Ngày 5/5, Tòa án nhân dân quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tòa đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để đưa vụ kiện đòi học bổng và xin lỗi công khai do Trường đại học Tân Tạo (Long An) là nguyên đơn, em Đ.N.M.T (nguyên là sinh viên khoa Y năm 4 của trường) là bị đơn ra xét xử.
Trước đó, ngày 14/4, tòa đã tiến hành triệu tập các đương sự để bổ sung chứng cứ, các tài liệu liên quan đến vụ kiện. Nhưng hôm đó, chỉ có đại diện phía bị đơn đến để nộp các tài liệu liên quan cho tòa. Còn phía nguyên đơn không có mặt.
Ngày 23/3, tòa có thông báo là đã thụ lý vụ án dân sự của trường đại học Tân Tạo kiện sinh viên của trường này, yêu cầu hoàn trả học bổng và xin lỗi công khai.
Nhùng nhằng tiền học phí, học bổng
Theo hồ sơ vụ án, có tổng cộng 27 sinh viên từng học tại đại học Tân Tạo đã chuyển đến Trường đại học Võ Trường Toản nhưng còn nợ học bổng và học phí từ 1-3 năm.
Số tiền học bổng mà trường Đại học Tân Tạo yêu cầu em T. phải hoàn trả gấp hai lần lúc nhận là 156.337.500 đồng x2 là 312.675.000 đồng.
Thạc sĩ Huỳnh Hổ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo cho rằng, tiền học bổng mà nhà trường kiện đòi em T. là học bổng "Quỹ ITA vì tương lai'', do Tập đoàn Tân Tạo tài trợ.
Khi sinh viên nhận học bổng, nhà trường đã yêu cầu các em nộp bản chính học bạ và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Em T. Là một trong những sinh viên được nhà trường trao học bổng.
Trường đại học Tân Tạo trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều sai phạm - Ảnh Trường đại học Tân Tạo |
Với những sinh viên chuyển trường có lý do chính đáng thì phải hoàn thành nghĩa vụ và liên quan đến vấn đề học bổng và học phí còn nợ thì nhà trường mới xử lý cho nhận lại bằng tốt nghiệp và học bạ bản chính.
Sau nhiều lần thỏa thuận trong việc trả học bổng, học phí giữa nhà trường và sinh viên không đạt được thỏa thuận, nhà trường kiên quyết đi kiện để đòi lại.
Trường đại học Tân Tạo cũng yêu cầu sinh viên phải đăng xin lỗi công khai nhà trương trên năm tờ báo lớn vì đã có những lời lẽ, hành động làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.
Bà Trần Thị Kiều Mỹ, đại diện của em T. cho rằng, việc em T. và các sinh viên khác chuyển trường là do Trường đại học Tân Tạo tăng học phí, chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên, cấp bằng sai quy định....
Nhận được đơn xin chuyển trường của các sinh viên, Trường đại học Tân Tạo đã đồng ý nhưng buộc các em phải trả tiền học phí, học bổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng thì mới được nhận lại hồ sơ, học bạ cũng như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nếu gia đình chậm trễ hoàn trả, mỗi tháng nhà trường sẽ tính lãi suất 2% tổng số nợ. Đặc biệt, tất cả tiền gốc và lãi đều phải được thanh toán hoặc quy đổi ra đồng... đô la Mỹ.
Dù trước đó, Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết luận và cho phép các sinh viên được chuyển trường sau những sai phạm của trường đại học Tân Tạo gây ra. Thế nhưng, trường đại học nay vẫn gây khó các sinh viên bằng cách không trả lại hồ sơ, giấy báo điểm cũng như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trong khi đó, Trường tiếp nhận sinh viên chuyển đến là Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) vào ngày 1/4, thế mà, cho đến nay, các sinh viên không có đầy đủ hồ sơ nên không thể học được ở trường mới.
Sinh viên cũng yêu cầu trường phải xin lỗi
Bà Mỹ rất bức xúc vì cháu mình bị trường đạii học bổng, học phí mà không có căn cứ. ''Đáng lẽ cháu tôi có thể yên ổn học nốt hai năm còn lại ở Trường đại học Tân Tạo, nếu trường không thông báo tăng học phí đột ngột vào tháng 8/2016.
Tại sao nhà trường không thực hiện những cam kết lúc ban đầu tuyển sinh. Tại sao lại vô cớ tăng tiền học phí tăng tiền thi lại học lại, thay đổi chính sách học bổng, bằng cấp sai quy định của bộ...
Chúng tôi đã đến trường làm việc để mong có sự thay đổi nhưng nhà trường lại phớt lờ. Chúng tôi phải đi cầu cứu khắp nơi. Cháu tôi buộc phải chuyển trường cũng chỉ mong muốn có một môi trường học tập ổn định.
Nhà trường đã bội tín với sinh viên, phụ huynh trước chứ chúng tôi không tự dưng bỏ trường. Nhà trường lấy lý do gì kiện chúng tôi để đòi học bổng, khi chúng tôi không nhận được thông báo hay hợp đồng cam kết phải trả lại học bổng''.
Bà Mỹ cũng cho rằng, việc Trường đại học Tân Tạo kiện em T. gian dối nhận mẹ nuôi cũng không có cơ sở. ''Tôi là dì ruột của cháu T. Cháu hay gọi tôi là ''Má''.
Đó là danh xưng gần gũi của gia đình mà thôi. Sao trường lại kiện được. Căn cứ vào đâu, vào điều gì để kiện''.
Bà Mỹ cũng cho biết, bà sẽ kiến nghị tòa buộc Trường đại học Tân tạo phải công khai sinh lỗi em T. và bà trên các phương tiện truyền thông, buộc trường phải hoàn trả 1.000 USD ở học kỳ 1 năm học 2016-2017 đóng dư theo kết luận thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho em T.
Bà cũng yêu cầu tòa phải buộc trường trả toàn bộ các giấy tờ, bản chính cho em T. mà trường đã thu giữ cũng như cung cấp bảng điểm đúng và đầy đủ cho sinh viên chuyển trường theo quy định của Bộ.
Là vụ kiện đầu tiên
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự - hôn nhân gia đình Trường đại hoc Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Trường đại học Tân Tạo kiện sinh viên để đòi học bổng là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử tố tụng nước ta.
''Từ trước đến nay chỉ có những vụ kiện trường đại học kiện nhân viên của mình hay trường kiện vì sinh viên làm thất thoát tài sản của nhà trường.
Chuyện trường kiện sinh viên để đòi học bổng, học phí là không có trong lịch sử tố tụng và hiện tại chưa có luật quy định'', ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết, chuyện nhà trường kiện sinh viên ra tòa chỉ bắt đầu khi có các hệ thống các trường tư thục. Mà trường tư thục là có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiêp với nhau.
Ở đây, sinh viên T. đã nhận học bổng ''Quỹ ITA vì tương lai'', do Tập đoàn Tân Tạo tài trợ, vì thế, khi các bên không đạt được thỏa thuận, và không có sự thống nhất giữa các thành viên thì xảy ra việc kiện tụng là đương nhiên.
Ông Tiến cũng cho rằng, chuyện học bổng, học phí là rất riêng và đặc biệt nên luật chưa quy định. Có chăng chỉ là các điều khoản và quy định do các trường đặt ra.
Đối với chuyện trao học bổng thì sinh viên phải làm được gì đó cho nhà trường như công trình nghiên cứu, sản phẩm tự nghiên cứu, các đề án tự nghiên cứu thì mới được nhận. Và việc này phải có sự thỏa thuận thể hiện bằng hợp đồng giữa nhà trường và sinh viên.
''Em T. đã nhận học bổng của trường thì đổi lại phải có gì đó công hiến cho trường. Mà để có sản phẩm cống hiến cho trường thì T. phải học đầy đủ trọn khóa học ở trường thì mới có thể cống hiến'', ông Tiến nói.
Vì thế, cần phải xem xét lại cam kết của sinh viên khi nhận học bổng. Nếu sinh viên không ký cam kết thì không cần phải thực hiện yêu cầu của trường và ngược lại.