng Việt Nam hiện tại: 

Tránh bị giết bởi hàng hóa rác rưởi và độc hại từ Trung Quốc; Tước bỏ vũ khí hủy diệt việc làm của Trung Quốc; Đối mặt và chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc”. (chương 16)

Bên cạnh đó, do đặc thù hệ tư tưởng và quan hệ văn hóa, lịch sử, người Việt còn cần phải làm những việc khác mà người Mỹ không quan tâm:

Một là thay đổi bản sắc “văn hóa làng”

Người Việt xưa nay coi trọng “văn hóa làng”, xem “làng” là cái gốc trường tồn của nòi giống. 

“Lũy tre làng” vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là chiến lũy chống xâm lăng. Văn hóa làng xã được cổ súy thái quá dẫn đến ngày nay, làng nào cũng mở hội, một năm đất nước có tới 8.000 lễ hội, trung bình một ngày là 22 lễ hội. 

“Văn hóa làng” len lỏi vào chốn công quyền khiến 63 tỉnh là 63 nền kinh tế, khiến quận này truy quét thì tội phạm chạy sang quận khác.

“Văn hóa làng” khiến người Việt trở nên “khôn lỏi”, giỏi đối chữ chứ không giỏi đối sách, giỏi kiểu “vẽ 10 con giun” chứ không phải là thiết kế tổng thể. 

Điều tệ hại nhất là không ít người Việt ngày nay vẫn mang tâm lý “nước nhỏ” trong bang giao quốc tế, không ít người khoác trên mình danh hão “giáo sư, tiến sĩ” song chẳng làm được cái gì cho khoa học, giáo dục nếu không nói là ăn hại.

“Văn hóa làng” đã từng được Chế Lan Viên nhận diện: “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, nó khiến lớp trẻ ngày nay có xu hướng “học mót”, “học vẹt”, “học giả” chứ không phải là học vấn.

Hai là vạch ra “ranh giới đỏ” giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Phá rừng phòng hộ tại Phú Yên, băm nát bán đảo Sơn Trà, lấn vịnh Cam Ranh, lấp sông Đồng Nai chỉ là vài ví dụ trong hàng trăm, hàng nghìn vụ phá hoại “rừng vàng, biển bạc” mà cha ông để lại. 

Hàng chục nhà máy nhiệt điện công nghệ cũ đang tạo nên những đám mây khói, bụi lơ lửng trên bầu trời, rồi còn đó là những nhà máy bột giấy, xi măng, xăng sinh học,… “đắp chiếu” mà hậu quả là quá nhiều thuế, phí khiến người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu.

Ba là xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại đủ sức trang bị cho quân đội những vũ khí uy lực cao, tầm bao phủ rộng dù là với mục đích phòng thủ.

Việt Nam không có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân song sở hữu vũ khí phòng thủ đủ mạnh là điều nhất thiết phải làm.

Trong khi chưa đủ tiềm lực sản xuất máy bay, tàu ngầm thì điều nên làm lúc này là nghiên cứu chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn. 

Với đường chim bay Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 1.200 km, tên lửa phải đủ tầm chi viện khi có sự cố dù đặt ở bất kỳ nơi nào trên đất liền. 

Chỉ khi đó chúng ta mới có thể vừa bảo vệ vùng trời, vùng biển, vừa răn đe những cái đầu nóng ngấp nghé ngoài Biển Đông bất kể chúng đến từ hướng nào.

Bốn là thay đổi căn bản, toàn diện công tác tổ chức và cán bộ

Chấm dứt việc tuyển dụng cán bộ theo kiểu “dự kiến, luân chuyển, quy hoạch”. Tất cả vị trí trong cơ quan công quyền đều phải qua thi tuyển công khai, minh bạch.

Trọng tâm của công tác cán bộ nên làm là nhanh chóng thực hiện “nhất thể hóa” chức vụ Đảng và chính quyền, cùng với đó là “nhất thể hóa” các đoàn thể quần chúng. 

Nhất thể hóa chức vụ Đảng và chính quyền ít nhất cũng giảm đi 63 trụ sở cấp tỉnh, 713 trụ sở cấp huyện và khoảng trên 10.000 trụ sở cấp xã. (theo wikipedia.org, tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2017, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.585 phường, 590 thị trấn và 9039 xã [4]).

Bên cạnh trụ sở, việc nhất thể hóa còn góp phần giảm thiểu đội ngũ cán bộ, trang bị xe công, lương, văn phòng phẩm,… Chắc chắn đây không phải là số tiền nhỏ.

Nhất thể hóa các tổ chức quần chúng nghĩa là Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh,… sẽ tập trung thành một tổ chức, có thể là Mặt trận Tổ quốc.

Báo chí trong nước không thiếu ý kiến cho rằng “công đoàn ăn theo, nói leo”, có nên quan tâm đến vấn đề này?

Muốn tránh nguy cơ “Death by China”, gánh nặng không chỉ nằm trên đôi vai lãnh đạo mà còn là trách nhiệm mỗi con dân nước Việt, những ai không đủ tâm và tầm xin đừng cố chấp. 

Hãy mạnh dạn “tìm người tài” chứ không phải “đồng minh” hay “đồng chí” như bài báo trên Vietnamnet.vn đã dẫn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.youtube.com/watch?v=3VlVmmww8Ws

[2] http://tuanvietnam.net/2010-08-30-tuong-luu-a-chau-ban-ve-van-hoa-trung-quoc

[3]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/hie-p-di-nh-geneva-nhu-ng-gi-de-la-i-cho-hom-nay-186943.html

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_(Vi%E1%BB%87t_Nam)

Xuân Dương