COC và câu chuyện kẻ thắng, người thua

30/04/2017 07:56
TS Trần Công Trục
(GDVN) - COC khó có thể sớm được thông qua, trừ phi Trung Quốc thay đổi yêu sách phi lý của họ hoặc các bên đồng lòng bàn đến phương án tạm thời gạt vấn đề chủ quyền...

Manila hiện đang trong không khí hối hả, tấp nập, với những thông tin được phát ra từ các phiên họp, đàm phán, thương thảo… xoay quanh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30.

Đặc biệt là những thông tin lên quan đến nội dung COC đang gây chú ý đặc biệt, bởi nó vừa có tính thời sự, vừa là vấn đề pháp lý, chính trị nổi bật nhất trong chính trường khu vực đã kéo dài hơn thập kỷ qua…

Trong số đó, chúng tôi đặc biệt lưu ý và muốn làm sáng tỏ ý kiến cho rằng:

“Việt Nam sẽ thua nếu có COC, với lập luận Hoàng Sa sẽ bị Trung Quốc gạt khỏi COC, nếu có, vì đây là vấn đề song phương Việt Nam - Trung Quốc, hoặc tệ hơn là Trung Quốc phủ nhận mọi tranh chấp ở Hoàng Sa…” được đăng tải trên Forbes ngày 27/4/2017. [1]

Chúng tôi xin nêu và phân tích một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục đích và tiến trình xây dựng COC:

Một lần nữa xin được nhắc lại điều này, mặc dù chúng tôi đã trình bày khá đầy đủ trong bài: “COC là Bộ Luật Biển khu vực?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/4/2017:

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày 04/11/2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 8 tổ chức ở Phnom Penh, Campuchia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Thực chất đây chỉ là một văn kiện chính trị được coi là một giải pháp tình thế để tạm thời giúp vượt qua một số bất đồng trong đàm phán xây dựng COC vào thời điểm đó. 

Vì vậy, ngay sau khi ký kết, để hiện thực hóa các quy định của DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thành lập hai cơ chế là: Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC (SOM ASEAN - Trung Quốc) và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC (ACJWG).  

Theo Quy chế làm việc, ACJWG được giao nhiệm vụ đề xuất lên SOM ASEAN - Trung Quốc các khuyến nghị liên quan trong các lĩnh vực mà DOC đã đề cập và xây dựng Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC. 

Từ năm 2005 đến nay, Nhóm Công tác chung đã tổ chức sáu cuộc họp; trong đó, cuộc họp lần thứ tư tại Hà Nội (tháng 4/2010), cuộc họp thứ năm tại Côn Minh, Trung Quốc (tháng 12/2010) và cuộc họp lần thứ sáu tại Indonesia (tháng 4/2011). 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc (22/7/2011), hai bên đã thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; 

Cũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10/2010, lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC;

Đồng thời hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; hoan nghênh những tiến triển đạt được trong lĩnh vực này trong thời gian vừa qua.  

Trong năm 2012 Campuchia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, an ninh Biển Đông là chủ đề thu hút sự chú ý rất lớn của các Hội nghị.

Theo đó, cùng với các vấn đề quan trọng khác, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác cũng nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng và thông qua COC. 

Ngày 20/7/2012, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông” nêu rõ, thực hiện đầy đủ DOC (năm 2002), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (năm 2011) và sớm đạt được COC. 

Tuyên bố coi đây là bước đi cấp thiết trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015.

Đồng thời, điều này tạo tiền đề để giải quyết triệt để và lâu dài các tranh chấp phức tạp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.  

Theo đó, ASEAN cùng Trung Quốc cần sớm xây dựng và ban hành COC mang tính ràng buộc pháp lý, khắc phục những điểm bất cập của DOC, dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, TAC và các văn bản pháp lý liên quan khác.

2. COC nếu được thông qua sẽ không có kẻ thắng, người thua. 

Căn cứ vào mục đích và tiến trình xây dựng COC đã được giới thiệu tóm tắt nói trên, chúng tôi có thể khẳng định rằng COC là một văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các loại quan hệ diễn ra trong khu vực Biển Đông. 

Hình minh họa: Báo Sóc Trăng.
Hình minh họa: Báo Sóc Trăng.

Đây là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp phức tạp về các quyền và lợi ích giữa các quốc gia, các thể nhân, tự nhiên nhân, các tổ chức,... 

Trong tình hình tranh chấp phức tạp hiện nay, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là văn bản mà hầu hết cộng đồng khu vực và quốc tế đều mong muốn sơm được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Với tất cả những quy định pháp lý đủ để điều chỉnh có hiệu quả mọi quan hệ, tranh chấp diễn ra trong Biển Đông, COC có thể được coi là một bộ Luật Biển khu vực, trong đó bắt buộc phải bao hàm đầy đủ các Chương, Mục, Điều khoản rất cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng. 

Hơn nữa, các nội dung đó phải được các bên liên quan đàm phán, nhất trí thông qua. Nếu có bất kỳ một bên tham gia nào không nhất trí đối với một số nội dung nào đó thì COC sẽ không thể ra đời được.

Vì vậy, các bên tham gia ký kết phải trải qua một quá trình thương thảo để đi đến thống nhất hoàn toàn nội dung cần thiết trên cơ sở dung hòa được tất cả các ý kiến, quan điểm khác nhau.

Nhất là các yêu sách có liên quan đến phạm vi điều chỉnh;  chủ thể, đối tượng điều chỉnh; quyền hạn và nghĩa vụ của các thành viên….Trong đó trở ngại lớn nhất, theo chúng tôi, đó là việc thống nhất xác định phạm vi điều chỉnh của COC. 

Bởi vì, các bên tham gia ký kết phải thống nhất phạm vi áp dụng của COC đến đâu, bao gồm toàn bộ Biển Đông hay chỉ một phần nào đó thôi?

Nó có bao gồm tất cả các đảo và vùng nước bên ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở, lãnh hải của các quốc gia ven biển và các đảo ở Biển Đông không? 

Cần phân định rõ khu vực tranh chấp và không tranh chấp, xác định rõ những hoạt động được phép và không được phép thực hiện tại khu vực tranh chấp;

Đặc biệt là tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quyền tự do và an ninh hàng hải, an ninh hàng không tại Biển Đông phù hợp với quy định của UNCLOS1982.  

Khi xác định phạm vi này nếu tranh cãi nhau về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo này thì chắc sẽ khó đi đến thống nhất được.

Đó là còn chưa tính đến việc giải thích và áp dung UNCLOS khác nhau có liên quan đến hiệu lực của các thực thể địa lý khi xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Và đặc biệt là yêu sách phi lý của Trung Quốc coi 90% Biển Đông nằm trong đường biên giới biển của họ và coi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là lãnh thổ của họ, không có vấn đề tranh chấp, không phải là đối tượng để đàm phán….

Nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ yêu sách phi lý của họ và tìm mọi thủ đoạn để hợp thức hóa các yêu sách đó thì chắc chắn sẽ khó có thể thống nhất được nội dung COC một sớm một chiều.  

Trừ phi tất cả “các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ làm dịu mối hận thù ở Biển Đông trong Hội nghị cấp cao tại Manila” như ý kiến của một ai đó đã từng nhận định theo chiều hướng cho rằng “làm dịu mối hận thù” đồng nghĩa với sự “đầu hàng, khuất phục” trước những hành động của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã và đang vi phạm nghiêm trọng các quyền hợp pháp của các quốc gia ở xung quanh Biển Đông và chà đạp lên lợi ích chính đáng của các quốc gia khác trong khu vực cũng  như ngoài khu vực, như:

Dùng vũ lực để đánh chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa; đã và đang tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể ở 2 quần đảo này;

Trung Quốc đang thực hiện “quân sự hóa” Biển Đông, tạo nên tình trạng chạy đua vũ trang trong khu vực, đe dọa đến an ninh an toàn hàng hải hàng không trong Biển Đông, uy hiếp nền hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực…

Chúng tôi không theo chiều hướng bi quan này mà ngược lại, chúng tôi tin rằng các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ kiên trì nỗ lực đàm phán hòa bình với phía Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. 

Trước mắt là phải thống nhất được nội dung của COC, một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực điều chỉnh mọi mối quan hệ trong Biển Đông đang đứng trước nguy cơ xung đột, chiến tranh… 

Như vậy, theo tôi, đa số các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ áp dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; nghĩa là khôn khéo, mềm mỏng về mặt sách lược, nhưng kiên định vững vàng về chiến lược trong ứng xử với Trung Quốc. 

Tất nhiên cũng có thể sẽ có một vài nhà lãnh đạo nào đó, vì lợi ích chính trị, kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc mà đi ngược lại nguyên vọng chung của cộng đồng khu vực. 

Nhưng, nhiều nhà lãnh đạo chân chính của các quốc gia trong khu vực vẫn giữ vững lập trường quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia, trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật và có trách nhiệm duy trì đối thoại vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Từ những phân tích nói trên, chúng tôi cho rằng COC khó có thể sớm được thông qua, trừ phi Trung Quốc thay đổi yêu sách phi lý của họ hoặc các bên đồng lòng bàn đến phương án tạm thời gạt vấn đề chủ quyền ra ngoài COC; mọi quy định của COC không làm thay đổi yêu sách chủ quyền của các quốc gia liên quan; vấn đề này sẽ được bàn thảo ở một diễn đàn khác. 

Nếu được như vậy, một khi COC được thống nhất thông qua sẽ không có chuyện người thắng, kẻ thua. Tất cả đều thắng. 

Trên tinh thần đó, chúng tôi hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ vẫn tiếp tục giữ vững và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Mà trước hết, dù khó khăn đến đâu cũng vẫn nên duy trì kênh đối thoại, đàm phán hòa bình để từng bước tạo sự đồng thuận, đoàn kết, sớm có được một bộ quy tắc ứng xử trong Biên Đông như kỳ vọng của cả cộng đồng khu vực và quốc tế trong hơn mấy thập kỷ qua./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.forbes.com/sites/ralphjennings/2017/04/27/vietnam-will-lose-the-most-from-a-code-of-conduct-in-the-south-china-sea/#2dd19d7462a0

TS Trần Công Trục