Làm thể nào để nâng cao đời sống cho GV, hạn chế thấp nhất chuyện dạy thêm

25/10/2023 11:21
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Minh Đức, lương cho giáo viên phổ thông còn nhiều nơi chưa đáp ứng đời sống, nên phải tổ chức dạy thêm. 

Dạy thêm học thêm một phần do lương giáo viên phổ thông chưa đáp ứng cuộc sống

Sáng ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trao đổi tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc được nêu trong báo cáo.

Trong đó, vị đại biểu quan tâm đến vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sau khi ban hành một loạt các bộ sách giáo khoa, hiện nay, xuất hiện câu chuyện không đồng bộ; có sự lạm dụng trong triển khai sách giáo khoa tới các trường phổ thông; hay cách tiếp cận đối với các nội dung trong sách giáo khoa còn nhiều vấn đề tồn tại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Yến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Yến.

“Đối với lĩnh vực này, ngành giáo dục cần phải tổng kết ngay, chỉ ra những “căn bệnh” để khắc phục ngay. Đây là vấn đề vừa qua, khi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được đề cập đến. Chúng tôi đã tổng hợp và báo cáo với cử tri, sẽ trình bày trong kỳ họp này” - vị đại biểu cho biết.

Một vấn đề nữa được Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề cập đến là “câu chuyện lâu nay vẫn nhắc, trở thành ‘căn bệnh trầm kha’ đó là tình trạng dạy thêm, học thêm”.

Vị đại biểu đặt câu hỏi: “Tại sao vẫn còn tồn tại vấn đề đó? Chúng ta phải rất suy nghĩ về vấn đề này”.

Ngay sau đó, vị đại biểu cũng chia sẻ một thực tế, như để trả lời cho chính câu hỏi trên: “Hiện nay, hệ thống lương cho giáo viên các bậc phổ thông còn nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống thực tế. Bởi thế, mới dẫn đến câu chuyện các thầy cô giáo phải tổ chức dạy thêm.

Ở đây, dạy thêm có 2 động cơ. Một là muốn nâng cao năng lực cho học sinh cũng như cho chính bản thân giáo viên. Hai là lại có phần nào liên quan đến vấn đề thu nhập, kinh tế, dẫn đến chuyện người học phải đóng tiền, mà học sinh đóng tiền lại chính là từ tiền túi của phụ huynh.

Vậy nên, câu chuyện ở đây là chưa tìm được tiếng nói chung. Phải làm sao giải quyết dứt điểm tình trạng này? Làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên, có thể hạn chế mức thấp nhất chuyện học thêm, dạy thêm”.

Theo Đại biểu Nguyễn Minh Đức, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã khiến học sinh có lịch học kín mít, lại còn tổ chức dạy thêm - học thêm, khiến thế hệ trẻ không có thời gian để nghỉ ngơi, trẻ em đang mất quá nhiều thời gian trong việc học dẫn đến kiến thức xã hội có “lỗ hổng”, thiếu kỹ năng về văn hóa, xã hội trong cuộc sống, nên cách ứng xử còn hạn chế.

Chưa kể, các văn hóa phẩm xấu, độc hại trên mạng xã hội… dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh ứng xử với nhau chưa tốt, còn bạo lực trong học đường. Do đó, đây là bài toán phải giải quyết.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn (thảo luận tại tổ 3) cho biết, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được sự quan tâm rộng rãi của đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: quochoi.vn.

Nữ đại biểu đề cập: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương cũng đã quan tâm đến vấn đề này, thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vấn đề dạy thêm học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian qua”.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn phản ánh, trong nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình, nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm để giảm tải bớt thời gian học của các em học sinh, để vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Lo lắng về bữa ăn bán trú, ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn, chưa phát hiện ra

Bên cạnh đó, vị đại biểu cũng nêu quan điểm, một xã hội muốn phát triển, cũng cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục thể chất. Trong khi đó, có trường thậm chí không có đủ diện tích để tạo ra khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho học sinh. Cho nên, thể chất của trẻ em đang có vấn đề báo động.

Vị đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng về bữa ăn cho học sinh tại các trường bán trú: “Ai sẽ là người kiểm định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, xem các bữa ăn của học sinh có đủ các chất dinh dưỡng hay không, chưa nói đến vấn đề an toàn thực phẩm. Vẫn còn tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các trường trong thời gian qua, đó là còn có những nơi còn tiềm ẩn, chưa phát hiện ra...

Do đó, cần có những quy định, kiểm tra rõ ràng. Trong các trường phổ thông cũng đã có lưu mẫu thức ăn trong mỗi bữa ăn để kiểm định, tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa, bởi học sinh là thế hệ tương lai của đất nước”.

Một bữa ăn bán trú tại Điện Biên. Ảnh: Huệ Phương.

Một bữa ăn bán trú tại Điện Biên. Ảnh: Huệ Phương.

Mặt khác, vị đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu ra những hệ lụy do giáo dục thể chất chưa đảm bảo. Đại biểu đề nghị vấn đề này cần phải xem lại và học hỏi thêm mô hình của các nước.

“Một lần nữa, chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ phải có những nhìn nhận, thực hiện mang tính mệnh lệnh đó làm sao cải thiện được đời sống của giáo viên các cấp. Đồng thời, phải đào tạo hệ thống giáo viên đạt chất lượng cao” - ông Đức nêu.

Một vấn đề nữa được đề cập là cần phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực, vì con người là cốt lõi trong xây dựng và phát triển đất nước.

Báo cáo năm nào cũng chỉ ra, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng, đào tạo nghề còn rất hạn chế, nhất là các nghề “mũi nhọn” trong lĩnh vực công nghệ, hiện đang thiếu rất nhiều. Vậy câu chuyện tại sao thiếu nhân lực? Trong khi đó, người Việt Nam có đầy đủ trí tuệ, năng lực, số lượng học sinh sinh viên ra nước ngoài học tập cũng rất nhiều, thậm chí nhiều em học xong cũng không trở về mà ở lại đất nước đó làm việc vì có môi trường thuận lợi...

Cần phải giải quyết bài toán này, nếu không sẽ bị thụt lùi. Chúng ta vẫn hô hào mang tính mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thiếu nguồn nhân lực, con người là cốt lõi trong vấn đề xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì thế, cần phải nhìn nhận, đánh giá rất khách quan và chặt chẽ vấn đề này”.

“Một lần nữa, tôi mong rằng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết thấu đáo, hạn chế mức thấp nhất tình trạng dạy thêm - học thêm, vấn đề lạm thu ở nhiều nơi, không rành mạch, không minh bạch, dẫn đến ở nhiều nơi để lại hình ảnh về hệ thống giáo dục của chúng ta bị hạn chế” - ông bày tỏ.

Có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ từ ngân sách để làm thêm một bộ sách hay không?

Phát biểu ý kiến tại phiên họp tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Theo đó, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học. Tính đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả 3 cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng đã lên hơn 1.200 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề, có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không?

“Việc ra đời một bộ sách giáo khoa “của Bộ” có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không? Đó là điều mà chúng ta cần cân nhắc” - bà Thúy nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Hải Đăng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Hải Đăng.

Nữ đại biểu cũng nêu thêm, Luật Giáo dục ban hành sau Nghị quyết 88 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa “của Bộ” nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.

Do đó, bà Thúy cho rằng nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

“Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này.

Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định” - bà Thúy nêu.

Bởi theo nữ đại biểu, cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi, nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.

Huệ Phương