Làm sao để tránh tình trạng trung tâm kiểm định “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

23/08/2022 06:49
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thì họ thực hiện các chức năng kiểm định chất lượng giáo dục rất thuận lợi. 

Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận văn bản số 2756/ LĐTBXH-TCGDNN ngày 29/7/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc lấy ý kiến các dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó Bộ đề nghị Hiệp hội “nghiên cứu, cho ý kiến đối với nội dung dự thảo nghị định”.

Dự thảo nghị định nhằm sửa đổi, bổ sung hai nghị định: Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30/3/2018 của Chính phủ về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Nghị định 49), Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động (Nghị định 44).

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, qua nghiên cứu, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham góp ý kiến liên quan đến Nghị định 49 đặc biệt là những vấn đề kiểm định chất lượng.

Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Đảng cộng sản

Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Đảng cộng sản

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Nghị định 49 quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Trong đó bao gồm các đơn vị sự nghiệp "được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam” (Khoản 1, Điều 4).

Dự thảo nghị định sửa quy định trên thành: “được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Về nội dung này Hiệp hội cho rằng:

Thứ nhất, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả “cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (nếu có)”. Hiệp hội hiểu là dự thảo nghị định muốn hướng dẫn thực hiện nguyên tắc “độc lập, khách quan, đúng pháp luật” tại điểm a, khoản 3, Điều 65 của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tuy vậy, việc thêm một ý không thuận theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (mang tính loại trừ) làm hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không đúng nguyên tắc xây dựng nghị định. Rất tiếc, dự thảo Tờ trình Chính phủ quá sơ sài, không hề giải thích tại sao loại trừ việc cấp giấy Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động không cho trung tâm kiểm định chất lượng thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong khi đó chúng ta đang xây dựng nghị định nhằm tạo điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp là: Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong từng giai đoạn nhất định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp (Điều 65).

Thực ra, kiểm định chất lượng giáo dục chỉ là khâu cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng bao gồm xây dựng và phát triển mô hình đảm bảo chất lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng.

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, hoạt động kiểm định chất lượng cần một lực lượng chuyên gia am tường về quy trình đào tạo cũng như chuyên môn sâu theo ngành hoặc nhóm ngành của giáo dục nghề nghiệp mà đó là thuộc tính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có ưu thế so với các tổ chức kinh tế-xã hội khác.

Như vậy, khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thì họ thực hiện các chức năng kiểm định chất lượng giáo dục rất thuận lợi. Vấn đề đặt ra chỉ ở chỗ làm thế nào để tổ chức này “độc lập”, không “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thứ ba, thực tiễn hoạt động kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học cho thấy hiện nay đang có hai luồng ý kiến về tính “độc lập” của 4/7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục gắn với cơ sở giáo dục đại học.

Luồng thứ nhất cho là bốn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên không bảo đảm nguyên tắc “độc lập”. Luồng ý kiến thứ hai cho là khái niệm độc lập (independence) cần được hiểu là “khả năng của cơ quan để thực hiện các chức năng của mình một cách đầy đủ và chất lượng mà không bị ảnh hưởng từ bên ngoài” (the Agency's ability to perform its functions fully and qualitatively without outside influence).

Tính “độc lập” cần nhấn mạnh về ý thức và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện và giám sát hoạt động kiểm định chất lượng mà không phụ thuộc vào việc ai lập ra nó.

Vì thế, nên giữ nguyên trạng tổ chức của các trung tâm kiểm định chất lượng (thuộc các cơ sở giáo dục đại học) với chức năng hạn chế ở việc tiến hành kiểm định cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo thuộc các cơ sở giáo dục khác ngoài trường. Hiện khâu lập pháp liên quan đến việc này còn có những hạn chế, vì thế đã đặt hệ thống kiểm định chất lượng vào tình huống bị động lúng túng trong triển khai.

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất: giữ nguyên khoản 1, Điều 4 của Nghị định 49; bổ sung thêm một khoản vào Điều 12 (điều về quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp) của Nghị định 49 để bảo đảm tính độc lập của hoạt động kiểm định chất lượng.

Ví dụ: đơn vị kiểm định chất lượng không được tổ chức kiểm định chất lượng cho chính cơ sở giáo dục thành lập nó, đồng thời quy định tỷ lệ thành viên các Đoàn đánh giá ngoài thuộc đơn vị thành lập không vượt quá tỷ lệ nào đó (ví dụ, 1/3) và Trưởng Đoàn không phải là lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo cơ sở giáo dục thành lập nó.

Linh Hương