Người lớn “đỏ mặt” trước thắc mắc của trẻ
Không ít thắc mắc về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản của con nhỏ làm phụ huynh phải rối bời không biết trả lời thế nào. Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, con còn nhỏ chưa biết gì nên nghe con hỏi, họ bị sốc hoặc không biết cách đối diện nên quay sang quát con hỏi bậy bạ, vớ vẩn rồi tìm cách đánh lạc hướng.
Chị Hồ Trang Lê, nhà ở Q.4, TPHCM cho hay, cô con gái 5 tuổi của chị gần đây hay hỏi rất nhiều chuyện liên quan đến giới tính, sinh sản. Cháu hỏi tại sao gái đi tè phải ngồi, con trai lại đứng; con sinh ra ở đâu… làm chị phải lôi ngay chuyện khác để đánh lạc hướng con. Thế nhưng cháu vẫn đeo mẹ để hỏi bằng được “Con sinh ra ở đâu?”. Bí quá, người mẹ trả lời: “Con sinh ra ở bệnh viện Từ Dũ”.
Tại chương trình giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, người mẹ tên Mai chia sẻ, cậu con trai của mình gọi rõ tên các bộ phận trên cơ thể trừ bộ phận sinh dục nên cháu rất tò mò, luôn chỉ tay hỏi: “Vậy cái này gọi là gì mẹ?”. Nhiều lần tránh không xong, chị Mai đáp: “Nó là con thằn lằn”.
"Lâu nay, tôi vẫn vòng vo nói với cậu con trai 8 tuổi là cháu sinh ra từ nách, từ rốn mẹ. Lần đó, hai mẹ con đến dự một chương trình tư vấn giới tính, khi được chuyên gia hỏi: "Con biết mình được sinh ra từ đâu không?", tôi ngỡ ngàng khi cháu đáp: "Con sinh ra từ "cái ấy" của mẹ". Hóa ra cháu biết nhiều hơn mình tưởng mà mình cứ né tránh.” - Chị Vy Xuân Anh, phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở Q. Phú Nhuận, TPHCM
Giáo viên tại một trường tiểu học ở Q.1, TPHCM cho hay, cô từng “chết điếng” khi một học cô học trò thủ thỉ: “Làm “chuyện ấy” khi đứng thì không dính bầu phải không cô?”. Sau những phút bần thần, cô giáo nhẹ nhàng nói với học trò, tuổi của các em là tuổi học, tuổi vui chơi, dần dần các em sẽ được học tìm hiểu rõ hơn. Sau đó, cô trao đổi với gia đình để mắt với cháu hơn.
Giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ: Khó mà dễ
Theo ThS xã hội học Phạm Thị Thúy (Phó GĐ Công ty Kỹ năng sống TPHCM), phụ huynh thường gặp phải những tình huống trục trặc liên quan đến vấn đề về giáo dục giới tính (GDGT) của con là do lượng kiến thức của họ về lĩnh vực này cũng rất ít. Vì không biết và cũng không được hướng dẫn cách nói chuyện về vấn đề được xem là “nhạy cảm” nên họ bị lúng túng khi nghe con hỏi.
Bà Thúy cho rằng, mục tiêu của GDGT thật ra chính là giáo dục để trẻ làm người, giúp trẻ sống đúng với giới tính của mình. Đặc biệt là giáo dục con biết trân trọng giá trị của bản thân, từ đó sẽ biết quý trọng người khác. Trẻ hiểu bản thân, trân trọng con người mình, giới tính của mình thì mới biết bảo vệ mình khỏi những cám dỗ, xâm hại bên ngoài cũng như biết tôn trọng thân thể người khác. Đó chính là quá trình giúp con hoàn thiện nhân cách.
Bà Thúy nhấn mạnh việc GDGT cho con không phải là dành ra một buổi rồi gọi con ngồi nói chuyện là xong mà phải diễn ra hàng ngày, mọi lúc mọi nơi. “Khi ăn uống, khi đi ngủ, khi tắm cho con hay lúc xem phim có cảnh hẹn hò yêu đương, lúc gặp đám cưới, bà bầu… Những tình huống trong cuộc sống chính là lúc cha mẹ có thể trò chuyện với con”.
Đồng tình với ý kiến này, BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM cho rằng tâm lý e ngại cùng kiến thức giới tính hạn hẹp nên cha mẹ bao biện rằng con còn nhỏ, chưa cần phải biết. Trong khi việc GDGT đâu chỉ là việc quan hệ tình dục, sinh con mà một quá trình giúp trẻ hiểu được giá trị cơ thể, bản thân nên phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
“Lúc con còn nhỏ, chúng ta âu yếm, tắm rửa, mặc quần áo cho con… chính là cơ hội giúp trẻ hiểu về các bộ phận cơ thể để biết nâng niu, tôn trọng chứ không nên “phân biệt đối xử”. Cha mẹ hay tạo ấn tượng cho bé cái đó là bậy bạ thì làm sao trẻ biết giữ gìn, quý trọng”, BS Ngọc nói.
Điều cần nhất trong việc GDGT, theo BS Đỗ Hồng Ngọc là phụ huynh cần quan tâm đến quan điểm của trẻ. Trước các thắc mắc của con, nên hỏi lại xem trẻ đã biết gì rồi để các em có cơ hội bày tỏ. Từ đó chúng ta điều chỉnh những cách hiểu sai rồi cung cấp, mở rộng thêm các kiến thức cùng các giá trị sống, giá trị văn hóa cho trẻ.
BS Đỗ Hồng Ngọc khuyến cáo khi trẻ đặt câu hỏi mà cha mẹ lúng túng, bối rối hoặc phải nghe cha mẹ quát mắng, chê bai thì sau này trẻ không hỏi chúng ta nữa mà quay sang hỏi bạn bè, hay tìm các nguồn thông tin khác như qua internet, phim ảnh… Điều này có thể dẫn đến những nhận thức sai lệch cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.